Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiếp sức cho hạ tầng miền Trung - Tây Nguyên
Hoàng Thủy - 12/09/2013 09:36
 
Địa lý phân chia rõ ràng, nhưng không thể tách rời mối quan hệ tương hỗ giữa khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Hai khu vực này có điểm chung là hạ tầng hỗ trợ phát triển chưa đủ lực để kích hoạt nội lực của vùng.
TIN LIÊN QUAN

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển vùng Duyên hải miền Trung cho rằng, hiện nay, vùng Duyên hải miền Trung có nhiều thuận lợi về hạ tầng. Trong đó, riêng hạ tầng về nhân lực, khu vực này có 30 trường đại học, 34 trường cao đẳng và 26 trường trung cấp chuyên nghiệp.

Cùng với đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A là mạch máu giao thông chính của Duyên hải miền Trung

Về hạ tầng phát triển kinh tế, TS. Lịch cho biết, 9 tỉnh vùng Duyên hải miền Trung hiện có tới 6 khu kinh tế và 54 khu công nghiệp.

Hạ tầng kỹ thuật khu vực cũng khá ổn định với 6 sân bay, 13 cảng biển (7 cảng loại 1), 14 quốc lộ, đường sắt Bắc - Nam chạy qua, phân bổ đều ở các địa phương, kết nối các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng.

Đây có thể xem là điều kiện khởi đầu khá thuận lợi cho khu vực này phát triển.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, Quốc lộ 1A cùng với hệ thống đường sắt Bắc - Nam đang là mạch máu giao thông chính của vùng Duyên hải.

Riêng Quốc lộ 1A đã nhiều lần nâng cấp, nhưng phần lớn nhanh chóng xuống cấp, do lưu lượng xe quá nhiều đi kèm với thời tiết khắc nghiệt, chưa kể độ rộng chưa theo kịp với tốc độ phát triển lưu lượng xe.

Xét về số lượng thì rõ ràng, hạ tầng tại miền Trung khá ổn định, nhưng hệ thống hạ tầng khu vực vẫn còn nhiều bất lợi. TS. Lịch chỉ ra rằng, khu vực này có lãnh thổ trải dài và địa hình phức tạp, nên cản trở tổ chức không gian kinh tế - xã hội phát triển, nhất là kết nối giao thông đường bộ. Hạ tầng kinh tế còn yếu kém, xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ. Khu vực này cũng chưa có hệ thống giao thông đường bộ nào hiện đại, nhất là tuyến cao tốc.

“Nếu so với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc, khu vực miền Trung kém lợi thế hơn về môi trường đầu tư. Đặc biệt, khu vực này còn thiếu liên kết trong phát triển, mà đây là điều rất quan trọng đối với chiến lược quy hoạch và phát triển hạ tầng”, TS. Lịch nói.

Với Tây Nguyên, đây là khu vực đang được Chính phủ rất quan tâm, những năm qua, điều kiện hạ tầng đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, hàng trăm công trình thủy lợi được đầu tư, giao thông được cải thiện với 3 sân bay được nâng cấp, 13 quốc lộ và 57 tỉnh lộ được đầu tư…, đã góp phần đáng kể đưa kinh tế Tây Nguyên phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cơ sở hạ tầng tại Tây Nguyên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh về kinh tế; mạng lưới giao thông tỉnh lộ và quốc lộ tuy đã hình thành, nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp. Chính điều này hạn chế giao thương hàng hóa, chưa phát huy được sự liên kết phát triển giữa các vùng miền có điều kiện phát triển hơn để thu hút đầu tư.

“Trong hội nghị gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường kêu gọi các nguồn lực đầu tư vào hệ thống hạ tầng khu vực, đặc biệt là xã hội hóa các tuyến giao thông trọng yếu liên kết vùng miền như Quốc lộ 19 liên kết với Duyên hải miền Trung, hoặc Quốc lộ 14 liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Hùng nói.

Chính các địa phương vùng Duyên hải cũng đã nhận ra vai trò quan trọng trong việc liên kết phát triển với Tây Nguyên. Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư tỉnh Bình Định, hệ thống cảng biển ở vùng hạ lưu có phát huy hết công suất hay không phụ thuộc vào các dòng hàng từ vùng Tây Nguyên và các nước Lào, Camphuchia qua các cửa khẩu. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả kinh tế và các hệ thống hạ tầng vùng ven biển phát huy, thì nhất thiết phải nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ ngang Quốc lộ 19 nối Bình Định với Tây Nguyên, hay Quốc lộ 25 (Phú Yên - Tây Nguyên)…

Không ngẫu nhiên mà Đà Nẵng chủ trương kiến nghị nâng cấp sân bay, cảng biển hay đầu tư hàng loạt chiếc cầu hiện đại bắc qua sông Hàn, sau khi hoàn tất đầu tư tuyến đường ven biển xuyên suốt từ Hải Vân quan đến giáp với Quảng Nam.

Một khi tuyến đường này hình thành, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên và lượng du khách trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng tăng nhanh, đòi hỏi hệ thống hạ tầng hỗ trợ như cảng biển, sân bay, cầu đường… phải phát triển tương xứng. Điều này lý giải vì sao, TP. Đà Nẵng có những bước phát triển nhanh chóng như hiện nay.

Hạ tầng - Động lực lên đô thị loại I của Thừa Thiên Huế
Năm 2013, Thừa Thiên Huế đặt xây dựng hạ tầng là mục tiêu xuyên suốt. Theo đó, xác định tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư