Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tín hiệu vui của xuất khẩu tháng đầu năm
Thế Hoàng - 02/02/2024 08:54
 
Trong tháng đầu tiên của năm 2024, đơn hàng xuất khẩu nhóm hàng điện tử khả quan hơn năm ngoái, giúp kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu điện thoại, máy tính tăng trưởng khá. Trong ảnh: sản xuất tại Công ty Samsung
Trong tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu điện thoại, máy tính tăng trưởng khá. Trong ảnh: sản xuất tại Công ty Samsung

Điện thoại, máy tính tăng trưởng dương

Thông tin về tình hình xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024, Tổng cục Thống kê cho hay, tính đến hết ngày 15/1/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 15,08 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 4,02 tỷ USD, tăng 10,4%, chiếm 26,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11,06 tỷ USD, tăng 1,9%, chiếm 73,3%.

Cán cân thương mại hàng hóa nửa đầu tháng 1/2024 xuất siêu 0,38 tỷ USD.

Lũy kế đến ngày 15/1/2024, có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dù tình hình thị trường thế giới vẫn trong xu hướng giảm mua, nhưng đơn hàng xuất khẩu nhóm điện thoại, máy tính đã có sự cải thiện. Theo đó, điện thoại và linh kiện mang về gần 2,9 tỷ USD, tăng 6,7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,25 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng 2 trong số nhóm 4 mặt hàng tỷ USD vẫn đối mặt sụt giảm xuất khẩu là hàng dệt may, máy móc thiết bị và phụ tùng khác, với mức giảm lần lượt 17,8% và 4,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Dấu hiệu tích cực là Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%.

Kết quả trên cho thấy, các doanh nghiệp vẫn đang chật vật với sản xuất, kinh doanh do cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn chưa ấm lên, báo hiệu hoạt động xuất khẩu quý I/2024 chưa thoát khó.

Dấu hiệu tích cực là Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. IIP tăng đều ở 60 địa phương. Đây là tín hiệu vui trong bối cảnh hiện nay. Sự phục hồi của một số nền kinh tế, trong đó có Mỹ, là một trong những nguyên nhân cơ bản giúp các doanh nghiệp có thêm đơn hàng, xuất khẩu theo đó sẽ có tín hiệu khả quan hơn.

Linh hoạt ứng phó với thị trường biến động

Bối cảnh thế giới năm 2024 được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Theo Bộ Công thương, kinh tế toàn cầu năm 2024 tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến chậm lại, chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong 2 năm qua.

Ngoài ra, kết quả phát triển thời gian tới của Việt Nam cũng phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), xử lý các rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại - công nghệ giữa các nước lớn.

Bối cảnh này buộc các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải linh hoạt, ứng biến để điều chỉnh sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, tận dụng tối đa cơ hội thị trường dù là nhỏ nhất và ghi điểm với các nhà mua hàng bằng chất lượng sản phẩm và sự chuyên nghiệp của mình.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng chia sẻ, bên cạnh việc nhận diện khó khăn, thách thức để thích ứng phù hợp, năm 2024, xuất khẩu vẫn có dư địa khai thác tốt các FTA hiện có. Việc kết thúc đàm phán, triển khai FTA với các thị trường mới như Israel, UAE sẽ tiếp thêm cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam…

Quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… được củng cố, nâng cấp, tiếp tục tạo tiền đề để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được mở rộng.

Dù thương mại hàng hóa vẫn chậm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn dồn lực đầu tư cho sản xuất để hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh toàn cầu tốt nhất. Mới đây, Công ty Green Foods Việt Nam, thuộc Công ty cổ phần IPP SACHI đã khánh thành nhà máy sản xuất bánh tráng nướng và bún khô truyền thống tại Bình Định.

Nhà máy được xây dựng với diện tích gần 1,8 ha, trong đó có 5.000 m2 nhà xưởng. Công nghệ đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, theo hướng sản phẩm sạch, chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Dây chuyền, thiết bị hiện đại, sử dụng công nghệ sấy nhiệt hơi nước đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, không phụ thuộc vào thời tiết.

IPP SACHI là một trong những đơn vị sản xuất bánh tráng nướng và bún khô có công suất hàng đầu Việt Nam, với quy mô 1.200 tấn/năm cho bánh tráng nướng và 240 tấn/năm cho bún khô. Việc khánh thành nhà máy mới sẽ giúp sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh hiệu quả hơn với các nhà cung cấp từ quốc gia khác.

Quan trọng hơn, khi ngành sản xuất có thêm các nhà máy chế biến hiện đại, đồng nghĩa cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực, giảm hàm lượng thô, tăng sản phẩm chế biến, tạo được sự khác biệt, mang về giá trị gia tăng cao hơn.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 104.000 tấn gạo sang EU
Năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU 104.000 tấn gạo, với trị giá 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư