Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Tọa đàm "San sẻ trách nhiệm vượt khó mùa dịch"
Kỳ Thành - Chí Cường - 29/11/2021 08:00
 
Tọa đàm trực tuyến “San sẻ trách nhiệm vượt khó mùa dịch” do Báo Đầu tư tổ chức diễn ra sáng nay, 29/11.

Đại dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và các mặt đời sống xã hội. Mặc dù còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của nhiều biện pháp phòng chống dịch và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn rất tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ trong việc chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng xanh hơn, khuyến khích các hành vi tiêu dùng bền vững vì một tương lai “xanh, sạch” hơn.

Đặc biệt, cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam vẫn biểu hiện rõ nét giá trị truyền thống “lá lành đùm lá rách”, đề cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay, chung sức với Chính phủ hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho các gia đình và cá nhân gặp khó khăn trên cả nước. Cùng với đó là sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài, chung sức với Chính phủ trong việc cung cấp đầy đủ hàng hóa cho cộng đồng và hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.

Với mong muốn tạo ra một diễn đàn nơi các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá về hoạt động cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị phù hợp về phát triển bền vững, hoàn thiện tiêu chuẩn của doanh nghiệp tại Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “San sẻ trách nhiệm vượt khó mùa dịch”.

Tọa đàm sẽ có sự tham gia của các khách mời gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, các chuyên gia từ Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp các nước Bắc Âu tại TP HCM, cùng đại diện các doanh nghiệp AEON Việt Nam, Home Credit Việt Nam, Nestlé Việt Nam, INSEE, Alphanam, Đạm Phú Mỹ và Sika Việt Nam.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm từ điểm cầu Tòa soạn Báo Đầu tư

Các khách mời tham gia tọa đàm:

1. Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

2. Bùi Thu ThủyPhó Cục trưởng, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

3. Lê Việt NgaVụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương

4. Ông Vũ Đình ÁnhChuyên gia tư vấn kinh tế tài chính

5. Ông Nguyễn Hải MinhPhó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

6. Ông Eamon Ginley, Tổng giám đốc Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam (INSEE Việt Nam)

7. Ông Thue Quist ThomasenChủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các nước Bắc Âu tại TP HCM (Nordcham)

8. Nguyễn Thị Ngọc HuệGiám đốc Chiến lược Nguồn nhân lực, Truyền thông và Đối ngoại, Công ty AEON Việt Nam

9. Dung Nguyễn, Giám đốc Marketing, Công ty Home Credit Việt Nam

10. Ông Khuất Quang HưngGiám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Công ty Nestlé Việt Nam

11. Ông Lê Quốc AnhPhó tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

 
11/29/2021 08:47

Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh:

Đại dịch Covid đã gây ra nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động sản xuất kinh doanh bị tác động.

Nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoặc đóng cửa, hàng triệu người lao động mất việc làm hoặc giãn công do sản xuất đình đốn, đời sống của rất nhiều người dân gặp khó khăn.

Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị đã nhanh chóng vào cuộc để cùng đưa ra các giải pháp kịp thời khắc phục khó khăn.

Trong bối cảnh khó khăn, chúng ta càng thấy được sự tỏa sáng của những tấm lòng nhân ái để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhiều doanh nghiệp dù cũng đang gặp khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng nêu cao tinh thần trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, bằng nhiều sáng kiến thiết thực và hiệu quả.

Những nghĩa cử cao đẹp đó không phải là sự chia sẻ nhất thời mà phản ánh sinh động về triết lý kinh doanh, về sự lựa chọn những giá trị bền vững của doanh nghiệp cho chính mình và cho cả xã hội.

 
11/29/2021 09:00

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Những hành động Chính phủ triển khai thời gian qua cũng như sắp tới để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như thế, không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà các doanh nghiệp vừa cũng lao đao.

Bà Bùi Thu Thủy

Chính phủ đã triển khai rất nhiều, trong 11 tháng đầu năm có đến hàng trăm Nghị quyết, quyết định từ Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương ban hành.

Vừa qua có 2 nghị quyết được doanh nghiệp đánh giá cao là Nghị quyết 105 và Nghị quyết 128, đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Gần như ngày nào đường dây nóng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận được nhiều phản ánh, nhưng Nghị quyết 128 đã giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề, tình hình sản xuất của doanh nghiệp đã được khắc phục.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nghị định hướng dẫn thi thành, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số được các doanh nghiệp tham gia tích cực. Nhiều doanh nghiệp có quy mô như Xuân Hòa thời gian qua cũng phải thừa nhận chuyển đổi số là cứu cánh cho doanh nghiệp trong Covid-19.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế, trong đó phục hồi doanh nghiệp là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm.

Chúng tôi có một số dự kiến hỗ trợ bao gồm chính sách tài khóa, cấp bù lãi suất cho vay, ngân sách có tính chất “vốn mồi” hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo…

 
11/29/2021 09:13

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ thông tin về sự san sẻ khó khăn giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh khó khăn:

Bà Lê Việt Nga

Chúng ta đã có sự đồng hành giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, chưa bao giờ thấy rằng có sự gắn kết cộng đồng, net-working hiệu quả như vậy.

Về góc độ Bộ Công Thương, chúng tôi đã có nhiều văn bản để kịp thời điều phối, đồng hành cùng doanh nghiệp để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường trong nước.

Chúng tôi cũng có những văn bản trong ngắn hạn, duy trì các tổ công tác đặc biệt để thường xuyên trực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nắm bắt khó khăn hàng ngày của doanh nghiệp, người dân để điều phối ngay trong ngày.

Chúng tôi cũng có những nhóm trao đổi trên các ứng dụng Zalo, Viber để xử lý nhanh, tháo gỡ nhanh các tình huống.

Chúng tôi có những văn bản để san sẻ trách nhiệm với những nhóm yếu thế, như với nông dân để đảm bảo kết nối tiêu thụ hàng hóa thông suốt, cũng như cung ứng hàng hóa cho người dân.

Chúng tôi đang đề xuất Bộ trưởng khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp như AEON, VNPOST đã tích cực tham gia phân phối hàng hóa trong bối cảnh chợ truyền thống thường xuyên phải đóng cửa.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang phát động những chương trình kích cầu, giảm giá. Rất mong Báo Đầu tư sẽ có những chương trình tuyên truyền mạnh cho các chương trình này.

 
11/29/2021 09:23

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia tư vấn kinh tế tài chính:

TS. Vũ Đình Ánh

Các doanh nghiệp đã san sẻ lẫn nhau, tìm cách giúp bạn hàng cả đầu vào và đầu ra giảm bớt khó khăn và thiệt hại. Các doanh nghiệp không chỉ vì bản thân mình mà nhờ có lợi thế hơn đã san sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp giúp đã nhà nước. Doanh nghiệp rất chủ động trong việc chia sẻ bớt khó khăn với nhà nước.

Tôi đơn cử một chi tiết nhỏ, chỉ đến khi đại diện một doanh nghiệp Việt Nam nói rằng tại sao kit test Covid lại có giá cao hơn giá trên thế giới. Tôi mong rằng sự tham gia, san sẻ của doanh nghiệp rất đa chiều, đa dạng và ngày càng hiệu quả hơn nữa.

 
29/11/2021 10:01

Ông Eamon Ginley, Tổng giám đốc Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam (INSEE Việt Nam):

Là một doanh nghiệp tiên phong về Vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam, INSEE Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững với chiến lược kinh doanh của chúng tôi hướng đến mục tiêu cân bằng ba điểm mấu chốt là tăng trưởng kinh tế, hiệu quả môi trường và thực hiện trách nhiệm xã hội. Trong bối cảnh dịch COVID tác động toàn diện, bên cạnh đảm bảo về mặt vận hành, chúng tôi vẫn luôn vững bước trên con đường phát triển bền vững của mình.

Ông Eamon Ginley

INSEE vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập và phúc lợi dành cho nhân viên trong suốt 1,5 năm kể từ khi phát sinh dịch Covid-19 cho đến nay.

Đồng thời, hỗ trợ y tế, dịch vụ tư vấn bác sĩ, dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tại nhà, Máy đo nồng độ oxy, Máy tạo ôxy cũng như Xe cứu thương (24/24) dự phòng cho các tình huống xấu nhất cho nhân viên F0 hoặc chăm sóc F0 tại gia đình…   

Hỗ trợ cơ sở vật chất cho cộng đồng phòng Covid-19:

Triển khai các dự án hỗ trợ cộng đồng phát triển cơ sở hạ tầng 

Đi cùng thế hệ trẻ thông qua giải thưởng INSEE Prize, Chương trình phát triển tài năng trẻ, Chương trình Đào tạo Nghề tại Doanh nghiệp...

Đại dịch COVID-19 đã tác động toàn diện đến nhiều mặt cuộc sống, tuy nhiên, giữa những khó khăn, INSEE vẫn không chậm bước trên con đường PTBV của mình với những nỗ lực không ngừng nghỉ:

- Là Công ty Xi măng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành Tuyên bố sản phẩm môi trường (EPD) và nhận được chứng chỉ EPD Quốc tế. 

- INSEE Việt Nam được nâng hạng “Nhãn xanh” của SGBC lần thứ ba kể từ lần đầu tiên được nhận chứng nhận vào năm 2017 cho các sản phẩm xi măng.

- Tập đoàn INSEE công bố tham vọng về Phát triển bền vững 2030 theo GCCA hướng đến 3 trụ cột Khí hậu và Năng lượng, Nền kinh tế tuần hoàn và Đa dạng sinh học và Nước. 

- Ngoài ra, với tham vọng đóng góp vào sứ mệnh dài hạn hỗ trợ giải quyết vấn đề hạn mặn tại miền Nam Việt Nam, INSEE Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cũng như ra đời các dòng sản phẩm xi măng phù hợp bảo vệ sự bền vững của công trình trước sự tấn công từ môi trường.

 
11/29/2021 10:30

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Chiến lược nguồn nhân lực, truyền thông và đối ngoại của AEON Việt Nam:

Đặt lợi ích của khách hàng, nhân viên và cộng đồng lên trên lợi ích của doanh nghiệp đã trở thành tôn chỉ mục đích của AEON suốt 10 năm kể từ khi có mặt tại Việt Nam. Ngay cả trong thời điểm hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, thương hiệu bán lẻ đến từ Nhật Bản vẫn sẵn sàng nói “Không” với lợi nhuận ngắn hạn để kiên trì theo đuổi sứ mệnh của một nhà bán lẻ và trách nhiệm công dân doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ

San sẻ trách nhiệm với khách hàng, AEON đã đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân ở mọi cấp độ dịch bệnh, có thể kể đến như hơn 400 chuyến xe bán hàng lưu động, cung cấp 800 tấn hàng hóa thiết yếu tại 4 tỉnh thành, đẩy mạnh bán hàng đa kênh, triển khai đi chợ hộ khi các quy định phòng dịch siết chặt.

Bên cạnh đó, AEON cũng có các hoạt động cùng cộng đồng vượt qua đại dịch, đóng góp Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19, hỗ trợ địa điểm tiêm vắc-xin, tặng túi An sinh cho nhóm yếu thế, dễ tổn thương.

Đối với nhân viên, AEON đã duy trì tối đa lực lượng lao động, đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 4.000 nhân viên suốt 1,5 năm qua. Đồng thời, hỗ trợ nhân viên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Việc người lao động tiếp tục làm việc trong môi trường bán lẻ là điều tự hào của AEON. AEON rất cảm ơn các bạn đã gắn bó, cống hiến cho cộng đồng.

AEON coi sức khỏe và sự an toàn của nhân viên là trên hết, tổ chức nhiều hoạt động “vắc-xin” tinh thần.

Với các bộ, ngành, AEON đã hỗ trợ tiêu thụ các nông sản trong nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

 
11/29/2021 10:37

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham):

Ông Nguyễn Hải Minh

Đồng hành cùng Việt Nam trong thời điểm khó khăn này, EuroCham đã ra mắt chương trình ‘Breathe Again Vietnam’ vào tháng 8/2021. Chiến dịch với mục tiêu kêu gọi quyên góp từ các nhà đầu tư và các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và trên khắp Liên minh Châu Âu. Số tiền này sau đó được sử dụng để mua các thiết bị y tế thiết yếu để hỗ trợ các bệnh viện và nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19”.

Đến nay chiến dịch đã kêu gọi được hơn 670.000 Euro và tặng nhiều thiết bị y tế với tổng trị giá 450.000 Euro cho các bệnh viện trên khắp mọi miền Việt Nam, và còn rất nhiều sự giúp đỡ từ các nơi đang tiếp tục đổ về. Tổng cộng, các thành viên EuroCham đã kêu gọi và quyên góp hơn 1,2 triệu Euro để hỗ trợ Việt Nam chống lại đại dịch COVID-19.

Cùng với chương trình ‘Breathe Again Vietnam’, cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu trong thời gian đã chung tay hỗ trợ các địa phương chống dịch, tuân thủ những quy tắc chống dịch của Việt Nam, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Mặc dù cuộc sống đang trở lại bình thường nhưng cuộc chiến chống lại COVID-19 vẫn chưa đi đến hồi kết. Với tình hình gia tăng trở lại của bệnh dịch, chúng ta cần phải đề cao cảnh giác và đảm bảo đại dịch trong tầm kiểm soát. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến gay go này.

 
11/29/2021 10:58

Bà Dung Nguyễn, Giám đốc Marketing của Home Credit Việt Nam: 

Bà Dung Nguyễn

Tại Việt Nam, Home Credit là một trong những đơn vị tiên phong về các tiêu chuẩn ESG trong ngành tài chính tiêu dùng. Home Credit Việt Nam đã nỗ lực không ngừng ngay từ những ngày đầu hoạt động. Gần 6.000 nhân viên phục vụ hơn 12 triệu lượt khách hàng từ năm 2008 cho đến nay, Home Credit Việt Nam hiện đang là một trong những công ty dẫn đầu thị trường trong ngành tài chính tiêu dùng.

Tôi tự hào vì công ty đã rất nhanh chóng có những hoạt động hỗ trợ cộng đồng hiệu quả và kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn Covid như hiện nay. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, Home Credit Việt Nam phát động chương trình Home Love, đóng góp 1 tỉ đồng cho Quỹ Vắc Xin Quốc gia, hỗ trợ hơn 30 nghìn phần cơm và nhu yếu phẩm dành tặng cho 10 bệnh viên dã chiến, khu cách ly, các mái ấm trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn cùng những hoàn cảnh khó khăn. Dịp tết Trung Thu năm nay, 300 phần quà đã được trao tận tay những trẻ em, gia đình trong khu phong tỏa, những y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Đặc biệt, Tập đoàn Home Credit vừa công bố báo cáo đầu tiên về hoạt động Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Báo cáo này giới thiệu 6 giá trị cốt lõi trong định hướng ESG của Home Credit, cũng như đặc biệt tập trung vào một số hoạt động hỗ trợ liên quan đến đại dịch Covid-19 mà công ty đang mang đến cho khách hàng và cộng đồng trên toàn thế giới và Việt Nam.

 
29/11/2021 11:09

Ông Thue Quist Thomasen, Chủ tịch Phòng Thương mại Bắc Âu (NordCham Việt Nam), Giám đốc YouGov Vietnam:

Ông Thue Quist Thomasen

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã dần hoạt động trở lại nhờ một số hạn chế được nới lỏng hoặc dỡ bỏ. Chính phủ cũng đưa ra một số biện pháp giúp doanh nghiệp và cá nhân phục hồi sau dịch Covid-19, chẳng hạn giảm thuế hoặc tiền thuê đất. Thêm vào đó, Chính phủ cũng từng bước mở cửa để đón khách du lịch quốc tế đến một số tỉnh ở Việt Nam kể từ ngày 5/11/2021. Điều này cho thấy tiềm năng phục hồi của ngành du lịch và lữ hành. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng tìm cách thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.

Nordcham ủng hộ chương trình nghị sự mới của Việt Nam tại COP26. Chúng ta đang chứng kiến sự biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu và cả ở Việt Nam, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, thách thức phát triển kinh tế.

Các doanh nghiệp Bắc Âu rất quan tâm đến tăng trưởng xanh, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam đạt được các mục tiêu ở COP19, giảm các nhà máy điện than, hóa thạch. Chúng tôi có quỹ 2,5 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch. Chúng tôi mong muốn các chính sách của Việt Nam về năng lượng xanh ổn định và bền vững, bởi các dự án này mang tính dài hạn.

Chúng tôi luôn đứng đây, sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp muốn quay trở lại Việt Nam kinh doanh. Các FTA rất quan trọng trong thu hút nhà đầu tư đến Việt Nam. Các công ty Bắc Âu là những doanh nghiệp mà người lao động hạnh phúc nhất, chúng tôi đang cố gắng làm tốt hơn nữa.

 
11/29/2021 11:12

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại và truyền thông Công ty Nestlé Việt Nam: 

Ông Khuất Quang Hưng

Hơn hết, chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu & khu vực và chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam. Việt Nam đang được xem là trung tâm sản xuất các mặt hàng điện tử và may mặc, da giày cho thế giới.

Vậy thì chúng tôi tự đặt ra câu hỏi làm cách nào để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng thực phẩm và thức uống đóng gói cho cả thế giới vì với lực lượng lao động giỏi tay nghề và tinh thần làm việc cống hiến, hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam được ghi nhận đang nằm trong nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả thị trường mà tập đoàn Nestlé đang có mặt.

Mặc dù trong thời gian Covid hai năm vừa qua, nhưng Nestlé cách đây hơn 2 tháng mới tăng vốn lên 132 triệu USD để tăng gấp đôi công suất, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng cafe có giá trị cao trên thế giới, đưa hạt cafe Việt Nam đi xa hơn trên thị trường thế giới.

Với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi tin rằng dù đại dịch phức tạp thế nào đi nữa thì chúng tôi tự tin, cam kết đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động phát triển bền vững thời gian tới.

 
11/29/2021 11:28

Ông Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam:

Ông Lê Quốc Anh

Ngành bưu điện có tính chất truyền thống, trải qua các thời kỳ, Bưu điện luôn đồng hành cùng Chính phủ phục vụ người dân, phát triển đất nước, lan tỏa giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.

Chúng tôi có lợi thế về chuỗi cung ứng, cung cấp đa dịch vụ như bưu chính, logistics, tài chính, bảo hiểm, hành chính công... Với lợi thế mạng lưới, Bưu điện Việt Nam tận dụng hệ thống này để tham gia đảm bảo lưu thông hàng hóa trong đợt dịch.

 
29/11/2021 11:43

Bà Phan Thu Hà, Alphanam Group:

Bà Phan Thu Hà

Chúng tôi tin rằng Covid chỉ là một tác nhân thúc đẩy doanh nghiệp phải ứng biến nhanh hơn.

Chúng tôi lựa chọn những người bị tổn thương nhiều nhất để giúp họ một cách nhanh nhất.

Chúng ta đã trải qua đợt dịch thứ tư, vượt khó đã trở thành kỹ năng của các doanh nghiệp.

 
11/29/2021 11:46

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội:

Ông Phan Đức Hiếu

Chúng ta đã san sẻ, trước hết là vì tình thế.

Thứ hai, nó đã trở thành một phương châm, triết lý kinh doanh và trong tương lai sẽ trở thành một đòi hỏi, yêu cầu để cùng tồn tại, cùng phát triển.

Ở đây là hợp tác mang tính tự nguyện, nhưng với vai trò của nhà nước, chúng ta làm gì để trở thành một cơ chế thúc đẩy, bảo vệ.

Thời gian qua trong bối cảnh đại dịch, có nhiều tranh chấp hợp đồng được phản ánh trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tôi rất buồn vì điều đó.

Các doanh nghiệp nên hợp tác, đoàn kết, san sẻ.

Nên chọn cơ chế hợp tác đoàn kết, san sẻ thay vì ra tòa. Có rất nhiều trung tâm hòa giải, đó là cơ chế giải quyết mang tính hợp tác, giảm thiểu tổn thất và thời gian.

Trên quốc tế, có 2 can thiệp về mặt chính sách. Thứ nhất là cơ chế giải quyết nhanh tranh chấp phi chính thức, làm sao thúc đẩy hợp tác tốt hơn.

Thứ hai là tranh chấp giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, họ rất quan ngại về trách nhiệm nộp tiền phạt chậm nộp một số nghĩa vụ.

 
11/29/2021 11:58

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu bế mạc tọa đàm:

Tôi tin rằng tất cả chúng ta thấy được, cuộc tọa đàm hôm nay đã đem lại những thông điệp tích cực tới cộng đồng. Hi vọng những năng lượng tích cực đó tiếp tục được nhân lên với nhiều hình thức, hành động khác nhau để chúng ta có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống, vơi bớt nỗi lo do dịch bệnh mang lại.

Từ những quan điểm, triết lý, tinh thần chia sẻ với nhau sẽ có thể nhân rộng ở nhiều loại hình khác để có thêm nhiều người được chia sẻ, giúp đỡ. Mong rằng những giá trị tốt đẹp đó sẽ được nhân lên trong nhiều hoàn cảnh.

Tọa đàm về trách nhiệm xã hội của doanh nhân và ra mắt ấn phẩm "Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc"
Ngày 12/10, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19; Phát hành ấn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư