Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng tháng 3/2022 đột ngột tăng mạnh
T.L - 29/03/2022 13:57
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tín dụng đến 21/4/2022 đã tăng hơn 4%, cao gấp 2,7 lần cùng thời điểm này năm ngoái.

Sáng nay, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế xã hội quý 1/2022. Về hoạt động ngân hàng, Tổng cục Thống kê cho hay, tính đến thời điểm 21/3/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,54%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%).

Trước đó, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 lên tới 2,74%, cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tín dụng lại sụt giảm mạnh trong tháng 2/2022 (tháng Tết). Cuối tháng 2/2022 tín dụng so với đầu năm chỉ còn tăng 1,82% (tức giảm 0,92% trong tháng 2). Tuy vậy, trong tháng 3/2022, tín dụng lại vọt tăng.  

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 12/2021, tổng dư nợ tín dụng toàn ngành vào khoảng 10,44 triệu tỷ đồng, như vậy, các ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế gần 421.000 tỷ đồng trong gần 3 tháng đầu năm nay qua kênh cho vay. 

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý I, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành đã tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

NHNN cho biết, năm nay sẽ điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tín dụng sẽ hướng vào hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở kết quả hoạt động kinh doanh của TCTD, tuân thủ chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh của TCTD.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các Dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. 

Về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hiện Ngân hàng Nhà nước đang chủ  trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất.

Tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng 3,65% trong quý I/2022
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM cho biết, 3 tháng đầu năm 2022, tín dụng trên địa bàn (dự ước) tăng 3,65% và tăng 13,1% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư