Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tiền nhàn rỗi khó quay lưng với ngân hàng
Vân Linh - 08/10/2023 10:36
 
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã giảm sâu, một phần tiền nhàn rỗi đã chuyển sang chứng khoán, nhưng nhiều người vẫn chọn gửi tiền ở ngân hàng.

Lãi suất tiết kiệm đã giảm sâu trong quý III/2023 và hiện không ghi nhận ngân hàng nào điều chỉnh. Điều này cho thấy, nhiều khả năng lãi suất huy động đã chạm đáy và hình thành mặt bằng mới.

Với các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa như PVCombank, LPBank và VietBank, lãi suất tiền gửi ở mức cao nhất thị trường là 6,8%/năm áp dụng với tiền gửi online kỳ hạn 18 tháng. Với tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng, hiện chỉ còn số ít ngân hàng duy trì lãi suất trên 6%/năm (từ 6 đến 6,6%/năm) gồm CBBank, PVCombank, NCB, LPBank, Dong A Bank, HDBank, Viet A Bank, BaoViet Bank, VietBank, Bac A Bank, OceanBank, SCB và SHB.

Với lãi suất huy động online kỳ hạn 6 - 9 tháng, mức cao nhất hiện chỉ còn 6,4%/năm tại PVCombank và CBBank. Mức lãi suất phổ biến nhất trong khoảng 5,5 - 5,8%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. ABBank thậm chí duy trì lãi suất tiền gửi thấp hơn cả nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, với lãi suất kỳ hạn 12 - 36 tháng chỉ từ 4 - 4,7%/năm...

Dù lãi suất tiết kiệm chạm “đáy”, song người dân vẫn khó quay lưng với ngân hàng. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại là 12,9 triệu tỷ đồng tính đến ngày 30/9.

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, giới phân tích tài chính nhận định, kênh đầu tư tiết kiệm vẫn được nhiều người quan tâm. Các lĩnh vực đầu tư khác, đặc biệt là bất động sản, vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, nên khó hút tiền tiết kiệm.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, phải xử lý xong thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể kỳ vọng đến thị trường bất động sản, bởi doanh nghiệp bất động sản đang bị chôn vốn ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp. “Để khơi thông thị trường bất động sản, trước hết, phải giải quyết được vấn đề vốn cho thị trường này”, TS. Huân nói.

Kênh đầu tư chứng khoán được hưởng lợi nhờ các động lực đến từ chính sách tiền tệ được nới lỏng, chính sách tài khóa mở rộng, lãi vay giảm, định giá thị trường hấp dẫn và giải ngân đầu tư công tăng. Vì vậy, đây là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm.

TS. Huân đánh giá, lãi suất tiết kiệm đã giảm 3-4% so với thời điểm đỉnh cao trong quý III - IV/2022 và thị trường chứng khoán tăng trưởng thời gian qua, nên không loại trừ khả năng tiền chảy qua chứng khoán. Thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu hồi phục, nhưng khi nào nhà đầu tư chốt lời từ chứng khoán, thì mới chuyển vốn qua bất động sản.

“Lượng tiền chảy qua chứng khoán và bất động sản hiện chưa nhiều, mà vẫn nằm trong ngân hàng để đảm bảo an toàn trước bối cảnh kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư chưa hồi phục thực sự”, TS. Huân nói.

Theo kỳ vọng của ông Yang Seung Won, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, kinh tế Việt Nam sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trên 6%/năm từ năm sau, với 3 trụ cột chính là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. “Các lĩnh vực được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất và xuất khẩu phục hồi, tiêu dùng nội địa tăng trưởng nhanh như logistics, bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, dịch vụ tài chính… sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư cân nhắc rót vốn trong trung và dài hạn”, ông Yang nói.

Lãi suất tiết kiệm giảm, dòng tiền chuyển hướng
Động thái giảm lãi suất huy động liên tục diễn ra trên toàn hệ thống khi mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại thúc giục các ngân hàng hạ thêm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư