Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 15 tháng 11 năm 2024,
Tiết giảm chi phí, sức lao động trong sản xuất nhờ drone phun thuốc bảo vệ thực vật
Linh Nguyễn - 15/11/2024 12:25
 
Sự phát triển của thiết bị máy bay không người lái (Drone) trong nông nghiệp không còn là khái niệm mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, công nghệ này chỉ thực sự bùng nổ trong hai năm gần đây.

Đảm bảo an toàn và hiệu quả cho nông sản Việt

Đầu năm 2024, Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã ký kết kế hoạch hợp tác triển khai chương trình "Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững" cho giai đoạn 2023 - 2028. Theo bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Phòng Thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, chương trình hợp tác này đặt nền tảng cho các nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là drone, vào canh tác nông nghiệp nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

Bà Hương nhấn mạnh: “Việc đưa công nghệ drone vào phun thuốc bảo vệ  thực vật giúp giảm thiểu rủi ro cho người nông dân, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn để người nông dân sử dụng thiết bị này an toàn và đúng quy trình”.

Dùng drone phun thuốc bảo vệ thực vật giúp tiết kiệm 97% nước và tăng hiệu quả phun thuốc.

Thỏa thuận giữa Cục Bảo vệ thực vật và CropLife Việt Nam bao gồm các cam kết về đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những giải pháp tiên tiến trong quản lý thuốc bảo vệ  thực vật. Trong đó, drone là một trong những công cụ trọng tâm để hiện đại hóa nông nghiệp, giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và gia tăng năng suất cây trồng. Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan liên quan đã ban hành những hướng dẫn, quy định cụ thể về việc đăng ký và sử dụng thuốc bảo vệ  thực vật bằng phương pháp phun drone.

Việc sử dụng drone trong nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý hiện hành. Đầu tiên, người sử dụng drone phải có giấy phép bay và thiết bị cần được kiểm định an toàn. Theo bà Hương, không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo an toàn bay, các loại thuốc bảo vệ  thực vật sử dụng với drone cũng phải được đăng ký cụ thể trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Văn Viên, nguyên Giảng viên Cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, khi người dân sử dụng thuốc bảo vệ  thực vật cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách. “Nếu người nông dân sử dụng thuốc không đúng liều lượng hoặc phun không đúng cách, ngay cả khi sử dụng drone, cũng có thể gây ra tác hại nghiêm trọng đối với cây trồng và môi trường”, ông Viên lưu ý.

Tại Thanh Hóa, từ giữa tháng 7 là thời điểm nông dân tập trung phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh hại lúa. Vụ hè thu năm nay, riêng huyện Thọ Xuân gieo cấy khoảng 7,45 nghìn ha lúa với các giống lúa thuần như TBR 225, Thiên ưu 8, Khang Dân...

Cũng như nhiều năm trước, tình hình sinh vật gây hại trên cây lúa trong vụ hè thu được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi nông dân phải chủ động ngay từ khâu phòng bệnh. Tuy nhiên, trên nhiều cánh đồng của huyện Thọ Xuân năm nay không còn thấy cảnh nông dân vất vả mang bình phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh, thay vào đó là những thiết bị bay không người lái (drone).

Để xử lý sâu bệnh trên lúa hiệu quả ngay từ đầu vụ, bà Lê Thị Thanh (thôn 1, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân) đã cùng các hộ dân trên cùng cánh đồng góp tiền thuê thiết bị bay của Công ty TNHH Drone Sông Hồng để phun thuốc bảo vệ thực vật. Tại hiện trường, đội kỹ thuật của công ty đảm nhiệm toàn bộ từ khâu pha chế đến điều khiển thiết bị phun thuốc. Chỉ trong 30 phút, cánh đồng Đa Đôi rộng vài hecta ở xã Xuân Sinh đã được thiết bị bay hoàn tất các công đoạn phun trừ sâu và cỏ theo yêu cầu.

Bà Thanh chia sẻ: “Phun thuốc bằng drone vừa nhanh, tiện lợi lại tiết kiệm chi phí. Nếu phun thủ công, mỗi sào tốn khoảng 80.000 đồng tiền công, trong khi dùng thiết bị bay chỉ mất khoảng 20.000 - 25.000 đồng/sào. Quan trọng nhất là người dân không phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, bảo vệ sức khỏe. Hơn nữa, lúa không bị dập nát vì không có người đi lại trên ruộng. Drone còn giúp thuốc phun đều khắp mặt ruộng, thời gian phun rất nhanh, chi phí giảm đáng kể so với phương pháp thủ công.”

Tiết kiệm 97% nước và tăng hiệu quả phun thuốc

Theo ông Nguyễn Hữu Quảng, đại diện Croplife Việt Nam, drone ngày càng được sử dụng nhiều như một công cụ phun thuốc bởi thiết bị này cho thấy nhiều lợi ích rất rõ rệt.

Thứ nhất, drone có thể phun thuốc nhanh hơn tới 30 lần so với phương pháp phun thủ công, giúp nông dân tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả làm việc. Thứ 2, sử dụng drone rất an toàn cho người sử dụng, không lo thuốc bảo vệ thực vật dính vào người như việc sử dụng bình phun truyền thống.

“Đặc biệt, việc sử dụng drone giúp tiết kiệm tới 97% lượng nước so với cách phun truyền thống và giảm khoảng 50% chi phí đầu vào, bao gồm chi phí nhân công và tài nguyên. Qua đó cũng khắc phục tình trạng thiếu lao động nông nghiệp tại các địa phương hiện nay”, ông Quảng nhấn mạnh.

Drone còn giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động tại các vùng nông thôn, nơi lực lượng lao động đang dần suy giảm do xu hướng di cư lên thành thị. Hơn nữa, nhờ vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), drone có thể phun thuốc một cách chính xác và đồng đều trên toàn bộ diện tích canh tác, giúp cây trồng nhận đủ lượng thuốc cần thiết mà không lãng phí.

Việc ứng dụng AI và Big Data đang giúp nông dân và doanh nghiệp tối ưu hóa các quy trình sản xuất. Hiện, các nước phát triển đã áp dụng công nghệ Big Data vào việc thu thập và phân tích dữ liệu về đất, nước và dinh dưỡng cho cây trồng từ lâu. Dữ liệu này giúp họ biết chính xác vị trí cần bổ sung thuốc bảo vệ thực vật hay dinh dưỡng, từ đó giảm thiểu sự lãng phí và bảo vệ môi trường.

Về lâu dài, bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Phòng Thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cho rằng việc triển khai các giải pháp kỹ thuật hiện đại như drone và AI đòi hỏi nỗ lực đồng bộ từ phía các nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân. “Chúng tôi cam kết tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác và đào tạo để đảm bảo người nông dân có thể tiếp cận công nghệ một cách hiệu quả nhất.”, bà Hương khẳng định.

Một hợp tác xã nông nghiệp đầu tư mua máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật
Hợp tác xã An Long, tỉnh Long An, dùng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng lúa nhằm tiết kiệm thời gian, công lao động,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư