Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố, giảm 60 - 70% số xã
Nguyễn Lê - 12/04/2025 17:48
 
Trung ương đã thảo luận hết sức dân chủ, lắng nghe, trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề mới, hệ trọng và thống nhất rất cao những nội dung quan trọng, cốt lõi.
.
Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII.

Ban chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố.

Chiều 12/4, sau 3 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã bế mạc. Phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, Trung ương đã thảo luận hết sức dân chủ, lắng nghe, trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề mới, hệ trọng và thống nhất rất cao những nội dung quan trọng, cốt lõi. Ban chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị với tỷ lệ tuyệt đối.

Thống nhất xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp

Khái quát, nhấn mạnh và kết luận một số vấn đề của Hội nghị, Tổng Bí thư cho biết Ban chấp hành Trung ương thống nhất cao nội dung đề xuất nêu tại các Tờ trình, Báo cáo, Đề án thuộc nhóm công việc về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trong đó, Ban chấp hành Trung ương nhấn mạnh, việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương lần này được xây dựng trên tinh thần khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100 năm, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước. Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế, trong đó chú trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân; đẩy nhanh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc sắp xếp lại mô hình, tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phải thực sự tinh gọn, bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; không hành chính hoá hoạt động, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân theo tinh thần “chú trọng và thực hành dân làm gốc”, phải thực sự là “cánh tay nối dài” của Đảng đến từng hộ gia đình, từng người dân; phải chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đoàn viên, hội viên và của Nhân dân.

Thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các quy định về công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, địa phương theo nguyên tắc công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân. Nhận diện, có biện pháp phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây mất đoàn kết, chạy chức chạy quyền, cục bộ bè phái trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, xử lý tài sản công…

Ban chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) với tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị xác định theo các nguyên tắc nêu tại các Tờ trình và Đề án; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi); sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Trung ương cũng đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện; việc lập tổ chức đảng ở địa phương thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương.

Với mô hình tổ chức hành chính mới, theo Tổng Bí thư, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn. Cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tinh ban hành; được tăng cường phân cấp phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.

Tổng Bí thư cũng cho biết, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương; chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đồng ý chủ trương tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Toà án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân; kết thúc hoạt động của Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện; xác lập hệ thống tổ chức Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có 03 cấp là: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực (hệ thống tòa án và viện kiểm sát quân sự giữ nguyên mô hình hiện nay).

Ban chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025; có hiệu lực từ ngày 1/7/2025; quy định thời gian chuyển tiếp để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với kế hoạch, lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.

Thông qua dự thảo phương hướng nhân sự Trung ương Đảng khóa XIV

Về nhóm vấn đề tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Tổng bí thư nêu rõ, Trung ương thống nhất cao và nhận thấy cần triển khai ngay một số giải pháp lớn đã được nhất trí thông qua trong dự thảo các văn kiện, đồng thời cụ thể hóa trong văn kiện nhiệm kỳ 2025 - 2030 của các tổ chức Đảng.

Gồm, thống nhất về mục tiêu cao nhất của Đại hội XIV là quyết định những vấn đề chiến lược để bảo đảm “ổn định, phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân”; mọi quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong dự thảo các văn kiện đều phải thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt và tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện cho được mục tiêu này. Thống nhất về yêu cầu cao của giai đoạn tới là “phát triển chất lượng cao, phát triển nhanh và phát triển bền vững”,“chủ động, tự cường và tự chủ trong phát triển”.

 Hội nghị Trung ương 11 bế mạc sau 3 ngày làm việc. 

Từ đó, yêu cầu các Tiểu ban tiếp tục rà soát các ý kiến của Trung ương, bổ sung đầy đủ những khó khăn, thách thức khách quan phải đối mặt, những tồn tại, hạn chế kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chưa khắc phục, những nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với bối cảnh tình hình mới, thời cơ vận hội và thử thách mới bằng tư duy mới, cách làm mới mang tính cách mạng, vượt lên chính mình để bảo đảm phát triển chủ động, tự chủ, nhanh, bền vững; đồng thời yêu cầu các đảng bộ trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội phải tập trung thảo luận kỹ lưỡng những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đóng góp hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội cấp mình.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho biết, Trung ương thống nhất quyết tâm mạnh mẽ “xác lập mô hình tăng trưởng mới”, “xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới” là các giải pháp căn cơ để khắc phục nguy cơ tụt hậu. Trong mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu, kinh tế tư nhân (gồm cả khu vực tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Đồng thời Trung ương cũng thống nhất cao trong giai đoạn cách mạng mới, cần tập trung xác định và triển khai mạnh mẽ nội hàm “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, mô hình điểm về các tỉnh “xã hội chủ nghĩa”, các xã “xã hội chủ nghĩa”.

Về công tác tổ chức xây dựng và thi hành điều lệ Đảng: Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến và cơ bản thống nhất, thông qua dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; bổ sung nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; các nội dung sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Phương hướng Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Trung ương yêu cầu, Bộ Chính trị, cấp uỷ, các tổ chức Đảng, các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung đã được Trung ương thống nhất, thông qua.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu, về tổ chức đại hội các cấp tại địa phương sáp nhập, hợp nhất, sẽ tổ chức đại hội cấp xã, cấp tỉnh ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Vì vậy, cần lãnh đạo, chỉ đạo hết sức chặt chẽ để bảo đảm đại hội đúng quy định và thực chất, không hình thức.

Bộ Chính trị sẽ ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 35 hướng dẫn cụ thể việc tổ chức Đại hội các cấp theo tinh thần mới.

Tổng Bí thư lưu ý, về văn kiện, cấp tỉnh phải sớm bổ sung, hoàn thiện văn kiện đại hội cấp mình trên cơ sở dự thảo văn kiện mới của Trung ương. Đối với các tỉnh có sáp nhập, hợp nhất thì các ban thường vụ phải bàn với nhau để xây dựng văn kiện của đại hội tỉnh mới. Phải trên tinh thần "không gian phát triển mở rộng" của tỉnh mới để xây dựng văn kiện. Không phải là cộng gộp cơ học các văn kiện của tỉnh cũ thành văn kiện của tỉnh mới. Các xã sáp nhập cũng phải thực hiện theo tinh thần này.

Về nhân sự, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu, nhiều người băn khoăn sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và sắp xếp nhân sự đại hội. Các cơ quan Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn.

“Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác”, Tổng Bí thư nhấn mạnh và nêu rõ Ban Thường vụ cấp tỉnh (có sáp nhập, hợp nhất) phải bàn kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập. Những vấn đề chưa thống nhất, đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân cộng phụ trách địa bàn sẽ hướng dẫn, chỉ đạo, các tỉnh cũng cần phân công các đồng chí cấp ủy tỉnh hướng dẫn chỉ đạo Đại hội cấp xã.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư