Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Thuế tối thiểu toàn cầu hướng tới hệ thống thuế quốc tế công bằng hơn
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) nhằm ngăn chặn hành vi tránh thuế và cạnh tranh thuế của các công ty đa quốc gia, đồng thời đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia đều nhận được phần thu thuế hợp lý từ lợi nhuận toàn cầu của các tổ chức này.
Ông Rizwan Khan, Giám đốc Acclime Việt Nam.



Một cải cách quan trọng đối với hệ thống thuế quốc tế

GMT hướng đến việc quy định một mức thuế tối thiểu đối với thuế thu nhập doanh nghiệp ở hầu hết các quốc gia trên thế giới theo một thỏa thuận quốc tế. Mục tiêu của GMT là ngăn chặn sự chuyển dịch lợi nhuận và xói mòn cơ sở thuế phát sinh từ các công ty đa quốc gia.

Do đó, tháng 10/2021, có tới 136 quốc gia đồng ý với đề xuất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về GMT. Thỏa thuận đặt ra mức thuế hiệu quả toàn cầu tối thiểu là 15%, dự kiến có hiệu lực vào năm 2024. Tuy nhiên, điều này áp dụng cho các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 750 triệu euro (khoảng 815 triệu USD) trở lên.

Chính sách bao gồm hai trụ cột:

Trụ cột 1: cho phép các quốc gia nơi phát sinh doanh thu của các tập đoàn đa quốc gia được thực hiện đánh thuế một phần lợi nhuận của các công ty này, ngay cả khi họ không có sự hiện diện thực tế ở đó. Trụ cột này chủ yếu nhắm đến các công ty kỹ thuật số có thị phần lớn và khả năng sinh lời cao.

Trụ cột 2: thiết lập mức thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia, dựa trên kết quả kinh doanh của họ. Nếu một công ty đóng thuế ít hơn 15% ở một quốc gia nào đó, thì quốc gia sở tại của công ty đó có thể “tăng” thuế của mình lên mức tối thiểu, nhằm loại bỏ động cơ chuyển lợi nhuận sang các khu vực pháp lý có thuế thấp.

GMT là một cải cách quan trọng đối với hệ thống thuế quốc tế. Chính sách này dự kiến làm tăng doanh thu hàng tỷ USD cho các chính phủ. Các khoản này có thể được sử dụng để tài trợ cho các dịch vụ công hoặc giảm nợ. GMT cũng được kỳ vọng ngăn cản các tập đoàn đa quốc gia thực hiện các hành vi tránh và trốn thuế, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và tạo sự công bằng hơn cho người nộp thuế.

OECD ước tính, chính sách GMT sẽ mang lại 150 tỷ USD khoản thu thuế tăng thêm hàng năm. Chính sách này dự kiến được thực hiện từ năm 2024, sau khi các quốc gia tham gia ban hành các quy định pháp luật cần thiết trong nước và ký kết một hiệp định đa phương.

Chính sách GMT đã được nhiều quốc gia hoan nghênh như một thành tựu lịch sử và sẽ tạo ra một hệ thống thuế quốc tế công bằng và ổn định hơn. Tuy nhiên, một số quốc gia bày tỏ nhiều lo ngại, do dự về chính sách này, như tác động của chính sách này đối với khoản thuế thu được hiện tại, đến sự phát triển kinh tế và các ưu đãi thuế hiện có của họ. Một số quốc gia cũng chưa tham gia hiệp định như Kenya, Nigeria, Pakistan, Sri Lanka.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có tác động khác nhau đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đ.T

Tác động của GMT đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chỉ hoạt động tại Việt Nam, chính sách này có thể không có tác động trực tiếp, vì họ đã phải tuân theo các quy định về thuế nội địa của Việt Nam. Tuy nhiên, họ có thể hưởng lợi khi sân chơi trở nên bình đẳng hơn, bởi trước đây, các tập đoàn đa quốc gia có thể được hưởng mức thuế suất thấp hơn bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế.

Mặt khác, đối với DNNVV xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ của họ sang các quốc gia khác, chính sách thuế có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của họ, tùy thuộc vào thuế suất và quy định tại Việt Nam và các quốc gia khác. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam bán sản phẩm của mình cho khách hàng ở Pháp, doanh nghiệp đó có thể phải trả nhiều thuế hơn theo Trụ cột 1, vì Pháp có thể yêu cầu đóng thuế cho phần doanh thu bán hàng ở đó.

Tương tự, đối với DNNVV có công ty con hoặc chi nhánh ở các quốc gia khác, chính sách này có thể dẫn đến yêu cầu nộp nhiều thuế hơn theo Trụ cột 2, vì Việt Nam có thể cộng thêm thuế để đạt đến mức tối thiểu 15% nếu họ nộp thuế thấp hơn ở bất kỳ quốc gia nào khác. Điều này có thể làm giảm động lực đầu tư hoặc mở rộng trong các khu vực pháp lý thuế thấp.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, đối với DNNVV hiện dựa vào các ưu đãi thuế hoặc miễn thuế do chính phủ đưa ra, chính sách này có thể hạn chế hoặc loại bỏ một số lợi ích này, vì chúng có thể bị coi là không phù hợp hoặc mang lại khoản thu thuế thấp hơn so với mức GMT. Điều này có thể ảnh hưởng đến dòng tiền và triển vọng tăng trưởng của họ. Tuy nhiên, một số chính sách ưu đãi thuế vẫn có thể được phép áp dụng nếu nó phù hợp với mục tiêu và tiêu chí của chính sách.

Chính sách GMT vẫn đang trong quá trình đàm phán và triển khai, nên có thể có những thay đổi hoặc ngoại lệ đối với một số loại DNNVV nhất định. Chính sách này cũng phụ thuộc vào luật pháp trong nước và việc thực thi của mỗi quốc gia. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia thuế và theo dõi sự phát triển của chính sách thuế này để hiểu nó có thể ảnh hưởng đến mình như thế nào.

Tác động đến Việt Nam

Việt Nam là điểm đến ưa thích của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do nhiều yếu tố, trong đó có các công cụ thuế quan. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các hiệp định này đã cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Chính sách GMT vẫn đang trong quá trình đàm phán và triển khai, nên có thể có những thay đổi hoặc ngoại lệ đối với một số loại DNNVV nhất định.

Ngoài cắt giảm thuế quan, Việt Nam còn đưa ra các ưu đãi khác cho FDI như miễn thuế, ưu đãi tiền thuê đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việt Nam cũng đã hoàn thiện khung pháp lý và quy định để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài, như Luật Đầu tư (2020), Luật Doanh nghiệp (2020) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (2020). Các luật này đã nâng cao tính minh bạch và nhất quán của môi trường đầu tư, cũng như mang lại nhiều cơ hội hơn cho hợp tác công tư.

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đặt ra một mức thuế tối thiểu hiệu quả trên thu nhập doanh nghiệp và bất kỳ quốc gia nào có mức thuế tối thiểu thấp hơn sẽ phải thu phần chênh lệch từ các nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách GMT dự kiến có tác động đáng kể đến dòng vốn FDI, đặc biệt là ở các nước đang phát triển dựa vào ưu đãi thuế để thu hút dòng vốn này.

Theo một số nghiên cứu, chính sách GMT có thể làm giảm tới 20% dòng vốn FDI chảy vào các nước có mức thuế thấp và làm tăng dòng vốn FDI chảy ra từ các nước có mức thuế cao lên tới 10%. Điều này đồng nghĩa với việc phân phối lại nguồn vốn FDI từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển, cũng như giảm mức độ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Chính sách này cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng và thành phần của vốn FDI, vì các nhà đầu tư có thể chuyển từ đầu tư hiệu quả sang đầu tư thụ động, hoặc từ vốn chủ sở hữu sang tài trợ bằng nợ.

Lợi thế của Việt Nam với tư cách là điểm đến của dòng vốn FDI nhờ các công cụ thuế quan có thể mất dần do chính sách GMT, vì mức thuế hiệu quả tối thiểu của Việt Nam đang thấp hơn ngưỡng đề xuất là 15%. Điều này có nghĩa là, Việt Nam sẽ phải thu thêm thuế từ các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó, có thể làm giảm sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của mình.

Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam có thể mất đi một số lợi ích do việc cắt giảm thuế quan có thể bị thay thế bởi việc tăng thuế. Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn từ các quốc gia khác có mức thuế hiệu quả tối thiểu cao hơn, nhưng lại có những lợi thế khác, như hạ tầng, nguồn nhân lực hoặc quy mô thị trường lớn hơn.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể duy trì sức hút FDI của mình bằng cách thực hiện các chính sách và cải cách khác có thể cải thiện môi trường đầu tư và từ đó, bù đắp những tác động tiêu cực của chính sách GMT.

Ví dụ, Việt Nam có thể cải thiện các dịch vụ công, nâng cao chất lượng quản lý và hệ thống pháp luật - những yếu tố quan trọng đối với các quyết định đầu tư của dòng vốn FDI. Việt Nam cũng có thể đa dạng hóa các nguồn và lĩnh vực thu hút FDI, đồng thời thúc đẩy nhiều hơn các mối liên kết và tác động lan tỏa với các doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam cũng có thể đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do của mình để bổ sung các điều khoản về bảo hộ, khuyến khích và tạo thuận lợi cho đầu tư.

Cuối cùng, Việt Nam có thể tham gia đối thoại và hợp tác toàn cầu về các vấn đề thuế, đồng thời ủng hộ một hệ thống thuế quốc tế công bằng và toàn diện, có tính đến lợi ích và nhu cầu của các nước đang phát triển.

Tóm lại, GMT là một vấn đề phức tạp và vẫn còn một số câu hỏi chưa được giải đáp về cách nó sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, đây là một bước quan trọng, hướng tới một hệ thống thuế quốc tế công bằng hơn.

Chuẩn bị chính sách để tham gia thuế tối thiểu toàn cầu
Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15% tác động không nhỏ tới chính sách thu hút...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư