Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” với tiến trình cách mạng Việt Nam
“Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” là tiêu chí tích hợp những nội dung cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước CHXHCN Việt Nam hiện nay là kết quả của quá trình  đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước CHXHCN Việt Nam hiện nay là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” là tiêu chí tích hợp những nội dung cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới ở nước ta.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập gắn với tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.  Tiêu chí đó đã dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi trong tiến trình bảo vệ độc lập, thống nhất của Tổ quốc và ngày nay tiếp tục là mục tiêu cơ bản để toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ nước CHXHCN Việt Nam.

Dưới góc độ lịch sử, bài viết này muốn góp phần làm rõ giá trị đặc sắc của tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, tiêu chí tích hợp những nội dung cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới ở nước ta trước đây và hiện nay.

1. Sau khi hoàn tất cuộc chiến tranh xâm lược với sự đầu hàng của nhà nước phong kiến ở Việt Nam, thực dân Pháp đã chia nước ta thành ba xứ với các chế độ cai trị khác nhau theo chính sách chia để trị nhằm đè bẹp mọi sự đối kháng dân tộc. Bởi vậy, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng đồng thời là cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước, không chỉ là địa lý, mà trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm mở đường cho sự phát triển tự nhiên của Việt Nam.

Đi ra nước ngoài tìm con đường giải phóng dân tộc với mưu cầu đem lại tự do và hạnh phúc cho con người Việt Nam, khi hoạt động tại Pháp, trước sự hăm dọa của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lúc đó mang tên Nguyễn Ái Quốc - đã không ngần ngại tuyên bố: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”. Độc lập cho Tổ quốc, Tự do cho con người Việt Nam chính là mục tiêu và động lực hàng đầu để Người vượt qua hành trình 30 năm hết sức cam go trên một thế giới toàn trị của chủ nghĩa đế quốc ở đầu thế kỷ XX để: 1) lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn; 2) hoạch định chính xác đường lối cách mạng Việt Nam, 3) tiến hành cuộc vận động xây dựng Đảng Cộng sản duy nhất ở nước ta và 4) xây dựng Mặt trận Thống nhất dân tộc và lực lượng vũ trang ở nước ta nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, xã hội và con người Việt Nam.

Sự thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn con đường và xây dựng đường lối đúng đắn, xây dựng đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc là Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng Mặt trận Thống nhất dân tộc và lực lượng vũ trang duy nhất cũng bắt nguồn từ mục tiêu ngắn gọn, nhưng rất cao cả đó.    

Năm 1941, trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng, cùng với việc hoàn thiện đường lối cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra cho Mặt trận Thống nhất dân tộc của nước ta, lúc đó là Mặt trận Việt Minh, hai mục tiêu cơ bản là làm cho nước Việt Nam hoàn toàn được độc lập và làm cho dân Việt Nam được tự do.

Dưới sự lãnh đạo của Người và Đảng ta, những mục tiêu vì dân tộc và con người đó đã cổ vũ, đoàn kết rộng rãi toàn dân Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh để tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Với tinh thần “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết” và “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, nhân dân ta đã làm nên thành công của cách mạng Tháng Tám vĩ đại, lập nên nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiến hành thắng lợi 2 cuộc kháng chiến thần thánh để bảo vệ chế độ mới và thống nhất Tổ quốc.

Đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân kiến thiết xã hội mới ở nước ta thực hiện “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc” của Người cũng như của toàn dân Việt Nam “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người sáng lập đã xác định tiêu chí chính trị là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Từ đây, nhân dân Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới để khẳng định, bảo tồn và phát triển chuỗi giá trị trong tiêu chí cơ bản đó.

2. Từ lịch sử đấu tranh của dân tộc trong thế kỷ XX, có thể khẳng định tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước CHXHCN Việt Nam hiện nay là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng con người dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là kết tinh giá trị văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, đồng thời thể hiện khát vọng của dân tộc ta tiếp tục phấn đấu vì những giá trị cơ bản đó.

Có thể nói, tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc chỉ rõ mục tiêu phấn đấu cơ bản của nhà nước ta là đảm bảo nền Độc lập của dân tộc và đưa lại Tự do, Hạnh phúc cho con người Việt Nam. Nội dung đó khẳng định nhà nước mới ở Việt Nam phấn đấu vì quyền của dân tộc và quyền con người ở Việt Nam - những giá trị mà toàn thể nhân loại đã, đang và sẽ còn tiếp tục tranh đấu để hoàn thiện.

Điều đó cho thấy, tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của nhà nước ta không chỉ thể hiện văn minh chính trị của dân tộc Việt Nam trước tiến hóa chung của nhân loại, mà còn làm sáng tỏ sự vĩ đại của người đã sáng lập ra nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á đã nêu lên tiêu chí đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc biểu thị rất rõ ràng và cụ thể về con đường cách mạng Việt Nam là giải phóng con người về chính trị nhằm thoát khỏi thân phận nô lệ, khỏi áp bức dân tộc gắn liền với giải phóng con người trong xây dựng một xã hội thủ tiêu áp bức, bất công. Vì thế, tiêu chí đó đã có tác động to lớn, phát huy được tất cả sức mạnh vật chất, tinh thần của dân tộc, khơi dậy mọi tiềm năng, phát huy sức mạnh sẵn có và làm nảy nở những cái mới, cái đẹp của cả dân tộc và trong mỗi con người, phát huy mọi động lực của cả dân tộc vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây đựng đất nước vì lợi ích của dân tộc và con người Việt Nam. Trên ý nghĩa đó, tiêu chí của nhà nước ta, dù là ở thời kỳ nào, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay CHXHCN Việt Nam, đều trở thành động lực to lớn của cả cộng đồng dân tộc, của mỗi người dân Việt Nam, đều tạo nên sức mạnh vĩ đại trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc chỉ rõ sự gắn hữu cơ giữa vấn đề dân tộc với giai cấp, giữa độc lập dân tộc với phát triển xã hội, giữa phục hưng dân tộc với sự phát triển của tự do và hạnh phúc cho mọi người Việt Nam.

Đoàn kết phấn đấu thực hiện tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, nêu cao tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng là nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đoàn kết phấn đấu thực hiện tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, nêu cao tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng là nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong hai giá trị cơ bản của tiêu chí, quyền dân tộc (Độc lập), quyền con người (Tự do - Hạnh phúc) được đặt trong sự kết nối ngang, biểu thị mối quan hệ biện chứng giữa quyền dân tộc với quyền con người. Trong đó, quyền dân tộc được đặt lên trước và biểu thị Độc lập của dân tộc Việt Nam là thiêng liêng nhất và là tiền đề, là cơ sở của Tự do - Hạnh phúc cho con người Việt Nam. Không có quyền dân tộc (Độc lập dân tộc) không thể nói tới Tự do, Hạnh phúc thực sự cho con người Việt Nam. Nhưng đồng thời, tiêu chí đó cũng biểu thị mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc, trong đó Tự do, Hạnh phúc cho toàn dân là sự đảm bảo duy nhất cho Độc lập của nước nhà với tư cách là lực lượng, là nền tảng để bảo đảm cho Độc lập dân tộc.

Tự do, Hạnh phúc của con người Việt Nam trở thành nội dung của Độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Với Người, “Nước được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” mới có ý nghĩa.                      

“Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” là tiêu chí biểu thị lợi ích chung của dân tộc, của các giai tầng, của mỗi con người Việt Nam và chính là những lợi ích lâu dài của dân tộc và toàn thể nhân dân Việt Nam. Trên ý nghĩa đó, tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” chính là mẫu số chung để đoàn kết tất cả những người yêu nước Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mẫu số chung đó là cơ sở cho thống nhất tư tưởng, xây dựng niềm tin, đồng thời tạo ra một hiệu ứng tích cực, phát huy lòng tự tôn dân tộc trong toàn thể đồng bào, trong mỗi con người, làm gia tăng tối đa sức mạnh nội tại của dân tộc để vượt mọi qua mọi hiểm nguy, khó khăn trong xây dựng, bảo vệ đất nước và phục hưng dân tộc. Đồng thời, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cũng trở thành điểm chung để đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với quốc tế, sức mạnh dân tộc với thời đại. Việt Nam là bạn và làm bạn với các nước, mở cửa và hội nhập với thế giới dựa trên cơ sở và bằng nội dung của tiêu chí “Độc lập -Tự do - Hạnh phúc”.

Tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” là mục tiêu cơ bản và bất biến của nhà nước ta. Theo đó, trước hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã biểu thị mục tiêu cơ bản ấy thành các mục tiêu chiến lược cụ thể, sát hợp với yêu cầu nhiệm vụ ở từng giai đoạn nhất định của cách mạng nước ta.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, theo quân đội Anh vào giải giáp quân Nhật, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược lần hai và bắt đầu với mưu toan chia cắt Nam Bộ. Hòa bình và sự thống nhất của đất nước, độc lập của dân tộc bị đe dọa. Trước tình hình đó, trên cơ sở mục tiêu cơ bản là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nêu lên mục tiêu chính trị có ý nghĩa chiến lược cho cách mạng nước ta là xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nội dung hòa bình với thống nhất đất nước, độc lập dân tộc và thực hiện dân chủ trở thành nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng Việt Nam vào lúc này. Cuộc tranh đấu của nhân dân ta để bảo vệ độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của thực dân Pháp, từ đó cũng đồng thời với việc bảo vệ sự thống nhất của Tổ quốc.

Độc lập dân tộc phải gắn với sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh ngoại giao vô cùng cam go trong những tháng năm đầu thành lập của nhà nước mới nhằm loại trừ sự chia cắt đất nước của quân Đồng Minh và mưu toan của thực dân Pháp định tách Nam kỳ ra khỏi nước ta. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược lại bùng nổ vào ngày 19/12/1946 khi các giá trị về độc lập, thống nhất Tổ quốc không được tôn trọng.       

Mục tiêu hàng đầu thống nhất, độc lập cho Tổ quốc đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn dân ta đã tạo ra tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đồng thời là chất liệu đoàn kết dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh chống xâm lược. Trên tinh thần và sức mạnh đoàn kết đó, nhân dân ta đã vượt qua mọi cam go và tạo nên kỳ tích Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève đã công nhận và cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã dẫn tới sự cáo chung chủ nghĩa thực dân cũ, làm cho thế kỷ XX trở thành thế kỷ phi thực dân hóa. Việt Nam góp phần loại bỏ chủ nghĩa thực dân - một vật cản ô nhục trên con đường tiến hóa của nhân loại.

Mặc dù là một bên tham dự Hội nghị Genève, nhưng đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Genève và tiến hành dùng mọi thủ đoạn thay thế thực dân Pháp để tiến hành chiến tranh xâm lược ở miền Nam; lật đổ Bảo Đại và xây dựng chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm với chế độ Việt Nam Cộng hòa, mưu toan chia cắt lâu dài đất nước ta, phá hoại sự thống nhất đất nước mà Hiệp định Genève quy định. Một lần nữa, thống nhất và độc lập của dân tộc bị xâm phạm. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nêu lên nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta là nhằm xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh để đoàn kết toàn dân trong cuộc tranh đấu bảo vệ hòa bình, hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của dân tộc mà thế giới đã thừa nhận bằng Hiệp định Genève.

Từ mục tiêu cơ bản Độc lập - Tự do - Hạnh phúc và mục tiêu chiến lược giành độc lập dân tộc trong sự thống nhất Tổ quốc, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đoàn kết toàn dân, đoàn kết các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, tạo ra sức mạnh vô địch, đưa tới thắng lợi giải phóng miền Nam năm 1975 và tiến tới hòa bình, thống nhất của Tổ quốc năm 1976. Tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên được tạc vào thế kỷ XX như một chân lý vĩ đại.  

3. Trong xây dựng xã hội mới, từ tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ:  “chúng ta tiến lên xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa tức là một nước có một cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do và độc lập, tức là nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.  Nội dung đó được khẳng định rất rõ trong Di chúc của Người: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Năm 1976, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành nước CHXHCN Việt Nam và giữ nguyên tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã khẳng định rõ sự bất biến trong mục tiêu cơ bản của dân tộc ta.

Rõ ràng, từ sau cách mạng Tháng Tám đến năm 1976, cuộc đấu tranh gian khổ, hy sinh kéo dài liên tục 30 năm của nhân dân ta tập trung vào mục tiêu làm sáng tỏ nội hàm quyền dân tộc và con người được nêu trong tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, trong đó khẳng định giá trị của Độc lập dân tộc phải gắn với sự thống nhất của đất nước, gắn với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, gắn với Tự do và Hạnh phúc của mọi người dân nước Việt. 

Kiên trì tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cũng chính là kiên trì con đường của cách mạng nước ta - con đường độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa - để đem lại Tự do - Hạnh phúc thật sự cho mỗi người Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.

Điều đó cho thấy, tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cũng chính là mục tiêu cơ bản để định hướng nhằm bảo vệ quyền và lợi của dân tộc và con người ở nước ta phù hợp với sự phát triển và sự vận động của các điều kiện lịch sử. Trên cơ sở mục tiêu cơ bản, các mục tiêu chiến lược ở mỗi giai đoạn lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định chính xác đã phát huy tác dụng to lớn trong việc thống nhất tư tưởng, đoàn kết và phát huy tối đa tinh thần dân tộc, phát huy mọi năng lực tiềm ẩn của con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để đưa tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chính đáng là quyền tự nhiên của dân tộc và con người ở nước ta.

Từ thành công của Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; từ thành công của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1955-1975) giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; từ thành công của công cuộc bảo vệ Tổ quốc đến thắng lợi của sự nghiệp đổi mới trong xây dựng nước CHXHCN Việt Nam đã khẳng định ý nghĩa to lớn của những giá trị vững bền trong tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Có thể nói, đó là những minh chứng lịch sử về sự vững bền của tư tưởng Hồ Chí Minh trong tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của nước ta. 

Tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc đã dẫn dắt dân tộc ta tới thắng lợi giành lại độc lập, thống nhất Tổ quốc và ngày nay, tiêu chí đó vẫn tiếp tục thể hiện khát vọng, quyết tâm của dân tộc. Kiên trì tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cũng chính là kiên trì con đường của cách mạng nước ta - con đường độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng xã hội mới- xã hội xã hội chủ nghĩa - để đem lại Tự do - Hạnh phúc thật sự cho con người Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Kiên trì tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc để tạo ra nội và ngoại lực với sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.  

Mang trong mình nhiều tầng giá trị, tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” thể hiện nội dung cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiêu chí đó không chỉ dẫn lối cho nhân dân ta trên hành trình đến thắng lợi của cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mà còn tiếp tục dẫn dắt dân tộc ta đến thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa, để đem sự giải phóng hoàn toàn và triệt để cho con người Việt Nam. 

Đoàn kết phấn đấu thực hiện tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” là nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh để dân tộc ta đi tới thắng lợi hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội của Tổ quốc trong hiện tại và tương lai.

Giá trị bền vững của Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc
Kỷ niệm 40 năm TP.HCM mang tên Bác (1976-2016) và 105 ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911-2016) là dịp để chúng ta tìm về nguồn cội những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư