Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tìm kiếm cơ hội trong ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam
N.P - 31/10/2018 17:38
 
Ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển khi các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng tích cực tìm kiếm đối tác Việt và tăng tỷ lệ mua hàng nội địa.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã quyết định chuyển hướng sang Việt Nam. Theo các doanh nghiệp này, Việt Nam là địa điểm đầu tư vô cùng hấp dẫn trong khu vực nhờ lượng dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng cao, chi phí nhân công hợp lý và thị trường tiêu dung nội địa phát triển nhanh. 

Lễ khai mạc Triển lãm Metalex Vietnam2018
Lễ khai mạc Triển lãm Metalex Vietnam2018

Để thành công ở thị trường mới, các nhà đầu tư ngoại cho biết, họ rất mong muốn hợp tác với đối tác Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhằm tạo thêm các giá trị gia tăng cho sản phẩm. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ishikawa Kazuhide, quản lý tại LKM Group (Việt Nam) cho biết, doanh nghiệp này mới chỉ “chân ướt chân ráo” đến Việt Nam và đang tích cực tìm kiếm đối tác Việt để đẩy nhanh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu. 

Được biết, LKM thành lập vào năm 1975 tại Hồng Kông, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất cơ khí và khuôn mẫu. Hàng tháng, LKM sản xuất 55.000 bộ sản phẩm hoàn chỉnh, đồng thời phân phối sản phẩm cho các doanh nghiệp thép công cụ Nhật Bản như Daido và Assab.

“Chúng ta có thể nhìn con đường phát triển của một số quốc gia lân cận vào thập niên 1990 và thấy được tiềm năng to lớn của ngành sản xuất Việt trong tương lai”, ông Kazuhide cho biết. Theo vị này, trong thời gian tới, LKM hoàn toàn có thể xây dựng nhà máy tại Việt Nam, nhưng điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp này phải tìm được doanh nghiệp phụ trợ trong nước làm đối tác lâu dài.

Tương tự LKM, các nhà sản xuất từ Nhật Bản hay Đài Loan đều chia sẻ mong muốn hợp tác và hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ mua hàng nội địa. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia Triển lãm Công nghiệp phụ trợ 2018 (Supporting Industry Show 2018) tổ chức tại TP.HCM vừa qua để tìm cơ hội gặp gỡ đối tác tiềm năng.

Triển lãm này nằm trong khuôn khổ Triển lãm Metalex Việt Nam 2018 do Reed Tradex tổ chức từ ngày 11 - 13/10/2018 vừa qua, phối hợp cùng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) và Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP.HCM (CSID).

Tại Triển lãm, Giám đốc ITPC TP.HCM Phạm Thiết Hòa cho biết, Thành phố đang đẩy mạnh 4 ngành công nghiệp chủ lực bao gồm cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và điện tử - công nghệ thông tin. Theo ông Hòa, tất cả những ngành công nghiệp này đều cần một hệ thống doanh nghiệp phụ trợ mạnh, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hóa và giúp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn phân tán; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước còn rất thấp”, ông Hòa phát biểu. Hậu quả là hiện tượng “cầu chưa gặp được cung” - nhà đầu tư nước ngoài rất mong muốn hợp tác, nhưng chưa tìm được đối tác Việt đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật gắt gao của họ. 

Thống kê của JETRO cho thấy, tỷ lệ cung ứng nội địa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chỉ khoảng 33,2%, thấp hơn hẳn mức 56,8% của Thái Lan. Vì vậy, việc tìm kiếm giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là vô cùng cấp bách, báo cáo này cho biết. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần có ngành phụ trợ tốt để bắt kịp xu hướng thế giới và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tận dụng cơ hội từ nhiều hiệp định thương mại đã ký kết với các quốc gia lớn.

Theo ông Isara Burintramart, Tổng giám đốc Reed Tradex, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể trong thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ nói chung và cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, việc cải thiện chất lượng và độ chính xác vẫn là mục tiêu cần hướng tới, theo ông Burintramart.  

“Vì vậy, chúng tôi rất vui khi Triển lãm Metalex Việt Nam 2018 thu hút hơn 10.000 khách tham quan và 500 thương hiệu từ 25 quốc gia đến tìm kiếm nhà cung ứng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, triển lãm Nepcon Việt Nam và các hoạt động đào tạo cho kỹ sư trẻ cũng diễn ra rất thành công,” ông Isara Burintramart chia sẻ.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ thiếu hướng dẫn cụ thể
Điện thoại, điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hàng dệt may... là những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư