Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 02 năm 2025,
Tìm động lực mới trước ẩn số rủi ro thuế quan
Thanh Thủy - 20/02/2025 08:58
 
Rủi ro thuế quan của hàng Việt là hiện hữu, không chỉ với riêng lĩnh vực thép, nhôm, nhất là khi sắc lệnh áp thuế “có đi có lại” với mọi đối tác thương mại của Mỹ vừa được Tổng thống Donald Trump ban hành. Dù vậy, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy động lực tăng trưởng mới.
Nhiều ngành hàng, nhất là nhôm, thép đang chịu rủi ro khi Mỹ áp thuế tới 25% khi nhập khẩu vào nước này
Nhiều ngành hàng, nhất là nhôm, thép đang chịu rủi ro khi Mỹ áp thuế tới 25% khi nhập khẩu vào nước này

Khi hàn thử biểu “nhạy cảm” quá đà

Chỉ trong vòng một tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành hai quyết định quan trọng về thuế quan. Trong đó, sắc lệnh áp thuế “có đi có lại” với mọi đối tác thương mại của Mỹ ký ngày 13/2, giao Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick và Đại diện thương mại Jamieson Greer trong vòng 180 ngày phải rà soát từng đối tác thương mại của Mỹ, từ đó báo cáo về việc có cần thiết áp thuế hay không và ở mức độ nào để đảm bảo quan hệ thương mại.

Trước đó, ông Donald Trump cũng bất ngờ tuyên bố đánh thuế 25% đối với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ. Thông tin từ bên kia bán cầu nhanh chóng khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như thép, tôn tại Việt Nam đồng loạt lao dốc phiên giao dịch ngày 10/2, “thổi bay” 8.500 tỷ đồng vốn hóa của hai doanh nghiệp thép lớn nhất thị trường là Hòa Phát và Hoa Sen. 

Thị trường chứng khoán được coi là “hàn thử biểu”, không chỉ đóng vai trò huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế, mà còn đánh giá giá trị doanh nghiệp và tình hình của nền kinh tế. Tuy nhiên, cú rơi đột ngột về giá cùng thanh khoản tăng cao bất thường của phiên đầu tuần phần nhiều do tâm lý lo sợ bao trùm, dẫn đến các phản ứng có phần “nhạy cảm” quá đà.

Theo ông Frederic Neumann, chuyên gia Kinh tế trưởng khối nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Ngân hàng HSBC), chính sách thiên về giảm nhập khẩu của Mỹ dưới thời ông Donald Trump có thể “vô tình” tạo động lực cho châu Á thay đổi mô hình tăng trưởng. “Tách rời” không đồng nghĩa với việc rút lui khỏi thương mại hay quay lưng lại với Mỹ, vốn là một đối tác thương mại quan trọng, mà là cơ hội để châu Á thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới.

Thực tế, trong các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, sắt thép thậm chí còn không nằm trong top 10 hàng hóa xét về giá trị xuất khẩu. Ông Trump đã áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm trong nhiệm kỳ đầu tiên. Một số đối tác thương mại được miễn thuế gồm Canada, Mexico và Brazil; sau này mở rộng diện miễn thuế thêm Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, nhập khẩu thép Việt Nam vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018, vì vậy, thép Việt không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế này. Hành động thuế mới thậm chí có phần tích cực đối với ngành thép nước ta vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam ngang hàng với những quốc gia khác.

Cũng theo chuyên gia từ SSI, tác động cuối cùng vẫn khó xác định do có một số loại thuế khác như thuế chống bán phá giá (đang trong quá trình điều tra) và thuế đối kháng. Dù rủi ro thuế quan vẫn còn là ẩn số, song giá cổ phiếu của các doanh nghiệp tôn thép đã hồi phục đáng kể ngay trong tuần, khi nhà đầu tư đánh giá lại các tác động cùng rủi ro.

Rủi ro hiện hữu

Chưa đầy một tháng kể từ khi ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng, câu chuyện thuế quan đã sớm “sôi sục”, dấy lên căng thẳng thương mại toàn cầu. Ngay đầu tháng 2/2025, Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% với hàng hóa của Canada, Mexico và 10% với hàng hóa của Trung Quốc. Dù Mỹ đã hoãn áp thuế nhập khẩu với Mexico và Canada sau khi đạt thỏa thuận siết hoạt động buôn lậu và nhập cư, nhưng thuế nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc vẫn có hiệu lực từ ngày 4/2.

Nhóm 10 mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị; dệt may; điện thoại; gỗ; giày dép; thủy sản… đang đứng trước lo ngại. Chia sẻ tại Chương trình đối thoại trực tuyến Gateway to Vietnam với chủ đề “Chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump” tổ chức đầu tháng 2/2025, ông Frank Kelly, người sáng lập và đối tác quản lý tại Fulcrum Macro, cũng là người có gần 30 năm kinh nghiệm đảm nhận vị trí giám đốc điều hành cấp cao tại phố Wall cho rằng, chưa có tín hiệu rõ ràng của chính quyền Trump đối với Việt Nam, nhất là trong việc ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, họ nhìn thấy rất nhiều câu chuyện nhà đầu tư, nhà máy đổ sang Việt Nam. Chính quyền Trump không muốn điều đó xảy ra và có thể tính đến khả năng hướng tới xây dựng mối quan hệ thực sự phải là của Việt Nam, không chỉ đơn thuần hàng hóa từ Trung Quốc đi qua Việt Nam hay Ấn Độ.

Sự chuyển dịch có thể nhìn thấy trong lĩnh vực sản xuất săm lốp. Sản lượng xuất khẩu lốp của Trung Quốc đến thị trường Mỹ đã giảm từ 15% (năm 2018), xuống 3,6% (năm 2024). Các chuyên gia cảnh bảo, cần hết sức cảnh giác việc doanh nghiệp săm lốp ngoại “mượn xuất xứ” Việt Nam.

Trong số các doanh nghiệp săm lốp nội, Công ty Cao su Đà Nẵng (DRC) đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ với mức tăng trưởng khá nhanh, khi giá trị xuất khẩu sang Mỹ đóng góp khoảng 14% tổng doanh thu của doanh nghiệp này.

Đánh giá về chính sách thuế quan của Mỹ, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Cao su Đà Nẵng thừa nhận rủi ro là có. Tuy nhiên, vị CEO này tin tưởng là không quá quan ngại, bởi ngay từ đầu khi Cao su Đà Nẵng vào thị trường Mỹ đã có quan điểm phải bán hàng đúng với giá trị của mình.

“Khi tiếp cận thị trường Mỹ, mức giá chúng tôi đưa ra phù hợp với sản phẩm của mình, không lựa chọn cách hạ sâu giá sản phẩm để cạnh tranh. Tại Mỹ, cách thức áp thuế rất công bằng. Các sản phẩm dù cùng xuất xứ từ Việt Nam nhưng có thể bị áp mức thuế suất khác nhau với từng công ty”, lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay.

Kỳ vọng vào những động lực mới

Chính sách thuế của Mỹ có thể tác động mạnh đến Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI, điều này cũng mở ra cơ hội mới. Theo ông Hưng, Việt Nam đang ở trong bối cảnh thuận lợi khi gia tăng kết nối quốc tế và hợp tác với các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ.

Dẫn chứng về sự chuyển dịch của các công ty Nhật Bản, với khoảng 500 công ty đã rời Trung Quốc, trong đó khoảng 200 công ty chuyển sang Việt Nam, ông Hưng bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng của nước ta trong việc thu hút đầu tư.

“Việt Nam không thể tách biệt các nền kinh tế lớn, mà phải tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu. Chính phủ cũng đang chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại, thông qua việc đầu tư vào hạ tầng để thúc đẩy sản xuất và thu hút đầu tư nước ngoài. Dự báo từ năm 2025 đến năm 2028, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư”, ông Hưng cho hay.

Cũng theo ông Hưng, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng cơ hội và duy trì sự ổn định để đáp ứng các thách thức trong tương lai.

Bên cạnh việc thích nghi với thay đổi tại những thị trường xuất khẩu, trong một báo cáo mới đây, các chuyên gia từ HSBC dự báo, châu Á thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thay vì phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ như trước. Ông Frederic Neumann - chuyên gia Kinh tế trưởng khối nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Ngân hàng HSBC) cho rằng, sẽ có hai trụ cột trong chiến lược chính gồm thúc đẩy tiêu dùng nội địa và mở rộng thị trường trong nội khối thông qua đẩy mạnh hội nhập khu vực.

Đối với ngành thép, hoạt động đầu tư công trong nước có thể mở ra nhu cầu tiêu thụ nội địa lớn. Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp tổ chức tuần trước, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát kỳ vọng vào các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… trong kế hoạch vốn đầu tư công với giá trị rất lớn của giai đoạn 2025- 2030. Người đứng đầu Hòa Phát khẳng định, công ty ông có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray quy mô 10.000 tỷ đồng, với cam kết đảm bảo số lượng, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu.

Chưa kể, việc áp thuế chống bán phá giá đối với thép tấm cuộn cán nóng (HRC) của Trung Quốc và Ấn Độ nếu được thực thi cũng sẽ hỗ trợ doanh thu các doanh nghiệp như Hòa Phát. Theo các chuyên gia, triển vọng cho ngành thép năm 2025 vẫn tích cực, dựa trên việc giá thép đã chạm đáy, nhu cầu nội địa mạnh hơn từ sự phục hồi của ngành bất động sản và đầu tư công mạnh mẽ.

Mở rộng thị trường nội địa cũng là mục tiêu của Cao su Đà Nẵng trong năm 2025. Doanh nghiệp săm lốp này dự kiến ra mắt thương hiệu lốp xe ô tô du lịch/ ô tô con DriveForce ở trong nước, sau khi sản phẩm này xuất khẩu và được tiêu thụ tại các thị trường Mỹ, Brazil. Từ những nền tảng ban đầu khi xuất khẩu, lãnh đạo Cao su Đà Nẵng tự tin chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp ngang hàng với các thương hiệu quốc tế. Cùng với đó, Cao su Đà Nẵng đang tích cực xúc tiến hợp tác với hãng sản xuất ô tô lớn trong nước, nhằm chuẩn bị thị trường và sẵn sàng khi quay lại sân nhà ở phân khúc sản phẩm đang rất cạnh tranh này.

Xuất khẩu thủy sản lo ngại chính sách thuế quan
Năm 2025, thị trường thủy sản toàn cầu dự báo sẽ có nhiều biến động với chính sách thuế quan, sự giảm sút trong nhu cầu tại các thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư