Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 12 năm 2024,
Tín dụng bất động sản chờ tâm lý khách hàng
Thùy Vinh - 12/06/2013 07:14
 
Ngân hàng mạnh tay bơm vốn, nhưng tín dụng bất động sản khó có đột phá, do tâm lý khách hàng chưa sẵn sàng.
TIN LIÊN QUAN
Tư vấn cho vay tại Ngân hàng Sacombank

Lãi suất giảm

Bên cạnh gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6% dành cho người thu nhập thấp mua nhà ở, nhiều ngân hàng đang mạnh tay bơm vốn cho thị trường bất động sản.

Cụ thể, Sacombank dành 1.600 tỷ đồng ưu đãi cho vay đối với khách hàng cá nhân nhằm mục đích mua, xây dựng hoặc sửa chữa bất động sản. Khách hàng có thể vay tối đa 100% giá trị mua, chuyển nhượng, xây dựng, sửa chữa bất động sản với số tiền vay lên đến 10 tỷ đồng, thời hạn vay tối đa 10 năm đối với xây dựng, sửa chữa và 15 năm đối với mua bất động sản. Lãi suất ưu đãi áp dụng cho các khoản vay này là 9%/năm trong 2 tháng đầu tiên. Sau đó, lãi suất được áp dụng bằng lãi suất huy động cộng với biên độ 2% trong 9 tháng tiếp theo và 4% trong các năm còn lại.

HDBank cũng cho khách hàng vay mua căn hộ thuộc Dự án Dragon Hill Residence and Suites với lãi suất 0% trong năm đầu tiên. Khách hàng được vay vốn trong thời hạn 20 năm, hạn mức tối đa 70% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ.

Tại Maritime Bank, lãi suất cho vay mua bất động sản, hoặc vay tiêu dùng thế chấp bằng bất động sản 6 tháng đầu là 8%/năm và 13,8%/năm 6 tháng tiếp theo.

Eximbank mới đây tiếp tục đưa ra gói sản phẩm 3.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, với lãi suất 9%/năm trong 3 tháng đầu, 12-14%/năm trong 9 tháng tiếp theo. Thời gian cho vay đối với cá nhân tại lên đến 15 năm. Hạn mức vốn hỗ trợ cho khách hàng tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo.

Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, đây là thời điểm tốt để khách hàng cá nhân vay vốn, vì lãi suất trên thị trường đang đi theo chiều hướng giảm và ngân hàng cũng nhận thấy sự quan tâm cao từ khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực.

Thế nhưng, do lãi suất ngân hàng chỉ ưu đãi trong thời gian đầu, nên không ít khách hàng tỏ ra lo ngại, lãi suất sẽ tăng đột biến sau khi kết thúc thời hạn ưu đãi, khiến dư nợ tín dụng bất động sản khó có thể tăng trưởng, kể cả khi nhu cầu tăng cao.

Mặt khác, dù vốn bơm ra nhiều, song các ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay, nhất là trước xu hướng nợ xấu tăng, nên khách hàng cũng không dễ tiếp cận vốn.

Vẫn khó giải ngân

Chẳng hạn, tại Sacombank, ngoài việc đẩy mạnh vốn cho cá nhân mua nhà, còn hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án có đầu ra khả thi. Lãi suất cho vay cũng từng bước được giảm dần. Thế nhưng, theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, tăng trưởng dư nợ ở lĩnh vực bất động sản cũng khó tránh được khó khăn trong bối cảnh hiện nay, mặc dù vốn dành cho lĩnh vực nhà, đất hiện nhiều hơn trước, song tìm được khách hàng tốt cho vay lúc này là rất khó.

“Dư nợ bất động sản của Sacombank hiện cũng chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng dư nợ của Ngân hàng, nhưng phần lớn chủ yếu từ tín dụng khách hàng cá nhân”, ông Khang nói.

Một cán bộ HDBank cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng trong những tháng đầu năm nay cũng chỉ ở mức tương đối (khoảng 4%). Vì thế, tín dụng bất động sản cũng không thể đột phá, cho dù lãi suất đã giảm dần về mức hợp lý.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, sau một thời gian triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng, đến nay, Eximbank mới giải ngân được vài trăm tỷ đồng.

Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đối với những người mua nhà để ở lúc này không chỉ trông chờ lãi suất giảm thêm, mà ngay cả giá bất động sản cũng cần được điều chỉnh mới có thể kích cầu.

“Điều nên làm hiện nay là ưu tiên giải quyết lượng hàng tồn kho, trước khi có những biện pháp tài chính như cung tiền để hỗ trợ thị trường”, TS. Trần Du Lịch nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư