Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tổng điều tra kinh tế năm 2021: Sẽ hạn chế tối đa hiện tượng khai sai, khai trùng
Mạnh Bôn - 14/03/2021 08:20
 
Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sẽ hạn chế tối đa hiện tượng khai sai, khai trùng, bỏ sót để phản ánh bức tranh trung thực của nền kinh tế.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Từ ngày 1/3, Tổng cục Thống kê chính thức tiến hành tổng điều tra kinh tế trên cả nước. Ông có thể khái quát mục đích, ý nghĩa của cuộc tổng điều tra quan trọng này?

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sẽ thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, sự nghiệp nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động; kết quả sản xuất - kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở sản xuất và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương.

Cuộc điều tra cũng nhằm tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia.... Trên cơ sở đó, cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo...

Từ năm 2018, Tổng cục Thống kê đã thu thập dữ liệu, biên soạn Sách trắng về doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) thường niên. Thay vì thực hiện tổng điều tra kinh tế, có thể sử dụng dữ liệu về doanh nghiệp và HTX trong Sách trắng không, thưa ông?

Dữ liệu để biên soạn Sách trắng doanh nghiệp và HTX được lấy từ kết quả điều tra doanh nghiệp hằng năm, dữ liệu quản lý thuế của Tổng cục Thuế; dữ liệu đăng ký kinh doanh từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có đối chiếu số liệu với một số cơ quan liên quan. Như vậy, phải có kết quả điều tra khu vực doanh nghiệp và HTX mới biên soạn được Sách trắng.

Để thống nhất dữ liệu, giảm chi phí thời gian, công sức, nhân lực, tài chính, năm nay, khi thực hiện tổng điều tra kinh tế, Tổng cục Thống kê sẽ không điều tra riêng về doanh nghiệp và HTX, mà lồng các nội dung này vào cuộc tổng điều tra.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thường có 2 - 3 báo cáo tài chính phục vụ các mục đích khác nhau. Làm thế nào để có kết quả chính xác về tài sản, nguồn vốn; kết quả hoạt động; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư của doanh nghiệp?

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, hằng năm, doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán thuế. Căn cứ hồ sơ khai quyết toán thuế của doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cơ quan thuế thực hiện quyết toán, chứ không phải doanh nghiệp khai thế nào cũng được cơ quan thuế chấp nhận. Dữ liệu quyết toán thuế của cơ quan thuế là nguồn đầu vào rất quan trọng của cuộc tổng điều tra kinh tế cũng như điều tra biên soạn Sách trắng hằng năm.

Đối với chỉ tiêu liên quan đến tài sản, nguồn vốn, vốn đầu tư của doanh nghiệp, cơ quan thống kê thực hiện điều tra; doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực thông tin và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin do mình cung cấp.

Tôi cũng nói thêm rằng, với việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý các cuộc điều tra, khảo sát, cơ quan thống kê không khó để phát hiện ra những kê khai chưa chính xác.

Khác với 5 cuộc tổng điều tra trước đây, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 thu thập thông tin liên quan đến nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), đổi mới sáng tạo; ứng dụng công nghệ thông tin... Đây là những khái niệm trừu tượng khiến doanh nghiệp khó trả lời chính xác. Vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?

Những khái niệm kể trên không mới, nhưng tương đối trừu tượng và không phải ai cũng hiểu đúng. Chính vì vậy, trong phiếu điều tra, chúng tôi giải thích rất rõ ràng, dễ hiểu về các khái niệm này. Trình độ dân trí của chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp càng ngày càng tăng, cộng với sự giải thích cặn kẽ, dễ hiểu, tôi tin rằng, kết quả của cuộc Tổng điều tra sẽ phản ánh được bức tranh tổng thể về kinh tế Việt Nam.

Mỗi năm, có hàng chục ngàn doanh nghiệp “mất tích” (không hoạt động tại nơi đăng ký sản xuất, kinh doanh). Thưa ông, tổng điều tra kinh tế năm 2021 có thực hiện thu thập thông tin về những đơn vị này?

Đối với những doanh nghiệp được cơ quan thuế coi là “mất tích”, cục thống kê các địa phương phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh rà soát, bổ sung vào danh sách điều tra, vì dù không có địa chỉ hoạt động cụ thể, nhưng doanh nghiệp vẫn còn địa chỉ e-mail và các công cụ liên hệ khác đã đăng ký khi thành lập.

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, nên những doanh nghiệp không hoạt động tại nơi đăng ký sản xuất, kinh doanh cũng thực hiện khai báo, kê khai các nội dung thông qua việc đăng nhập trên hệ thống của cuộc Tổng điều tra để điền thông tin trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương tham gia vào cuộc Tổng điều tra, nên sẽ hạn chế tối đa tình trạng kê khai thiếu, kê khai trùng và càng không có chuyện bỏ sót tới 76.000 doanh nghiệp như đã từng xảy ra.

Tổng điều tra 2021 được thực hiện trực tuyến qua bảng hỏi điện tử (web-form). Làm thế nào để có được nguồn đầu vào chính xác, khách quan, trung thực, thưa ông?

Để có được thông tin khách quan, trung thực qua web-form, điều tra viên phải liên hệ với doanh nghiệp, cung cấp tài khoản; hướng dẫn truy cập vào Trang thông tin điện tử Tổng điều tra và khai thông tin theo web-form; kiểm soát tiến độ, đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp trả lời chính xác, đầy đủ; kiểm tra logic, chất lượng thông tin do doanh nghiệp cung cấp và liên hệ lại nếu cần xác minh, chỉnh sửa, cập nhật thông tin.

Ngoài điều tra qua web-form (với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội), vẫn thực hiện điều tra trực tiếp đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ký ban hành phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký Quyết định số 1344/QĐ-BKHĐT ngày 3/9/2020 về việc ban hành phương án Tổng điều tra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư