Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tổng giám đốc Saigontourist: "Triển vọng du lịch 2021 vẫn đang là ẩn số"
Hồng Phúc - 09/01/2021 15:35
 
Ông Nguyễn Bình Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đánh giá triển vọng du lịch 2021 vẫn đang là một ẩn số và dự tính 3 kịch bản của thị trường.

Năm 2020 vừa kết thúc, ngành du lịch chịu thiệt hại nhất trong các ngành kinh tế, khi du lịch toàn cầu giảm 1 tỷ lượt khách, doanh thu du lịch quốc tế giảm trên 1.100 tỷ USD.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO, du lịch quốc tế sẽ hồi phục vào quý 3/2021, riêng du lịch nội địa sẽ hồi phục nhanh hơn, chủ yếu với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thăm thân nhân... sau đó mới đến các chuyến đi công vụ, hội nghị hội thảo (MICE). 

Với việc vắc xin đã được phê duyệt và triển khai ở nhiều quốc gia, ngành du lịch thế giới có triển vọng hồi phục trong năm 2021. 

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Saigontourist cho rằng, du lịch thế giới sẽ cần tối thiểu 2 năm để hoạt động trở lại như trước khi có đại dịch. Cùng với đó, trên toàn cầu đều phải đối mặt với nhiều bất ổn như khả năng dịch Covid-19 tái bùng phát. 

“Nguy cơ phát triển của biến thể mới, quá trình phục hồi toàn cầu chậm chạp, căng thẳng thương mại đang diễn ra và tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng/du khách. Chính vì thế, triển vọng du lịch 2021, vẫn đang là một ẩn số”, ông Nguyễn Bình Minh đánh giá tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2021 được TP.HCM tổ chức sáng nay. 

.
Ông Nguyễn Bình Minh, Tổng giám đốc Saigontourist Group (Ảnh: Hồng Phúc).

Vị này đánh giá, các chương trình kích cầu du lịch nội địa triển khai trước đây thường mang tính đơn lẻ, đơn ngành, chủ yếu tập trung các đơn vị kinh doanh lưu trú, giải trí.

Trong khi yếu tố quan trọng để thu hút dòng khách đến thành phố cần giảm giá sâu giá vé máy bay, giá vé các phương tiện vận chuyển đến thành phố, miễn giảm giá vé tham quan các tuyến điểm, khuyến mãi hấp dẫn các loại hình khác tại thành phố thì chưa được chú trọng và chưa được triển khai mang tính thực chất. 

Hoặc, chủ trương Thành phố kêu gọi phát triển kinh tế dịch vụ về đêm, xây dựng hình ảnh “Thành phố không ngủ”, tuy nhiên loại hình này vẫn chưa thực sự trở thành điểm nhấn của du lịch thành phố.  

Trước diễn biến khó lường của đại dịch, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn dự kiến diễn biến thị trường theo 3 kịch bản.

Kịch bản 1, nếu Việt Nam đón khách du lịch quốc tế từ quý III/2021 thì lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm đạt khoảng 30% so với năm 2019; khách nội địa đạt khoảng 100% so với năm 2019. 

Như vậy, doanh thu phòng khách nội địa có thể đạt 120% và doanh thu phòng khách quốc tế đạt 30% so với năm 2019. Doanh thu ẩm thực và dịch vụ khác đạt 90% so với năm 2019.

Kịch bản 2, nếu Việt Nam đón khách du lịch quốc tế từ quý IV/2021 thì khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm có thể đạt khoảng 15% so với năm 2019; khách nội địa đạt khoảng 80% so với năm 2019. 

Doanh thu phòng nội địa đạt 100% và doanh thu phòng quốc tế đạt 15% so với năm 2019. Doanh thu ẩm thực và dịch vụ khác đạt 80% so với năm 2019.

Và kịch bản thứ ba cũng là kịch bản không được mong muốn là khách du lịch quốc tế đến Việt rất ít, phần lớn là khách công vụ, các chuyên gia, lao động nước ngoài, đạt khoảng 5% so với năm 2019, khách nội địa đạt khoảng 70% so với năm 2019. 

Doanh thu phòng nội địa đạt 90% và doanh thu phòng quốc tế đạt 5% so với năm 2019. Doanh thu ẩm thực và dịch vụ khác đạt 70% so với năm 2019. 

.
Quầy làm thủ tục bay tại nhà ga quốc nội sân bay Nội Bài vắng hoe hồi tháng 10/2020 (Ảnh minh hoạ: Hồng Phúc).

Trong ba kịch bản nêu trên, việc tập trung hướng đến thị trường khách nội địa là lựa chọn hàng đầu của Saigontourist Group như cách đã thực hiện xuyên suốt qua 3 đợt kích cầu từ cuối quý I/2020 đến nay.

Ông Nguyễn Bình Minh cho biết, bên cạnh ưu đãi về giá, chủ trương kích cầu nội địa của đơn vị này còn chú trọng đến việc tạo ra các dòng sản phẩm, dịch vụ mới, tổ chức sự kiện, trong đó có dịch vụ về đêm, như tại Công viên văn hóa Đầm Sen từ đầu năm 2021 đưa vào khai thác sản phẩm nhạc nước, màn trình diễn laser,…

Tuy nhiên, để kéo ngành du lịch Thành phố tăng trưởng trở lại, cần đến sự phối hợp của nhiều thành tố, đặc biệt là chủ trương của Thành phố.

Theo đó, ông Minh kiến nghị triển khai chương trình tổng thể xây dựng TP.HCM là điểm đến an toàn, hấp dẫn. 

“Từ đó, tạo dựng trong tâm trí, xây dựng niềm tin, kích thích sức mua của khách hàng là điểm đến với nhiều lựa chọn quyến rũ, khác biệt, ấn tượng, chất lượng”, ông Minh đề xuất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cung cấp nội dung, sản phẩm, phân khúc khách hàng kích cầu cần đa dạng, sáng tạo. 

Ngoài thu hút dòng khách du lịch đại trà, cần hướng đến thị trường ngách, phân khúc dòng khách hội nghị hội thảo, khách có mức chi tiêu cao, khách hàng thân thiết. 

Tổng giám đốc Saigontourist lấy ví dụ, doanh nghiệp có thể ưu đãi riêng, ưu đãi thêm cho phân khúc khách nội địa từ các địa phương, khách quốc tế hiện đang làm việc, cư trú tại Việt Nam thường xuyên sử dụng thẻ thành viên của các hãng hàng không, các công ty du lịch, khách sạn cao cấp, các trung tâm thương mại... tại thành phố. 

Bên cạnh đó, triển khai các gói khuyến mãi kích cầu “Du lịch tại chỗ” dành cho khách hàng/du khách hiện đang làm việc, cư trú tại Thành phố.

Kinh doanh du lịch dồn sức cho dịp Tết
Kỳ vọng sức mua tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp du lịch đang tung ra nhiều tour mới với những chương trình ưu đãi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư