Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 05 năm 2024,
Tín dụng tăng 2,28%, tập trung cho sản xuất - kinh doanh
Hà Nguyễn - 02/04/2019 09:03
 
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu xuyên suốt là kiểm soát lạm phát và phục vụ sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

.
.

Phát biểu tại cuộc họp báo sáng 1/4 về việc hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I/2019, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách tiền tệ là chính sách mang tính ngắn hạn, tùy thuộc vào tình hình kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phát triển kinh tế.

“Ở nền kinh tế Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn ngân hàng, vì vậy, phương châm của Ngân hàng Nhà nước là vẫn mở rộng tín dụng, nhưng theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả”, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Thông tin thêm về các kết quả điều hành chính sách tiền tệ quý I/2019, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 25/3/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018, tập trung cho sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Đặc biệt, theo ông Hà, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất và tiêu dùng và triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt góp phần đẩy lùi tín dụng đen. 

Thông tin thêm, Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, quý đầu năm, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 2,57%, chiếm tỷ trọng 19,99% (năm 2018 tăng 9,11%, tỷ trọng 19,86%); tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 1,08%, chiếm tỷ trọng 9,63% (năm 2018 tăng 11,75%, tỷ trọng 9,71%); tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng 1,97%, chiếm tỷ trọng 61,21% (năm 2018 tăng 18,19%).

Trong khi đó, tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng 1,01%, chiếm tỷ trọng 9,17% (năm 2018 tăng 5,41%, tỷ trọng 9,25%)…

Như vậy, tín dụng đã tăng khá ở hầu hết các ngành và điều này được cho là hỗ trợ lớn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bởi vậy, phản hồi một số ý kiến lo ngại rằng, tỷ lệ tín dụng/GDP ở Việt Nam là khá cao, lên tới 130% GDP, bà Hồng cho rằng, cách thức điều hành như vậy là đúng hướng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành theo hướng tỷ lệ tín dụng/GDP ổn định ở mức 130% như hiện nay, không để tăng lên.

Tại cuộc họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,8% và lạm phát bình quân dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chỉ đạo định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng; trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với tổ chức tín dụng thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư