Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng chính sách: Bệ đỡ cho bình đẳng giới
Hà An - 12/03/2023 17:40
 
Với 22 chương trình tín dụng chính sách đang phục vụ nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc cho phụ nữ nghèo vươn lên, tự hóa giải 2 vấn đề lớn trong bất bình đẳng giới, đó là tạo việc làm và phát triển kinh tế.
Tín dụng chính sách xã hội tiếp sức cho phụ nữ nghèo vươn lên làm chủ kinh tế gia đình

Nhìn vào căn nhà khang trang, cùng chuồng bò “đông đúc” hiện tại, ít ai biết rằng, gia đình chị Sơn Thị Nguyên, người dân tộc Khmer ở khóm 6, phường 8, TP. Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) từng là hộ nghèo “kinh niên”. Giữa lúc bộn bề khó khăn, chị Nguyên được Hội Liên hiệp phụ nữ phường 8 cùng Tổ Tiết kiệm và vay vốn khóm 6 hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay chương trình hộ nghèo.

“Có nguồn vốn vay này, gia đình tôi như gặp được phao cứu sinh. Tôi bàn bạc cùng chồng và các con mua ngay một con bò sinh sản về nuôi, vì nhà tôi có nơi cất truồng trại, có nguồn cỏ cho bò ăn, có cả sức lao động nữa”, chị Nguyên tâm sự.

Từ con bò đầu tư ban đầu, sau 2 năm, gia đình chị đã có những con nghé đầu tiên, rồi tăng đàn lên tới 10 con. Thêm một vòng quay vốn năm 2020 của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, chị tiếp tục vay vốn mua thêm bò sinh sản và sửa chữa lại chuồng trại. Đến nay, gia đình chị phát triển đàn bò được 2 con bò mẹ sinh sản và 8 con nghé. Cùng với việc tận dụng phân bò bán cho các hộ trồng rẫy tại địa phương, nguồn thu của gia đình ổn định và tăng thêm đáng kể.

Ý nghĩa của đồng vốn càng sáng rõ với những người dân tha hương lập nghiệp như chị Phan Thị Thanh Hoa, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn số 3, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). “Từ bỏ cuộc sống nghèo khổ ở Nghệ An để đến vùng kinh tế mới huyện Kon Plông sinh sống năm 2002, thấy cảnh cuộc sống của người dân ở đây cũng khó khăn chẳng kém gì nơi chúng tôi đi”, chị Hoa chia sẻ.

20 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn giữ vững vị thế dẫn đầu trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nguồn vốn chính sách để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác...

Chính quyền địa phương cũng khó khăn, không có nguồn hỗ trợ, các chị được cấp đất ở để làm nhà tạm từ vật liệu tại chỗ và đất sản xuất, nhưng không có vốn đầu tư. “Ước ao lúc đó là được vay vốn từ bất kỳ ngân hàng nào trên địa bàn, nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn trong sự thất vọng. Đôi lúc, chị em chúng tôi tính rủ nhau về lại quê”, chị Hoa kể.

Cũng may, năm 2003, sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông được thành lập và đi vào hoạt động, được sự hướng dẫn tận tình của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị Hoa được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Ban đầu, Tổ có 10 tổ viên, lúc đó chỉ được vay số vốn ít ỏi 50 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo, nhưng cũng giúp các tổ viên có nguồn vốn khởi nghiệp nuôi trâu, bò hoặc trồng mì, đời sống có phần khá hơn. Họ cũng trở thành những điển hình lôi kéo phong trào phát triển kinh tế thông qua vay vốn tín dụng trong thôn, xã.

Hiện nay, Tổ có 60 thành viên với dư nợ 4,1 tỷ đồng (không có nợ quá hạn). Nhìn lại 20 năm qua, Tổ đã hỗ trợ cho trên 200 lượt hội viên được vay vốn với doanh số gần 20 tỷ đồng.

“Nguồn vốn chính sách được triển khai trên địa bàn đã thực sự giúp dân vươn lên xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng khu dân cư giàu mạnh, đưa xã Đăk Long (xã đặc biệt khó khăn kể từ trước khi tách huyện) trở thành thị trấn Măng Đen (một điểm du lịch nổi tiếng của cả nước)”, Tổ trưởng Phan Thị Thanh Hoa tự hào.

20 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn giữ vững vị thế dẫn đầu trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nguồn vốn chính sách để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng dư nợ đạt 110.000 tỷ đồng cho gần 2,5 triệu hộ vay tại 62.300 tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các bản, làng; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,14% tổng dự nợ.

Tuy nhiên 2,5 triệu hộ vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý chưa phản ánh hết số phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn chính sách, bởi các tổ chức chính trị - xã hội khác như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng tham gia nhận ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hội viên và đối tượng vay vốn là phụ nữ. Chưa kể, các chính sách tín dụng này có tác động lan tỏa lớn khi nhiều phụ nữ còn được thụ hưởng gián tiếp lợi ích từ tín dụng chính sách thông qua việc cho vay vốn giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cho gia đình và cộng đồng.

Đây là thành tựu lớn của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng toàn thể hệ thống chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo và tăng cường bình đẳng giới cho phụ nữ trong 20 năm qua.

Hà Nội: Tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống
Tại Hà Nội, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành công cụ, giải pháp lâu dài, bền vững góp phần thực hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư