Thứ Tư, Ngày 30 tháng 04 năm 2025,
Thủy điện ít nước vẫn phải lo nhiều mục tiêu
Thanh Hương - 08/05/2013 13:50
 
Nước về ít, nhưng nhiều nhà máy thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn phải đảm bảo nước cho nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong mùa khô.
TIN LIÊN QUAN
Đằng sau đập tràn hồ Đại Ninh

Ông Đặng Văn Cường, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Đại Ninh cho hay, ngoài xả nước đảm bảo dòng chảy sinh thái và môi trường hạ du đập theo quy định vận hành hồ chứa (0,7 m3/giây), Nhà máy Thủy điện Đại Ninh đang vận hành để đảm bảo xả nước cho nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận với lưu lượng 15 m3/giây trong thời gian từ ngày 1/5 đến 25/5/2013.

Trước đó, theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hồ thủy điện Đại Ninh đã phải xả tối thiểu 12 m3/giây trong thời gian 10 - 20/4/2013.

Hiện dung tích hữu ích còn lại trong hồ thủy điện Đại Ninh là 51,51 triệu m3, chưa được 20% tổng dung tích hữu ích của hồ và chỉ cách mặt nước chết 6 m. “Lưu lượng nước về bình quân từ đầu năm tới nay là 3,35 m3/giây, thấp hơn nhiều so với mức 6,29 m3/giây cùng kỳ năm 2012. Thực tế này khiến Công ty phải co kéo nhiều phía để vừa đảm bảo nước cho nông nghiệp trong điều kiện khô hạn kéo dài, vừa an toàn vận hành của thiết bị máy móc khi không thể dừng máy sửa chữa, bảo dưỡng trong thời điểm nước về ít”, ông Cường cho hay.

Hồ thủy điện Đại Ninh hiện cấp nước chủ yếu cho hồ thủy lợi Bắc Bình và Sông Quao (Bình Thuận). Từ khi có thủy điện Đại Ninh hoạt động, hồ thủy lợi Bắc Bình được bổ sung nguồn nước và đã tăng diện tích lúa cùng hoa màu từ 2.000 ha lên 6.000 ha; hồ thủy lợi Sông Quao cũng tăng được diện tích tưới từ 5.000 ha lên 8.000 ha và mở rộng thêm 2.000 ha nữa.

Với thực tế này, có những thời gian như Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng điện ít, lẽ ra có thể không phát điện để tiết kiệm nước để sản xuất điện cao điểm mùa khô, thì nhà máy vẫn phải chạy để có nước cho thủy lợi và nông nghiệp ở hạ du.

Cũng phải đảm bảo nước tưới và sinh hoạt cho vùng hạ du bên cạnh nhiệm vụ chính là phát điện, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ (SBH) trong vụ Đông Xuân 2013 đã đăng ký thời gian phát điện tối thiểu 5 - 8 tiếng mỗi ngày để cùng với Nhà máy Thủy điện Sông Hinh đảm bảo xả nước cho hệ thống thủy nông Đồng Cam (Phú Yên) hoạt động thường xuyên, liên tục.

Đồng Cam là hệ thống thủy lợi lớn nhất Phú Yên, cung cấp nước tưới cho 19.000 ha lúa hai vụ của vùng đồng bằng Tuy Hòa (Phú Yên), một vựa lúa lớn ở miền Trung.

Từ ngày 15/5 đến 5/6, SBH cùng Nhà máy Thủy điện Sông Hinh sẽ phải thực hiện điều tiết xả nước qua các tổ máy để cung cấp nước cho vụ hè thu với mức đáp ứng lưu lượng tối thiểu 40 m3/giây của hệ thống thủy nông Đồng Cam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, nước hồ thủy điện Sông Ba Hạ chỉ còn cách chưa đầy 20 cm là đến mực nước chết. Lưu lượng nước về hồ chỉ dao động 20 - 30 m3/giây.

Ông Đặng Văn Tuần, Tổng giám đốc SBH cho hay, công suất thấp nhất của nhà máy thủy điện là 66 MW sẽ cho lưu lượng xả lên tới 120 m3/giây, cao hơn nhiều so với yêu cầu của hệ thống thủy lợi Đồng Cam. Vì vậy, rất cần sự kết hợp chặt chẽ của địa phương để nước sau khi phát điện được tận dụng tối đa cho nông nghiệp và sinh hoạt, tránh lãng phí. Nhất là trong điều kiện lưu lượng nước về hồ rất thấp và hồ thủy điện Sông Ba Hạ điều tiết theo tuần, tức là dự trữ nước trong hồ không nhiều.

“Nếu khô hạn kéo dài, nước về không có, mà vẫn phải xả, thì Công ty sẽ phải làm việc với tỉnh về xả đập tràn. Nhưng phương án này vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành, chứ không chỉ đơn giản tỉnh quyết là được”, ông Tuần cho hay.

Tính đến hết tháng 4/2013, sản lượng điện của SBH mới đạt được 55 triệu kwh, bằng 30 - 40% bình quân 4 tháng các năm trước.

Cũng có thêm nhiệm vụ đảm bảo nước tưới cho vùng đồng bằng Phan Rang (Ninh Thuận) bên cạnh nhiệm vụ chính là phát điện, hồ Đa Nhim của Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) cũng gặp tình trạng nước về thấp.

Lưu lượng nước về hồ đến hết tháng 4 đạt bình quân 9,75 m3/giây. Tuy nhiên, nhu cầu cung cấp nước cho nông nghiệp trong 3 tháng đầu năm bình quân là 18 m3/giây và tháng 4 là 12 m3/giây. Khó khăn về nguồn nước về, trong khi phải xả cao ở đầu ra đã khiến mức nước trong hồ Đa Nhim tới hết tháng 4/2013, chỉ đạt cao trình 1.025,9 m, thấp hơn mức nước dâng bình thường tới 16,08 m.

Một lãnh đạo của DHD cho rằng, sự phối hợp giữa DHD với các tỉnh về sử dụng nước xả sau nhà máy thủy điện tốt, nên diện tích lúa của các địa phương Bình Thuận, Ninh Thuận đã tăng mạnh so với trước khi có nhà máy thủy điện, thậm chí có xu hướng hồ thủy điện làm nhiệm vụ của hồ thủy lợi.

Thừa nhận tình trạng áp lực cho hồ thủy điện tăng cao khi khô hạn kéo dài, ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng) cho hay, nhiều nhà máy thủy điện tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang vất vả phục vụ việc chống hạn của các địa phương, trong khi đây không phải là nhiệm vụ chính khi xây dựng nhà máy. Nguyên nhân là do nhiều hồ thủy điện có dung tích lớn, trong khi các hồ thủy lợi dung tích bé, gặp khó khăn khi thời tiết khô hạn kéo dài.

Cũng theo ông Quân, Chính phủ cũng đã yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án sản xuất vụ hè thu năm 2013 theo điều kiện nguồn nước hiện có, để hạn chế thiệt hại do hạn hán.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư