Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tôi bỏ phí một tầng vì xây nhà quá cao mà không lắp thang máy
An Yên (VnExpress) - 12/06/2018 08:01
 
Nhà anh Lâm (Hà Nội) có 5 tầng nhưng tầng cao nhất bị bỏ trống do mọi người quá mệt khi phải di chuyển thang bộ nhiều.

Khi xây nhà, anh Lâm (Hà Đông, Hà Nội) không có nhiều tiền nên cắt giảm những khoản kinh phí mà anh thấy quá tốn kém, trong đó có thang máy. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh thấy quyết định của mình sai lầm vì ở thì bất tiện, bán lại cũng khó khăn: 

Năm 2007, tôi mua một khu đất rộng 70 m2 ở quận Hà Đông. Khi đó, tôi đang ở chung cư nhưng thấy đất rẻ nên tận dụng cơ hội mua luôn. Tôi tính ở chung cư thêm vài năm cho các con học hết cấp hai rồi sẽ chuyển xuống nhà mặt đất cho rộng rãi, thoải mái hơn. 

Sau khi mua được 2-3 năm, tôi quyết định xây nhà dù chưa có nhu cầu ở vì lo càng để lâu, vật liệu xây dựng càng lên giá. Tôi xây nhà 5 tầng với tổng diện tích sử dụng khoảng 260 m2, có sân trước, sân sau. Kiến trúc sư gợi ý tôi làm thang máy để lên xuống cho thuận tiện. Nhưng để lắp đặt thiết bị này, tôi sẽ mất thêm khoảng 300 triệu trong khi đang phải đi vay mượn để xây nhà. Bởi vậy, tôi loại luôn hạng mục đó ra khỏi dự toán.

Ngày càng nhiều gia đình sống ở nhà phố chi tiền lắp đặt thang máy. Ảnh minh họa: ELH.
Ngày càng nhiều gia đình sống ở nhà phố chi tiền lắp đặt thang máy. Ảnh minh họa: ELH.

Sau khi nhà hoàn thiện, tôi cho thuê tới năm 2014 mới chuyển về sống. Tôi đón bố mẹ ở quê ra ở cùng nên tổng cộng gia đình có 6 người ở. Mỗi tầng được chia làm 2 phòng, có ít nhất một WC. Tầng một có chỗ để xe, phòng khách, bếp ăn; tầng 2 có phòng của bố mẹ tôi và một phòng sinh hoạt chung; tầng 3 có phòng ngủ của vợ chồng tôi và con gái; tầng 4 có phòng ngủ của con trai và phòng ngủ dự phòng cho họ hàng ở quê ra chơi; tầng 5 có phòng thờ và khu giặt phơi.

Ở được nửa năm, chúng tôi bắt đầu thấy bất tiện khi xây nhà cao tầng nhưng không có thang máy. Khi đi học về, các con lên phòng luôn, hầu như chỉ gặp ông bà, bố mẹ vào giờ ăn. Mỗi lần muốn gọi cả nhà xuống ăn cơm, chúng tôi phải nháy điện thoại cho hai con nếu không muốn gào thét. 

Vườn rau trên mái cũng chỉ duy trì được ít lâu vì vợ tôi quá mệt khi phải lên xuống 2 lần mỗi ngày. Công việc nhà cũng tốn thời gian hơn vì vợ tôi không thể vừa tranh thủ sử dụng máy giặt vừa nấu cơm như trước đây. Mỗi dịp thắp hương vào ngày thường, con cháu đi vắng, bố mẹ tôi lên xuống 5 tầng vài lần vì quên món đồ nọ, đồ kia hoặc có nhiều đồ cúng. Hay khi mọi người đang ở tầng cao bỗng có khách tới chơi lại phải tất tả chạy xuống mở cửa rồi quay lên để làm nốt việc dang dở. 

Sau một thời gian cân nhắc, tôi quyết định biến phòng sinh hoạt chung ở tầng 2 thành phòng cho con trai. Phòng thờ và khu giặt phơi từ tầng 5 chuyển xuống tầng 4. Bớt di chuyển lên cao một tầng, gia đình tôi cũng đỡ mệt mỏi hơn nhưng lại bỏ trống hoàn toàn tầng 5. 

Đôi lúc, vợ con tôi gợi ý lại chuyển về chung cư với diện tích rộng hơn. Tôi cũng thấy hợp lý nhưng khi rao bán và cho thuê nhà đang ở thì lại bị ép giá. Họ nói, không có ai bỏ ra cả một khoản tiền lớn để mua một ngôi nhà cao như thế mà chỉ có thang bộ. Có một công ty muốn thuê dài hạn với điều kiện gia đình tôi phải lắp thêm thang máy. 

Tôi cũng tham khảo một vài kiến trúc sư về việc lắp bổ sung thang máy thì thấy khá lằng nhằng. Do nhà tôi không có giếng trời trong nhà nên nếu muốn lắp thang, sẽ buộc phải đập phá thang bộ, sửa chữa tốn kém và khiến bố trí nhà lộn xộn. 

Theo KTS Phạm Thanh Truyền, với các nhà phố từ 5 tầng trở lên, gia đình nên cân nhắc việc lắp đặt thang máy ngay từ lúc thiết kế. Diện tích dành cho thiết bị này chỉ khoảng 3-4 m2. Trở ngại lớn nhất là chi phí khá cao (từ 300 triệu trở lên, tùy trọng tải, nguồn gốc thiết bị). Hiện tại, một số bộ phận của thang đã được làm tại Việt Nam nên giá thành có thể giảm bớt.

Khác hoàn toàn với chung cư, sống trong nhà phố đòi hỏi các thành viên trong nhà phải di chuyển nhiều lần. Một số người cho rằng, việc đi bộ lên xuống coi như hình thức tập thể dục. Tuy nhiên, thực tế, bạn không phải lúc nào cũng khỏe mạnh, có thời gian để sẵn sàng tập luyện. Nhất là khi trong nhà có người cao tuổi, việc leo bộ có thể gây hại.

Với gia đình anh Lâm, trên thực tế, việc xây nhà 5 tầng là không cần thiết vì nhu cầu gia đình không nhiều tới vậy. Nếu muốn lắp thang máy để bán nhà, chuyển lên chung cư, anh có thể chuyển khu vực thang bộ thành khoang thang máy. Ở phía vườn sau, anh Lâm làm thêm thang bộ thoát hiểm, có mái che. Tổng chi phí khoảng 400 triệu. Tuy nhiên, đây là khoản tiền lớn nên chủ nhà cần cân nhắc kỹ, mời kiến trúc sư tới khảo sát cẩn thận.

Bán nhà đất lên chung cư, chúng tôi sống dễ thở hơn hẳn
Bán nhà phố, chị Giang vừa có tiền trả hết nợ ngân hàng, vừa mua được chung cư để ở, vừa mua được đất ở quê để dành.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư