Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế vượt trội cho Hà Nội
Nguyễn Lê - 27/03/2024 11:29
 
Đã có hướng xử lý cho các dự án xây dựng - chuyển giao (BT), bổ sung quy định đầu tư mạo hiểm, thử nghiệm có kiểm soát… Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (Dự thảo) mới nhất hoàn thiện thêm một bước các chính sách vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh: Duy Linh  

Được đầu tư mạo hiểm, thử nghiệm có kiểm soát

Luật Thủ đô sửa đổi là dự án luật đầu tiên được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đang diễn ra tại Hà Nội.

Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo gồm 7 chương và 54 điều, trong đó bổ sung mới 2 điều (Điều 14 về phân cấp, ủy quyền; Điều 36 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước).  

Điều 14 quy định, căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, UBND Thành phố được quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố hoặc UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình.

Còn theo Điều 36, Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ của Thành phố, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.

Một số nội dung thể hiện sự phân cấp mạnh mẽ cho Hà Nội cũng có bước tiến đáng kể. Chẳng hạn, Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để TP. Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn Thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền Thành phố. Trong đó, cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định…, phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.  

Liên quan đến việc cho phép TP. Hà Nội thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) - vấn đề đại biểu còn băn khoăn khi thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu, Dự thảo cũng đã có bước tiến mới. Đó là, Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng xác định cụ thể các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất.

Theo đó, hợp đồng BT thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện khi đáp ứng các yêu cầu: áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới hơn, hiện đại hơn so với thiết kế; chi phí thanh toán cho nhà đầu tư thấp hơn dự toán được lập và thẩm định, đã được kiểm toán; thời gian hoàn thành ngắn hơn so với thời gian thiết kế dự tính. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm giám sát quá trình thi công, kiểm định chất lượng công trình, đảm bảo chất lượng, công dụng và các tính năng của công trình khi hoàn thành không thấp hơn thiết kế; xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất được thực hiện khi đáp ứng các yêu cầu: quỹ đất dùng để thanh toán phải là vùng phụ cận liền kề với dự án đầu tư theo hợp đồng BT, chịu ảnh hưởng trực tiếp các tác động của công trình khi dự án đầu tư hoàn thành; nhà đầu tư được lựa chọn trong cùng một cuộc đấu thầu do UBND TP. Hà Nội tổ chức để chọn nhà đầu tư thực hiện đồng thời cả dự án đầu tư theo hợp đồng BT và dự án đối ứng có sử dụng đất (sẽ lập một bộ hồ sơ mời thầu để đấu thầu lựa chọn một nhà đầu tư thực hiện đồng thời cả dự án BT và dự án đối ứng); xác định thời điểm giao đất, thời điểm triển khai dự án đối ứng có sử dụng đất.

Thận trọng hơn với cơ chế thử nghiệm

Tham gia thảo luận về cơ chế thử nghiệm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, đây là quy định đầu tiên ở cấp độ luật điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ. Dự thảo đã mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP.HCM trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.

“Theo Dự thảo, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực. Tôi đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt. Vì vậy, Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát, mà không nên giao UBND Thành phố quyết định. Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định, nhưng thường là tài chính - ngân hàng (fintech); giáo dục (edtech); Y tế (medtech)”, ông Nghĩa góp ý.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nghĩa, Dự thảo hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm, mà chưa có quy định về đầu ra, như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào, hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung các quy định này trong Dự thảo.

Cũng quan tâm đến cơ chế thử nghiệm, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, cơ chế này còn những điểm bất cập.

Cụ thể, Điều 25 quy định: “Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; về quy mô thử nghiệm; về đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm; về số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác”.

“Quy định như vậy không rõ giới hạn, vì có những lĩnh vực áp dụng liên quan tới quyền lợi ích của công dân hay quyền con người, quyền bí mật đời tư... thuộc phạm vi Hiến pháp quy định thì sẽ xử lý như thế nào. Quy định này có chỗ còn mập mờ, dễ xung đột pháp luật trong những trường hợp cụ thể”, ông Khải nhận xét.

Điều 25 cũng quy định: “HĐND TP. Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm”.

Đại biểu Khải nhìn nhận, với quy định vượt thẩm quyền này, cần có các điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể mới được thực hiện, tránh áp dụng tùy tiện, hay tạo ra cách hiểu, cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất mà nhiều lĩnh vực chỉ do Quốc hội quyết định bằng một đạo luật, như lĩnh vực thuế.

“Cần sửa quy định của Điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn trong theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù. Không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở”, ông Khải góp ý.

Đồng tình với đại biểu Khải, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, phạm phạm vi thử nghiệm khá rộng, mà thử nghiệm gắn với rủi ro, nên phải đưa một số quy định loại trừ trách nhiệm vào ngay trong luật. “Nên có tiêu chí và đưa vào Dự thảo một danh mục thử nghiệm có chọn lọc, không nên rộng quá”, ông An nêu quan điểm.

Theo nghị trình, Luật Thủ đô sửa đổi sẽ được Quốc hội bấm nút tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024).

Những vấn đề quan trọng đều trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 4 hội nghị trước, đã có 323 lượt ý kiến đối với 25 dự án luật và một dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Những vấn đề quan trọng nhất đều trình Hội nghị, qua đó đã chắt lọc nhiều ý kiến xác đáng, nâng cao chất lượng các dự án luật.

Riêng Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội cho hay, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội 2 lần, xem xét rất kỹ lưỡng, bám sát các nhóm chính sách lớn, mục tiêu quan điểm chỉ đạo khi xây dựng luật để hoàn thiện Dự thảo. Nhấn mạnh, đô thị đặc biệt thì có nhiều, nhưng Thủ đô thì chỉ có một, ông Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp ý kiến xác đáng để khi Luật Thủ đô sửa đổi được ban hành mang tính khả thi, không chồng chéo các luật khác.
Hà Nội: Thành lập Tổ công tác xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 4430/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác xây dựng, chỉnh lý dự thảo Luật...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư