Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tìm giải pháp “đánh thức” khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)
Trọng Tín - 10/08/2022 10:55
 
Dù có nhiều lợi thế, nhưng sau 24 năm kể từ khi được thành lập, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

Sáng 10/8, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “quan điểm, định hướng giải pháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu mộc bài theo hướng Đô thị - Công nghiệp – Dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Được thành lập vào năm 2998, Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài không chỉ là một cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh trong việc phát triển giao lưu thương mại với Campuchia mà còn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế, có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia, đặc biệt đây là khu vực đầu tàu cho toàn bộ tuyến biên giới Tây Nam trên con đường hội nhập.

So với các KKTCK khác trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, KKTCK Mộc Bài có lợi thế đặc biệt nằm trên các trục giao thông quốc gia và quốc tế ở phía Nam. Từ năm 2013 đến nay, luôn được xác định là một trong những KKTCK trọng điểm, được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 – 2025 để thúc đẩy phát triển kinh tế toàn khu vực.

a
Hội thảo là cơ sở để Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo tư vấn để trình Bộ Chính trị nhằm ban hành chính sách đặc thù cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Ảnh: Trọng Tín

Tuy nhiên, đến nay sau 24 năm hình thành và phát triển, việc thu hút đầu tư vào KKTCK Mộc Bài còn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, KKTCK Mộc Bài đã thu hút được 56 dự án đầu tư, trong đó có 20 dự án vốn đầu tư nước ngoài và 36 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 401 triệu USD và 8.600 tỷ đồng. Trong đó có 33 dự án đang triển khai hoạt động gồm 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 22 dự án có vốn đầu tư trong nước.

Đóng góp của KKTCK Mộc Bài đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh còn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của khu, năm 2015 thu ngân sách đạt 149,45 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 380,65 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 246,14 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu năm 2015 là 476,66 triệu USD đến năm 2019 là 878 triệu USD; năm 2021 đạt 718,49 triệu USD; Số lượt phương tiện thu phí qua lại cửa khẩu là 2015 đạt 136.785 lượt phương tiện, đến năm 2019 tăng lên 234.948 lượt, năm 2021 đạt 154.935 lượt; Số lượt người qua lại cửa khẩu bình quân mỗi năm trên 2 triệu lượt người; giải quyết việc làm cho 17.500 lao động địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng chỉ ra, mặc dù KKTCK Mộc Bài được đánh giá là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật của tỉnh Tây Ninh, nhưng hơn 20 năm qua, KKTCK Mộc Bài đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, nhiều khó khăn, “mà có thể nói là gần như đứng yên trong sự thay đổi nhanh của khu vực và thế giới”.

Ông Thắng cũng chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến KKTCK Mộc Bài chưa được đánh thức.

Đầu tiên là do chính sách thiếu nhất quán từ trung ương đến địa phương và hay thay đổi. Trong đó, chính sách đất đai đối với các dự án đầu tư ở khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài ban đầu được thực hiện theo Luật Đất đai năm 1993, sau đó theo các Luật Đất đai 2003, 2013. Những thay đổi trong quy định của pháp luật làm cho việc đều là giải tỏa, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, xác định ưu đãi đầu tư, thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân thứ hai là thiếu đầu tư tương xứng cho cơ sở hạ tầng cũng như nền tảng về thanh toán. Mong muốn xã hội hóa đầu tư trên mọi lĩnh vực nhưng KKTCK Mộc Bài chỉ thu hút được các nhà đầu tư vào những lĩnh vực sớm sinh lợi nhuận. Với các lĩnh vực ít sinh lợi, chậm thu hồi vốn như các công trình hạ tầng giao thông, cấp nước và xử lý nước thải ... chỉ có thể vận động từ ngân sách vốn đã quá hạn hẹp.

“Việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế (hệ thống đường giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin, xử lý chất thải...) và ngoài khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (đường cao tốc Mộc Bài – TP.HCM, đường Xuyên Á, mô hình “một cửa, một lần dùng” ở cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vét....) đều chậm, thiếu đồng bộ”, ông Thắng nói thêm.

Một nguyên nhân nữa là chính sách ưu đãi đối với dự án trong nước trên địa bàn Khu kinh tế Mộc Bài còn chung chung, thiếu nhất quán. Chủ các dự án đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước, năng lực tài chính hạn chế, hoạt động phần lớn dựa vào vốn vay ngân hàng. Vì vậy, khi các ngân hàng thắt chặt tín dụng làm nhiều dự án chậm triển khai hoặc triển khai kéo dài nhiều năm...

Nguyên nhân cuối cùng mà cũng rất quan trọng là thiếu tầm nhìn hoạch định ưu tiên, không xác định được lợi thế so sánh ở Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là gì, vẫn còn loay hoay, khiến việc xác định hướng đi khó khăn.

“Chính sách quá tập trung vào việc miễn thuế như là động lực chính để thu hút đầu tư vào khu vực này mà thiếu tập trung vào các giải pháp tổng thể đã tạo ra sự mất chênh lệch trong cơ cấu đầu tư và trọng điểm đầu tư”, ông Thắng nói và nhấn mạnh, một tầm nhìn xuyên suốt là điều cần thiết khi tạo nên một khu kinh tế với cơ chế đặc biệt nhưng với Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, dường như không có tầm nhìn phù hợp được đưa ra.

Dó đó, theo ông Thắng, Hội thảo lần này nhằm thảo luận, xác định giải pháp hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể KKTCK Mộc Bài; định hướng giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển KKTCK Mộc Bài; đồng thời định hướng giải pháp đổi mới quản trị phát triển, giải pháp huy động các nguồn lực, điều kiện phát triển KKTCK Mộc Bài.

“Hội thảo là cơ sở để Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo tư vấn để trình Bộ Chính trị nhằm ban hành chính sách đặc thù cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài”, ông Thắng nói.

TP.HCM đề xuất 15.900 tỷ đồng xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT) với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 15.900 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư