Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Tổ chức tín dụng vẫn “đau đầu” với tín dụng xanh
Thanh Vũ - 04/12/2023 18:44
 
Hiện nhiều tổ chức tín dụng vẫn đang loay hoay trong việc cấp vốn tín dụng xanh. Trong đó, việc thiếu các quy chuẩn chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh là trở ngại lớn nhất của các đơn vị.

Thực trạng vừa thiếu, vừa khó

Tại hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 4/12, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đã đề cập không dưới 3 lần về vấn đề thiếu quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh.

Đây cũng là lý do khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) thiếu căn cứ để xác định cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp và và gặp khó trong việc thống kê nguồn lực ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực xanh.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng chia sẻ về các khó khăn và giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh tại sự kiện. Ảnh: Dũng Minh

Tuy nhiên, vấn đề trên không phải là chướng ngại duy nhất. Theo bà Thanh Tùng, nhiều cán bộ cấp tín dụng đang phải chật vật trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án. Nguyên nhân là do đây là công việc đòi hỏi yếu tố kỹ thuật chuyên sâu về môi trường, nhất là khi việc cấp tín dụng còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, công cụ đo lường.

Việc đầu tư vào lĩnh vực xanh, nhất là với ngành năng lượng tái tạo, thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Trong khi đó, nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ngân hàng Nhà nước.

"Việc đầu tư vào lĩnh vực xanh, nhất là với ngành năng lượng tái tạo, thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Trong khi đó, nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn", bà Phạm Thị Thanh Tùng nhấn mạnh. Đây chính là nguyên nhân khiến các TCTD phải "đau đầu” trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Ngoài ra, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng thẳng thắn thừa nhận rằng người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường. Những vi phạm pháp luật trong vấn đề này cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, làm tăng rủi ro thu hồi nợ cho các TCTD.

“Một khó khăn khác là các kênh huy động vốn dài hạn cho dự án xanh chưa thực sự phát triển, chẳng hạn như thị trường trái phiếu xanh. Điều này sẽ gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng”, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết thêm.

Những con số “biết nói”

Dẫu việc cấp vốn tín dụng xanh vẫn còn nhiều vấn đề nhưng không thể phủ nhận những sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của hệ thống ngân hàng.

Trong giai đoạn năm 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. 

Trong số 12 lĩnh vực xanh mà Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). 

Không chỉ vậy, các TCTD cũng đã đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Số dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% trong tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Không “ngủ quên” trên các thành tích đạt được, bà Tùng đã nhắc lại về ba khoảng trống cần được lấp đầy trong khung hành lang pháp lý. 

“Một là các hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam. Đây là cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh”, bà Tùng cho biết.

Hai là lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ.  

Cuối cùng là những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh. Đây được kỳ vọng là kênh huy động vốn hấp dẫn cho các chủ đầu tư để triển khai thêm các dự án xanh.

Những “nốt thăng” trong hoạt động tín dụng xanh của Việt Nam
Tính đến tháng 6/2023, dư nợ tín dụng xanh của các tổ chính tín dụng đạt tới 528.300 tỷ đồng. Con số này đang cho thấy nguồn vốn tín dụng xanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư