Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thuê tướng ngoại có giúp Tân Hiệp Phát đổi vận?
Công Sang - 30/09/2015 09:16
 
Vừa qua, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, đơn vị sở hữu các thương hiệu đồ uống lớn như nước ép tăng lực Number 1, Trà xanh không độ, Trà thảo mộc Dr Thanh… đã thuê nhân sự ngoại cấp cao để điều hành doanh nghiệp.

Hành động này diễn ra trong bối cảnh doanh thu của Tân Hiệp Phát bị sụt giảm sau sự cố có dị vật trong sản phẩm nước ép tăng lực Number 1 hồi đầu năm nay.

Theo đó, ông Roland Ruiz sẽ giữ chức Phó tổng giám đốc dịch vụ tổ chức và quản trị doanh nghiệp ở Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Nhìn chung, việc thuê các nhà quản lý nước ngoài không còn là chuyện lạ đối với các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước vài năm gần đây.

Theo thông cáo báo chí từ Tân Hiệp Phát, ông Roladn Ruiz từng làm việc trong bộ máy chính phủ Philippines và Singapore. Ông cũng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Tập đoàn tư vấn nhân sự toàn cầu Hay Group và Mercer.

.
Tân Hiệp Phát đang làm mới mình trong mắt người tiêu dùng sau sự cố có dị vật trong sản phẩm nước ép tăng lực Number 1

“Việc bổ nhiệm ông Roland Ruiz là bước đột phá, ghi nhận cam kết đầu tư vào dịch vụ và con người của Tập đoàn một cách chuyên nghiệp”, thông cáo của Tân Hiệp Phát viết.

Thông tin này cho thấy cam kết của Tân Hiệp Phát trong việc chuyên nghiệp hóa một số khâu, một điều khá cần thiết sau sự cố về dị vật trong sản phẩm cách đây không lâu.

Theo nhận định của các chuyên gia về thương hiệu, việc bổ sung nhân sự cao cấp, đứng trên góc độ thương hiệu hay truyền thông, sẽ gửi đi những thông điệp tích cực của doanh nghiệp như mở rộng tầm nhìn, coi trọng quản trị doanh nghiệp, hiện đại hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh… nhưng chỉ trong ngắn hạn. Về dài hạn, người tiêu dùng trông đợi ở các hành động cụ thể hơn.

“Tâm lý các khách hàng của mặt hàng tiêu dùng nhanh đơn giản lắm. Họ không biết và cũng không quan tâm tổng giám đốc là người Việt hay nước ngoài”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc T&A Ogilvy, đồng thời là sáng lập viên Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE nhận xét.

Cũng theo ông Sơn, việc công bố thông tin về nhân sự ngoại của Tân Hiệp Phát mang tính đối nội nhiều hơn. Bởi việc Việt Nam hội nhập càng sâu với các nền kinh tế khác dẫn đến tính cạnh tranh cũng cao hơn, trong đó có thị trường nhân sự cao cấp.

Khi nguồn cung trong nước không có tính cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thì việc thuê nhân sự từ những nước xung quanh có thể là giải pháp tốt. Hoặc khi doanh nghiệp đặt tầm nhìn ở góc độ khu vực hay toàn cầu thì họ chọn nhân sự cao cấp nước ngoài làm đầu mối phát triển.

“Tôi nghĩ, ít có doanh nghiệp nào chỉ thuê nhân sự cao cấp nước ngoài vì mục đích truyền thông hay thương hiệu”, ông Sơn nói.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Thanh Sơn, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc chiến lược của Richard Moore Associates, công ty tư vấn thương hiệu của Mỹ cho rằng, việc thuê nhân sự ngoại không có ý nghĩa và tác động nhiều đến hình ảnh của Tân Hiệp Phát. Quan trọng vẫn là cách thức doanh nghiệp này nhìn nhận đến cạnh tranh và quyền lợi của người tiêu dùng.

“Theo quan điểm của tôi, việc bổ nhiệm lãnh đạo người nước ngoài không làm thay đổi cục diện uy tín của một công ty”, ông Nguyễn Đức Sơn nói.

Cũng theo thông cáo báo chí của Tân Hiệp Phát, ông Roland Ruiz khi tham gia vào tập đoàn cũng bày tỏ tham vọng đưa Tân Hiệp Phát trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu châu Á.

Trước đó, hồi năm 2013, một lãnh đạo của Tân Hiệp Phát trả lời giới truyền thông rằng, ngoài thị trường Việt Nam, sản phẩm của Tập đoàn đã hiện diện ở Trung Đông, châu Phi, Australia, Đài Loan, Campuchia, Singapore và Liên bang Nga.

Việc Tân Hiệp Phát sẽ có các chiến lược mới và mở rộng sang các thị trường nào vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải doanh nghiệp trong nước nào cũng thành công với việc thuê nhân sự cao cấp nước ngoài.

Từng là nhà điều hành cho những tập đoàn quốc tế, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, nhìn chung các nhân sự cao cấp nước ngoài dự báo được sự phát triển của thị trường, năng suất lao động cao, quan hệ tốt và minh bạch hơn trong quản trị. Tuy nhiên, họ cũng có những mặt chưa tốt khi khá cứng nhắc trong điều hành, tư duy nhiệm kỳ dẫn đến thiếu gắn bó máu thịt với doanh nghiệp và khả năng lăn lộn với thị trường cũng kém hơn.

Bên cạnh đó, việc thành bại còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính doanh nghiệp đó. Bởi việc thay đổi cách làm của một doanh nghiệp không phải dễ. Một người điều hành muốn làm có hiệu quả bắt buộc phải có sự hỗ trợ của cả hệ thống. “Nhiều chủ doanh nghiệp chưa chắc chịu được cảnh các nhân sự nước ngoài thay đổi mọi thứ mà họ gây dựng nên”, ông Sơn nói.

Cuối cùng, bản thân người lãnh đạo nước ngoài chưa chắc đã giỏi như các chủ doanh nghiệp kỳ vọng. Theo ông Sơn, nhiều khi họ phải làm việc cả năm mới biết được là có phù hợp hay không.

Tóm lại, các doanh nghiệp nên cân nhắc trong việc thuê nhân sự ngoại về điều hành, vì lỡ không thành công sẽ mất rất nhiều thời gian để dọn dẹn hiện trường do các vị này để lại. Tân Hiệp Phát cũng không phải là ngoại lệ.

Nữ tướng nhà Tân Hiệp Phát: Tôi không được đặc cách
Sinh ra trong gia đình "nhà nòi", Trần Uyên Phương đang nỗ lực để có thêm sự tin tưởng của ba. Bởi khi được ba tin tưởng giao việc điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư