Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng
Thanh Sơn - Thu Lê - 28/06/2022 17:12
 
Sáng 28/6, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và quốc tế”.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế từ UN Habitat, Mạng lưới Đô thị thông minh Singapore, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và các tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế như: Tập đoàn CMC,  MobiFone,  Hewlett Packard Enterprise (HPE), Smart Cities Network Singapore, Fortinet, Signify và Dell Technologies.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, xây dựng đô thị thông minh phát triển bền vững, thân thiện với môi trường là xu thế chung của các đô thị hiện đại trên thế giới.

Tại Việt Nam, định hướng phát triển đô thị thông minh đã có tại Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và được tái khẳng định tại Nghị quyết số 06 ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối khu vực và thế giới”.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo

Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm có 11 tỉnh, thành phố, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước.

Nhiều địa phương trong vùng trở thành những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Hạ tầng giao thông liên kết vùng phát triển mạnh mẽ, trong đó phải kể đến là dự án tuyến đường cao tốc ven biển nối 7 địa phương vùng Đông Bắc bộ: Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An, tạo thành mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng đồng bộ, hiện đại góp phần phát triển các chuỗi đô thị thông minh.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng còn một số tồn tại, như mật độ dân cư vùng còn cao dẫn đến áp lực về phát triển đô thị và các vấn đề phát sinh về môi trường, chất lượng cuộc sống...

Cấu trúc không gian phát triển của Vùng còn hình thành thụ động, chưa rõ nét theo định hướng. Tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng chậm so với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu; chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ liên kết giữa các vùng.

Công tác điều phối Vùng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, từ quy hoạch, kế hoạch đến cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, phát triển đô thị thông minh cũng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ.

Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Về triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, có khoảng gần 40 tỉnh đã triển khai phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 17/63 tỉnh đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh...; nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án đô thị thông minh chiếm từ 50-90%.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo

“Việc xây dựng đô thị thông minh phải nhấn mạnh tính kết nối khu vực và quốc tế. Nếu một thành phố chỉ thông minh trong bản thân thành phố đó mà không tiếp cận với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, các hệ thống tiêu chuẩn thì cũng rất khó. Nếu không, chúng ta chỉ là tiêu dùng các công nghệ số mà không tiếp cận được các hệ thống; vì định hướng về mặt dài hạn, các hệ thống đô thị thông minh phải có tính kết nối khu vực và quốc tế. Xây dựng đô thị thông minh, chúng ta đảm bảo tính kết nối của từng cấu phần của bản thân đô thị, bản thân giữa các đô thị thông minh trong nước với nhau và tiến tới kết nối với khu vực và quốc tế thì mới đạt yêu cầu”, ông Hiển nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã nghe 6 bài tham luận chính từ các chuyên gia trong nước và nước ngoài trao đổi, làm rõ các vấn đề về Xây dựng và triển khai dự án/đề án phát triển đô thị thông minh có tính kết nối cao tại các địa phương; Khả năng liên kết giữa các đô thị trong khu vực để hướng tới tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững; Hạ tầng số cho đô thị thông minh và ứng dụng các công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự đô thị.

Ông Hán Minh Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sgroup đã giới thiệu về hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị liên thông ứng dụng nền tảng GIS.

Với doanh nghiệp, hệ thống này cho phép khai thác, chia sẻ các thông tin pháp lý, thông tin quy hoạch xây dựng, đô thị. Đây là kênh thông tin phản ánh những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động tại các địa phương. Đối với người dân, hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là cổng kết nối giữa người dân và chính quyền các cấp; hỗ trợ người dân tra cứu các thông tin về chính sách pháp luật, quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn; phản ánh kịp thời những vi phạm, bất cập, thúc đẩy người dân tham gia công tác quản lý đô thị.

Còn ông Kok-Chin Tay, Chủ tịch Smart Cities Network Singapore thì cho rằng, các thành phố thông minh cần có một bản sao số của thành phố minh. Điều này là cần thiết để các cơ quan quản lý có thể liên thông dữ liệu dưới dạng 3D. Những thông tin thực tế được số hóa bằng hình ảnh.

Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thấy rõ được những vẫn đề của thực trạng đô thị để có giải quyết một cách trực quan ngay trên nền tảng số, giúp quá trình thực hiện quy hoạch, giám sát, và điều hành được sát thực tế. Việc hình thành bản sao số của thành phố thông minh đã được những quốc gia phát triển như Đức hay Phần Lan, Singrapore,…. thực hiện từ lâu và mang lại hiệu quả cao.

Tại Việt Nam, Smart Cities Network Singapore đang thực hiện lập bản sao số cho khu vực dự án Metro, hay khu vực Thảo Điền của TP.HCM...

Đại diện Smart Cities Netwwork Singapore chia sẻ về bản sao số của Dự án tuyến Metro tại TP Hồ Chính Minh tại Hội thảo
Đại diện Smart Cities Netwwork Singapore chia sẻ về bản sao số của dự án tuyến Metro tại TP.HCM  tại Hội thảo

Tại phiên trao đổi, thảo luận bàn tròn đã bàn sâu hơn về những vấn đề đặt ra và giải pháp hướng đến trong quá trình phát triển đô thị, chuỗi đô thị thông minh, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên thế giới và tại Việt Nam.

Đó là những giải pháp để tăng cường tính liên kết trong đô thị, giữa các đô thị trong khu vực và thế giới; Những chính sách về quy hoạch nhằm thu hút và khuyến khích đầu tư tư nhân cho các dự án đô thị thông minh; Những vướng mắc trong phát triển hạ tầng số, công nghệ số và phát triển hệ sinh thái dịch vụ thông minh cũng như rủi ro về an toàn, an ninh và giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật với đô thị thông minh.

Hải Phòng đưa chuyển đổi số vào đời sống xã hội
Với tiềm năng sẵn có cùng nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hành trình chuyển đổi số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư