Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
“Tối hậu thư” cho các đại dự án ODA giao thông
Anh Minh - 03/05/2013 06:53
 
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa “bấm” đồng hồ đếm ngược mốc thời gian hoàn thành, khởi công cho nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn sử dụng vốn vay ODA. Nếu không thông xe đúng hạn như cam kết, các nhà thầu sẽ bị lãnh đạo Bộ GTVT phạt hợp đồng rất nặng.
TIN LIÊN QUAN
30km đường cao tốc 4 làn xe từ TP.Thái Nguyên đến giáp địa phận Hà Nội sẽ thông xe trước ngày 30/6 tới. Ảnh: Anh Minh

Một văn bản có tính “quân lệnh trạng” vừa được các nhà thầu thi công Gói thầu PK2, Dự án Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (Dự án QL3 mới) ký với đại diện chủ đầu tư – Ban quản lý dự án II, GTVT.

Cụ thể, bắt đầu từ cuối tuần trước, liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 – Tổng công ty Xây dựng Thăng Long – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cùng 2 nhà thầu chỉ định sẽ có 75 ngày để thông xe 30 km đường cao tốc 4 làn xe từ TP. Thái Nguyên đến giáp địa phận TP. Hà Nội.

“Nếu không thông xe được đoạn tuyến này vào ngày 30/6 tới như cam kết, các nhà thầu sẽ bị lãnh đạo Bộ GTVT phạt hợp đồng rất nặng do những vướng mắc về mặt bằng, tài chính tại gói thầu PK2 đã được chủ đầu tư tháo gỡ xong”, ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án II khẳng định.

Với giá trị lên tới 1.520 tỷ đồng, PK2 là gói thầu lớn nhất của Dự án QL3 mới sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, bao gồm việc xây dựng 34 km đường cao tốc đi qua Tp. Hà Nội, Thái Nguyên gồm 4 làn xe, rộng 34,5 m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Hiện các nhà thầu đã thi công được 76% giá trị hợp đồng, trong đó đã thảm bê tông nhựa lớp 1 được 12,5 km.

Được biết, cùng với việc tăng ca, bổ sung mũi thi công, điều kiện tiên quyết để hoàn thành thảm bê tông nhựa 2 lớp cho 30 km đường cao tốc còn lại trong 2,5 tháng là các nhà thầu phải tung vào công trường 1 lượng tài chính lên tới 100 tỷ đồng/tháng, trong đó riêng Vinaconex là 40 tỷ đồng/tháng.

Theo đại diện Vinaconex, tất cả đều là “tiền tươi thóc thật” vì trong bối cảnh khó khăn về tín dụng, từ hai năm trở lại đây không một nhà cung cấp nào cho nhà thầu trả chậm đặc biệt là nhựa đường – loại vật tư chính yếu trong thi công lớp bê tông nhựa.

Mặc dù ngày 30/6/2013 đồng thời là thời hạn được ấn định tại hợp đồng Gói thầu PK2 nhưng ngay cả khi không vượt được tiến độ ngày nào, những nỗ lực của liên danh nhà thầu PK2 cũng rất đáng ghi nhận trong bối cảnh mặt bằng thi công được chính quyền các địa phương bàn giao khá trễ.

Cần phải nói thêm rằng, sức ép không chỉ bị dồn về phía nhà thầu, chính ông Long cũng đã phải tự “cược” vị trí Tổng giám đốc Ban quản lý dự án II với lãnh đạo Bộ GTVT trong việc hoàn thành mục tiêu thông xe phần lớn Gói thầu PK2 trước 30/6/2013 và thông xe toàn bộ Dự án dài 61 km từ Thái Nguyên về đến Hà Nội có tổng mức đầu tư lên tới 10.004 tỷ đồng này vào ngày 31/12/2013.

“Nếu TP. Hà Nội bàn giao những điểm còn vướng mặt bằng trước tháng 5/2013, đặc biệt là vị trí cầu Phù Lôi, chúng tôi có thể về đích trước ngày 31/12/2013”, ông Long cho biết.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư và chất lượng công trình giao thông, không chỉ riêng Dự án QL3 sáng đèn suốt đêm, chủ đầu tư nhiều công trình xây dựng đường cao tốc khác sử dụng vốn vay ODA như: Hà Nội – Hải Phòng, Nội Bài – Lào Cai, Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây… đã được Bộ GTVT yêu cầu không được phép lùi tiến độ, bao gồm cả khởi công lẫn thời gian hoàn thành.

Cụ thể, mặc dù đang gặp không ít khó khăn tại Gói thầu A4, A5 do Keangnam thi công nhưng lãnh đạo Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn đang theo đuổi mục tiêu thông xe toàn tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai vào cuối năm nay.

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi VEC vừa thông được hầm đường bộ lớn nhất Dự án tại gói thầu số A6 – một trong những đường găng quyết định tiến độ của cả công trình.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, bám sát Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, tại các dự án ODA với lợi thế vốn sẵn đang được Bộ GTVT “cởi” cơ chế hết mức để đẩy nhanh tiến độ thi công và cũng là để hỗ trợ tài chính cho các nhà thầu.

Theo đó, kể từ cuối năm ngoái, các nhà thầu thi công một số dự án ODA đã được chủ đầu tư tạm ứng thêm 10% giá trị hợp đồng và được tạm thanh toán 80% vật tư, vật liệu tập kết tại công trường. Bộ GTVT cũng đã đồng ý cho một số chủ dự án cho phép điều chỉnh công thực tính trượt giá theo hướng sát thực hơn với diễn biến thực tế thị trường.

Tại nhiều dự án ODA, các ban quản lý dự án đã huy động nhân lực giải quyết nhanh thủ tục để sau khoảng 30 ngày, tiền thanh toán các khối lượng hoàn thành đã về tới tài khoản của nhà thầu, rút ngắn gần 1 nửa cho với chuẩn mực quốc tế.

“PMU2 cam kết đảm bảo dòng tiền tại Dự án vận hành thông suốt nhất để giảm bớt khó khăn tài chính cho các đơn vị thi công”, ông Long cho biết.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, nếu được đáp ứng đủ nguồn vốn đối ứng, các dự án ODA giao thông năm nay nhiều khả năng sẽ giải ngân được khoảng 40.000 tỷ đồng, tạo được một lượng lớn công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư