Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 12 năm 2024,
Tín hiệu tích cực từ bình ổn thị trường vàng
Thùy Liên - 12/04/2013 07:06
 
Sau 5 phiên đấu thầu, cơn khát thanh khoản vàng của các ngân hàng đang dần hạ nhiệt. Với đà cung vàng hiện nay, khi các ngân hàng đóng trạng thái vàng và thị trường no nguồn cung, chênh lệch giá vàng sẽ giảm mạnh.
TIN LIÊN QUAN
Sau 5 phiên đấu thầu thành công, NHNN đã tung ra thị trường 118.200 lượng vàng (4,54 tấn).

(baodautu.vn) Vàng đấu thầu phục vụ tất toán trạng thái

Sau 5 phiên đấu thầu thành công, tính đến ngày 10/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tung ra thị trường 118.200 lượng vàng (4,54 tấn). Việc các doanh nghiệp và ngân hàng mua gần hết lượng vàng mà NHNN chào bán, trong khi mãi lực mua bán vàng trên thị trường trầm lắng cho thấy, khả năng một lượng vàng lớn được mua vào nhằm tất toán trạng thái thanh khoản.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, hiện còn khoảng chục ngân hàng chưa hoàn thành tất toán trạng thái vàng. Trong khi đó, một nguồn tin khác từ NHNN cũng khẳng định, số vàng mà các ngân hàng chưa tất toán hiện khoảng vài chục tấn. Tuy nhiên, thời gian để tất toán trạng thái không còn nhiều (ngày 30/6), nên các ngân hàng đang cấp tập mua vàng để đóng trạng thái.

Theo quy định của NHNN, khối lượng vàng miếng tối thiểu mà DN đặt thầu là 1.000 lượng (tương đương 40 tỷ đồng). Trong các phiên đấu thầu vàng vừa qua, nhiều DN đã bỏ ra cả trăm tỷ đồng để mua vàng từ NHNN. Chỉ những DN lớn và các ngân hàng mới đủ tiềm lực tài chính như vậy. Chưa kể, trong bối cảnh sức mua vàng chậm như hiện nay, ôm vàng mà không bán được, DN lỗ tiền tỷ như chơi.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DOJI nhận định, giá vàng chào thầu mà NHNN đưa ra trong 5 phiên đấu thầu vừa qua là rất đắt. Do đó, chỉ những DN, ngân hàng thực sự cần mới mua, chứ không vì mục tiêu lợi nhuận. Lý giải tại sao NHNN tung vàng giá đắt ngang ngửa thị trường mà các DN vẫn mua vào gần hết, ông Phú cho rằng, có hai lý do. Thứ nhất, các ngân hàng mua nhằm đóng trạng thái. Thứ hai, với những DN lớn như DOJI, mục tiêu mua vàng là để bổ sung nguồn cung, phục vụ mạng lưới bán lẻ rộng rãi.

Một nguồn tin từ NHNN cho biết, NHNN đang đau đầu vì nợ vàng của một số ngân hàng. “Phải xử lý hết vốn vàng đọng trong ngân hàng, thì thị trường mới có thể ổn định. Chừng nào vàng còn trong ngân hàng, thì thị trường vẫn tiềm ẩn bất ổn”, nguồn tin khẳng định.

Việc chấp nhận phải bơm ra một số vàng lớn để giúp các ngân hàng đóng trạng thái được coi là động tác “sửa sai” chính sách trước đây của NHNN. Vì vậy, NHNN duy trì giá vàng đấu thầu cao (NHNN tuyên bố bán vàng không nhằm bù lỗ cho bất cứ DN nào). Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng chưa thể giảm ngay. Tuy nhiên, khi các ngân hàng đã đóng trạng thái, sau ngày 30/6/2013, kịch bản đấu thầu vàng của NHNN có thể sẽ khác.

Chênh lệch giá sẽ giảm

Ông Đỗ Công Chính, Tổng giám đốc SJC khẳng định, với tần suất tổ chức các phiên đấu thầu hiện nay, chỉ vài tháng nữa, thị trường sẽ hết khát cung. Một khi cung cầu cân bằng, thậm chí dư cung, thị trường sẽ tự giảm giá.

Thị trường sẽ cần một độ trễ nhất định để hấp thụ lượng vàng mà NHNN tung ra, cũng như chờ đợi động thái của NHNN ở những phiên đấu thầu sắp tới. Tuy nhiên, việc NHNN tung ra một lượng vàng lớn với giá không rẻ ra thị trường thời gian qua cho thấy, cơ quan này đã kiên trì với mục tiêu và nguyên tắc của mình: bình ổn thị trường bằng tăng nguồn cung, không bình ổn giá, không làm ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối quốc gia.

Khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư, một nguồn tin từ NHNN khẳng định: “Bình ổn thị trường vàng phải kiên trì, không thể vội vã bán rẻ. Làm thế chỉ doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng tất toán vàng được lợi. Bản chất thị trường vàng hiện nay là thiếu nguồn cung, vì lâu nay NHNN không cho nhập khẩu vàng. Vì vậy, một khi nguồn cung được tung ra, giá vàng sẽ tự điều chỉnh. NHNN không dùng cách thức ép giá lên hay xuống”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư