Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thương vụ SCG - Prime: Nghệ thuật chọn điểm rơi
Anh Hoa – Khánh An - 24/06/2013 06:42
 
 SCG đã chính thức tiếp quản toàn bộ Tập đoàn Prire từ ngày 15/4/2013 với tư cách cổ đông chi phối.
TIN LIÊN QUAN

Prime Group: mới và cũ

Mới đây, Khu công nghiệp Bình Xuyên tại Vĩnh Phúc đã ghi nhận sự có mặt của một dự án mới có vốn đầu tư lên tới cả trăm triệu USD của Prime Group.

Trụ sở chính của Prime Group trong Khu công nghiệp Bình Xuyên
tại Vĩnh Phúc

Mặc dù tên chủ đầu tư đã rất quen thuộc, là doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường gạch ốp lát của Việt Nam, song về bản chất, Prime Group hiện nay là công ty con thuộc SCG.

Có thể nói, cùng với việc chính thức tiếp quản toàn bộ Prime Group từ ngày 15/4/2013, dự án tại Khu công nghiệp Bình Xuyên là phát pháo mở đầu ghi tên tuổi SCG trong ngành vật liệu xây dựng tại thị trường Việt Nam ở một vị thế mới, sau khi mua lại 85% cổ phần tại doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực gạch ốp lát vào cuối tháng 12 năm ngoái, trở thành cổ đông chi phối của Tập đoàn Prime.

Cũng bắt đầu từ thời điểm thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng của Việt Nam (cho tới thời điểm này) chính thức có hiệu lực, Việt Nam trở thành địa điểm lớn thứ hai cung ứng gạch men cho SCG, khi chiếm đến 33% tổng công suất 225 triệu m2 gạch của tập đoàn này, sau đại bản doanh của SCG là Thái Lan (48%), vượt qua Indonesia (14%) và Philippines (5%).

Cũng phải nói thêm, trước thương vụ M&A tại Việt Nam, vào giữa năm 2011, Tập đoàn SCG đã mua lại nhà máy gạch gốm của Keramika Indonesia Associasi (Indonesia) và đầu năm ngoái lại tăng cổ phần trong Mariwasa-Siam Ceramics (Philippines).

Rõ ràng, tầm nhìn trở thành doanh nghiệp bền vững hàng đầu ASEAN mà SCG đã công bố trước đó đang được hiện thực hóa. Và như vậy, các kế hoạch đầu tư mở rộng trong khu vực, trong đó có Prime Group tại Việt Nam, chắc chắn chưa thể dừng lại.

Thời cơ chia đều

Trở lại thương vụ SCG - Prime, vẫn còn quá sớm để phân tích kỹ về những cái được và mất của các bên trong thương vụ M&A đình đám trên. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, các bên đều cùng thừa nhận rằng, đây là thương vụ thành công.

Trước hết, phải nhắc tới những cổ đông sáng lập của Prime Group. Với thương vụ này, họ tiếp tục là một phần của Tập đoàn Prime với tỷ lệ 15% cổ phần.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, tuy không khẳng định yếu tố “được giá” trong thương vụ này, song ông Nguyễn Văn Nghĩa (một trong 3 cổ đông sáng lập của Prime trước đây) cho rằng, đây là một cơ hội kinh doanh tốt và đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.

Cũng phải nói thêm, trước khi cơ hội tốt này diễn ra, khoảng năm 2008, Prime đã thổ lộ kế hoạch IPO để huy động vốn. Đây là lý do Prime có thêm 2 cổ đông mới là DWS Vietnam Fund vào năm 2008 và VinaCapital (VOF) vào năm 2010.

“Tuy nhiên, tình hình thị trường chứng khoán suy giảm khiến kế hoạch huy động vốn khó thành. Chúng tôi quyết định chuyển hướng sang tìm đối tác chiến lược”, ông Nghĩa kể lại khởi đầu tiếp cận kế hoạch M&A, với dự kiến ban đầu là giữ chi phối trong doanh nghiệp mới sau M&A.

“Sự xuất hiện của SCG, những cam kết của họ với tương lai của Prime và những thay đổi trong chiến lược của các cổ đông chính đã khiến kế hoạch của chúng tôi thay đổi. 85% cổ phần của Prime đã được bán cho SCG sau 2 năm đàm phán độc quyền. Một cách công bằng, các bên đều hài lòng với kết quả này”, ông Nghĩa khẳng định lý do giữ lại 15% là nhằm ổn định hoạt động của Prime trong quá trình chuyển giao.

Ngay cả phía bên mua SCG chắc cũng chưa tìm được điểm gì đáng phàn nàn khi trong vòng 3 năm tới, cam kết giữ nguyên chiến lược hoạt động, lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực... đã được hai bên thỏa thuận.

Lý do được chính phía SCG lý giải, đó là Prime đã có một cấu trúc kinh doanh, cơ cấu quản lý và chiến lược hoạt động rất vững chắc. Ngay trước thời điểm sáp nhập chính thức, tình hình kinh doanh của Prime khá ổn với công suất trung bình của các nhà máy vẫn đạt trên 90%, tồn kho ở mức hợp lý với khoảng 1 tháng bán hàng. Lợi nhuận và doanh số của 6 tháng đầu năm dự kiến tăng khoảng 30% kế hoạch, vượt chỉ tiêu tăng trưởng 20% của năm 2013 so với năm 2012…

Bàn về thương vụ này, không thể không nhắc tới DWS Vietnam Fund và VOF, 2 quỹ có mặt trong Prime để phục vụ kế hoạch IPO trước đó. Những tính toán cho thấy, thương vụ SCG mua lại Prime Group đã làm tăng gấp đôi giá trị khoản đầu tư của DWS Vietnam Fund và tăng 40% giá trị khoản đầu tư của VOF. Nếu tính từ khi bắt đầu rót vốn, DWS Vietnam thu lời 60%, còn VOF kiếm được 30%, một hệ số sinh lời quá ổn so với tình hình chung của giai đoạn 2010-2011.

Cụ thể hơn, khi bán 7,1% cổ phần Prime cho SCG với giá 32,6 triệu USD, VinaCapital cũng kiếm được 17,5 triệu USD. Vào thời điểm đó, khi tình hình thị trường bất động sản tiếp tục xấu, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề, thì rõ ràng, đây là khoản lời lớn, vì cơ hội đang thuộc về bên mua là SCG.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital thừa nhận, một trong những thành công mà các bên có được từ thương vụ này chính là tiềm năng của Prime trong thị trường vật liệu xây dựng. “Nếu Prime gặp khó khăn, thì tôi tin là SCG sẽ không quyết định mua lại doanh nghiệp này. Hơn thế, Prime vẫn đang chiếm thị phần tiêu thụ gạch lớn nhất ở thị trường miền Bắc”, ông Andy Ho cho biết và cũng khẳng định, kết cục đẹp của thương vụ này chính là tất cả các bên đều chớp đúng thời cơ.

Tương lai của Prime Group

Trong buổi công bố kết quả kinh doanh năm 2012 tại Bangkok (Thái Lan), SCG khẳng định, đã chi 46 triệu USD để nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm, nhằm cho ra đời những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Và những sản phẩm này chiếm tới 34% tổng doanh thu năm 2012 của SCG.

Nhắc tới điều này để thấy rõ hơn hướng đi tới của Prime Group ngay tại thị trường Việt Nam, khi mà nơi đây tiếp tục là ưu tiên của SCG khi tiếp quản Prime Group.

Đang nắm tới 24 công ty con, bao gồm cả những công ty sản xuất nguyên phụ liệu cho sản xuất gạch ốp lát, cùng một mạng lưới 100 nhà phân phối và trên 30.000 cửa hàng, việc Prime Group triển khai thêm các nhà máy sản xuất, khai thác nguyên phụ liệu tại chỗ khiến giới đầu tư cho rằng, tỷ lệ 20% thị phần tại thị trường Việt Nam của Prime Group hiện tại hoàn toàn có thể thay đổi theo hướng tích cực.

Trước hết, mặc dù tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn rất khó khăn, song điểm sáng trong tiêu thụ gạch ốp lát của Prime trong 6 tháng đầu năm cho thấy, nhu cầu của thị trường vẫn rất lớn, nhất là khu vực nông thôn. Có thể nói, trong khi thị phần ở các đô thị, các công trình xây dựng lớn bị ảnh hưởng bởi sự sa sút của thị trường bất động sản, thì phân khúc nhà ở dân cư, bao gồm cả xây mới và sửa chữa, ít bị ảnh hưởng hơn cả.

“Thế mạnh của Prime ở mảng thị trường rộng lớn này là hiểu biết thị trường, công suất lớn, chủ động nguyên phụ liệu, nên chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh. Trong bối cảnh hiện tại, đây là cơ sở không chỉ giữ thị phần cho Prime”, ông Nghĩa phân tích.

Cùng với đó, những khảo sát gần đây cho thấy, nhu cầu về gạch ốp lát của Việt Nam vẫn đang rất lớn, gấp ba lần so với các quốc gia trong khu vực.

Như vậy, sự có mặt của SCG với ưu thế về giải pháp công nghệ, thế mạnh về R&D, thiết kế sản phẩm… chắc chắn sẽ tạo nên hình ảnh mới cho thương hiệu Prime ngay tại thị trường nội địa, sau 2 năm tạm dừng các kế hoạch đầu tư, quảng bá thương hiệu để phục vụ thương vụ M&A này.

Bức tranh sáng về tương lai của thương hiệu Prime chắc đã tác động mạnh tới quyết định của các cổ đông sáng lập cũng như sự ổn định của doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển giao. Bởi, đúng như ông Nghĩa chia sẻ, sự bền vững của một cuộc hôn nhân phải dựa trên sự thấu hiểu và đồng điệu về quan điểm sống. SCG và Prime đang có những điều kiện này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư