Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 11/11: Khoảng 7 triệu người Việt mắc đái tháo đường
D.Ngân - 11/11/2023 10:25
 
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện có khoảng 7 triệu người Việt mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng.

Gánh nặng bệnh tật do đái tháo đường gây ra

Tại Việt Nam, mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi trong những thập kỷ qua, trong đó các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng rất nhanh, bao gồm các bệnh lý như: đái tháo đường, ung thư, tim mạch, tâm thần.

Ảnh minh họa.

Báo cáo của Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm.

Bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hiểu biết của cộng đồng về “kẻ giết người thầm lặng” này còn nhiều hạn chế.

Theo số liệu của Hiệp hội phòng chống đái tháo đường thế giới, năm 2021 trên toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh đái tháo đường.

Các quốc gia có trên 20% dân số trưởng thành mắc bệnh bệnh này cũng ngày càng nhiều hơn.

Thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người từ 20 đến 79 tuổi đã tăng hơn gấp ba lần và trong vòng 15 năm qua; chi phí về y tế cho bệnh đái tháo đường cũng tăng lên gấp ba lần.

Tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng.

Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định bệnh đái tháo đường vẫn là một thách thức toàn cầu đối với sức khỏe và hạnh phúc của các cá nhân, gia đình và xã hội.

Sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động, tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng và lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa thực sự là một hồi chuông báo động.

Người đứng đầu ngành y tế khẳng định, bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể dự phòng được nếu như mọi người chúng ta chú ý và quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn hàng ngày, thường xuyên tăng cường hoạt động thể lực.

Để phòng chống đái tháo đường, chuyên gia khuyến cáo người dân hãy nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ đái tháo đường: tăng huyết áp; rối loạn mỡ máu; thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực; chế độ ăn, uống thừa năng lượng; lạm dụng rượu, bia, thuốc lá.

Thực hiện các hành vi sức khỏe, lối sống lành mạnh trong đó chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể lực hàng ngày và áp dụng các biện pháp y tế sớm để giảm thiểu, loại trừ các yếu tố nguy cơ từ sớm.

Xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tình trạng tiền đái tháo đường nếu có, cần nhớ rằng trong chúng ta hiện có 50% người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán.

Đái tháo đường là bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài tới hết đời, khi đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị sớm để đạt hiệu quả tốt, tránh các biến chứng. Chúng ta không nên tự điều trị để tránh dẫn đến các sai sót và hậu quả đáng tiếc.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về y tế số

Vừa qua, Hội Quân dân y Việt Nam phối hợp Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế và Viện nghiên cứu đổi mới y tế Iverson (Đại học Công nghệ Swinburne, Australia) tổ chức Hội nghị quốc tế về y tế số.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà lãnh đạo trong lĩnh vực y tế số và chăm sóc sức khỏe của Việt Nam và Australia để chia sẻ những chính sách, chiến lược, sáng kiến, nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực y tế.

Hội nghị là dịp đẩy mạnh đối thoại về cơ hội, thách thức và các điều kiện cần thiết đối với Australia và Việt Nam trong việc chuyển đổi hệ thống y tế (tập trung vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu) sang một mô hình chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm, thông qua các giải pháp y tế kỹ thuật số.

Theo Ban tổ chức hội nghị, đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ đã trở thành một trong những thách thức lớn làm bộc lộ những thiếu sót và hạn chế trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của hệ thống y tế trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Những thách thức này đòi hỏi chính phủ các nước cần có hành động thật mau lẹ nhằm củng cố hệ thống y tế để bảo đảm việc cung ứng các chăm sóc y tế thiết yếu không bị gián đoạn, đáp ứng các thách thức mới trong tương lai.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, GS-TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế nêu rõ, sự phát triển mạnh mẽ, liên tục của công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã góp phần rất quan trọng tạo nên những thay đổi to lớn.

Công nghệ thông tin đã trở thành phương tiện không thể thiếu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, làm thay đổi sâu sắc, căn bản nhiều vấn đề liên quan quá trình lao động của con người và chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới.

Ngành Y tế đã có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, qua đó giúp người dân, người bệnh được hưởng lợi từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác y tế.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đặt chuyển đổi số là một trọng tâm công tác của ngành Y tế, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.

Cùng với đó, công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế, của các đơn vị y tế trong ngành Y tế cần phải được chuyển đổi thực hiện trên môi trường số, thông qua việc số hóa toàn bộ thông tin quản lý hệ thống nhân lực, nguồn lực, công tác cấp phép, cấp số đăng ký… đồng thời với việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin trên môi trường mạng.

Để thực hiện mục tiêu đó, rất cần sự vào cuộc, tập trung nguồn lực, trí tuệ của toàn ngành y tế, của người dân và doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Hội nghị quốc tế về y tế số với sự tham gia của các chuyên gia chuyển đổi số trong nước và các chuyên gia quốc tế đến từ Australia, sẽ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của ngành Y tế Việt Nam.

Do vậy, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung vào các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của các hoạt động y tế, nhất là tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe và tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên công nghệ 4.0.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư