Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiền Giang sẽ là trung tâm trung chuyển, kho vận vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ
Huy Tự - 24/03/2024 17:25
 
Sáng 24/3/2024, Tiền Giang tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kết hợp xúc tiến mời gọi đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cho biết: tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762 ngày 31/12/2023. Đây là dấu mốc quan trọng làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; là cơ sở để lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, mở ra cơ hội mới nhằm tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế của Tiền Giang phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Mục tiêu đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,0 - 8,0%/năm. Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5 - 43,5%; ngành dịch vụ chiếm 29,5 - 30,0%; ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 21,5 - 23,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 5,5%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9 - 10%/năm. Phấn đấu đến năm 2030, tự cân đối thu chi ngân sách. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45 - 47%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Đặc biệt, Tiền Giang xác định phát triển công nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh Tiền Giang. Phát triển dịch vụ dựa trên các lĩnh vực chính: Du lịch, thương mại, logistics trong đó phát triển mạnh du lịch.

Đẩy mạnh liên kết với thành phố Cần Thơ và các địa phương trong vùng ĐBSCL để hình thành các tuyến du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng trong tỉnh và liên tỉnh. Đầu tư hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại có tính lan tỏa, thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hóa; đẩy mạnh thương mại điện tử, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường phát triển logistics nhằm phát huy tối đa vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho vận giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; trở thành lĩnh vực phát triển kinh tế chủ lực của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất cao với mục tiêu tổng quát mà Quy hoạch Tiền Giang đề ra, trong đó nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của quy hoạch để người dân ngày càng có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc, năm sau tốt hơn năm trước. Đồng thờii Thủ tướng chỉ rõ "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" trong thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang.

Nhiệm vụ trọng tâm, trung tâm là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Cần tăng cường phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế qua hệ thống giao thông, sản xuất và cung ứng theo chuỗi.

Để triển khai hiệu quả bản Quy hoạch, Tiền Giang cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ chế biến nông sản, các ngành phục vụ nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nhận Quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch tỉnh đến 2050. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, tỉnh Tiền Giang giới thiệu 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: Phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án); thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án); công nghiệp (12 dự án); kết cấu hạ tầng: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án) và nông nghiệp (3 dự án), với tổng vốn đầu tư 53.900 tỷ đồng.

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang: Trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 1762/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư