Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Du lịch nha khoa: “Mỏ vàng” đợi khai thác
Hồ Hạ - 09/01/2021 09:50
 
Nếu không có Covid-19, tính riêng khách nước ngoài tới du lịch và sử dụng dịch vụ y tế nha khoa, Việt Nam có thể thu về 150 triệu USD trong năm 2020. Du lịch nha khoa là mỏ vàng.
Du lịch nha khoa là mỏ vàng không thể bỏ qua.
Du lịch nha khoa là mỏ vàng không thể bỏ qua.

Chất lượng cao, chi phí thấp

Là một phần của thị trường du lịch chữa bệnh toàn cầu,  gần đây, du lịch nha khoa có tốc độ tăng trưởng nhanh (khoảng 15%/năm), mang về nguồn ngoại tệ khổng lồ. Nếu không có Covid-19, du lịch nha khoa thế giới năm 2020 ước đạt 143,8 tỷ USD.

Mỗi năm, có hàng triệu du khách đi du lịch đến các quốc gia phát triển hơn để tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Ngược lại, cũng có hàng triệu người từ các nước giàu tìm đến các quốc gia có mặt bằng thu nhập thấp hơn vì không muốn chi trả mức giá đắt đỏ cho dịch vụ y tế tư nhân. Hơn nữa, ở nhiều nước, bảo hiểm không chi trả cho dịch vụ nha khoa.

Đó là lý do giúp Việt Nam đón hàng ngàn du khách Australia và Campuchia đến sử dụng dịch vụ nha khoa mỗi năm. Tạp chí International Living (Australia) từng bầu chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia hàng đầu Đông Nam Á được khách Australia ưa chuộng vì có dịch vụ nha khoa chất lượng cao và chi phí thấp.

Từ lâu, ở Singapore, Thái Lan, sản phẩm nha khoa được kết hợp vào chương trình tour du lịch của các hãng lữ hành. Khách du lịch được đưa đi khám nha sau khi đáp xuống sân bay nhưng chưa đến giờ check-in chỗ ở, hoặc sau khi trả phòng khách sạn, chờ bay về nước. Các sản phẩm phù hợp với nha khoa du lịch phải thực hiện nhanh, từ 30 phút đến 2 giờ, hoặc chậm nhất là 2 ngày, chất lượng cao, dễ kiểm soát như làm răng veneer, kiểm tra răng, tẩy trắng, làm răng sứ...

Theo báo cáo thị trường du lịch nha khoa toàn cầu đến năm 2023 của Market Research Future, châu Á - Thái Bình Dương là thị trường du lịch nha khoa lớn thứ 2, chiếm tới 40% thị trường toàn cầu và có xu hướng dịch chuyển đến  các nước Đông Nam Á.

Khoảng 2, 3 năm gần đây, nha khoa là một trong 5 loại hình du lịch y tế được TP.HCM chọn làm mũi nhọn phát triển. Lý do cơ bản để du lịch nha khoa tại Việt Nam thu hút du khách quốc tế là giá làm răng tại Việt Nam thấp hơn các nước 3 - 10 lần. Đơn cử, giá dịch vụ nha khoa tại Việt Nam thấp hơn 30% so với Thái Lan; gói thiết kế nụ cười (design smile) thực hiện tại Việt Nam có giá khoảng 8.800 USD, còn ở Canada là 50.000 USD trở lên.

Hợp sức để trở thành điểm đến du lịch nha khoa

Các phòng nha tại khu phố cổ Hà Nội từ lâu đã đặt trọng tâm phục vụ đối tượng khách du lịch, nhất là Việt kiều, người nước ngoài. Chủ một phòng khám nha khoa chia sẻ, năm 2019, dù dòng khách này chỉ chiếm 40% lượng khách, nhưng lại đem về đến 80% doanh thu. Chi tiêu trung bình của một khách là 2.000 USD/lần khám chữa răng.

Sau khi có mạng lưới dịch vụ đạt chuẩn, dịch bệnh được kiểm soát tốt trên toàn cầu, từ 3 đến 5 năm tới, Việt Nam sẽ có thể thay thế Thái Lan trong phân khúc du lịch nha khoa trung bình.

Đại diện Công ty Du lịch Nha khoa Việt Nam (Vietnam Dental Tourism) cho biết, năm 2019, tổng lượng khách của Công ty tăng 300% so với năm 2018. Riêng mảng du khách Việt kiều, khách đến từ Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất.

Nha khoa Việt Nam mới phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Ra đời sau, nên các phòng khám được cập nhật trang thiết bị hiện đại, như có phòng lab riêng, trang bị máy CT scan, có trên 10 giường khám... Bác sĩ Việt Nam ngoài lợi thế bàn tay châu Á nhỏ gọn, dễ thao tác, còn có tính thẩm mỹ và chịu học hỏi nâng cao tay nghề.

Lãnh đạo Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM cho biết, mỗi năm, có khoảng 2.000 kiều bào và hơn 500 người nước ngoài đến Bệnh viện điều trị nha khoa. Bệnh viện đã xây dựng phòng mổ hiện đại, kết hợp các chuyên gia, nha sĩ thành lập Câu lạc bộ Nha khoa Du lịch, chuyên thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc nha khoa cho đối tượng này.

Cũng nhắm đến khách quốc tế trong dài hạn, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn vừa chính thức hoạt động cuối năm 2020 đã bỏ ra khoản ngân sách khổng lồ để nâng cấp đạt tiêu chuẩn JCI - một quy trình thẩm định đánh giá chất lượng các bệnh viện quốc tế. Bởi khi đó, khách nước ngoài sẽ yên tâm trong việc điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn tự tin chia sẻ: “Sau khi có mạng lưới dịch vụ đạt chuẩn, dịch bệnh được kiểm soát tốt trên toàn cầu, từ 3 đến 5 năm tới, Việt Nam sẽ có thể thay thế Thái Lan trong phân khúc du lịch nha khoa trung bình”.

Theo giới chuyên môn, đối thủ trực tiếp của du lịch nha khoa Việt Nam hiện nay là Philippines - thị trường có mức phát triển và giá cả tương đương với Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí visa của Việt Nam còn cao. Ngoài ra, nếu Việt Nam chậm thay đổi, Campuchia đang phát triển nhanh về du lịch và y tế tư nhân có thể vượt lên.

Bên cạnh đó, du lịch nha khoa tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển bài bản và còn đối mặt với nhiều thách thức. Các bệnh viện, phòng khám chưa hợp lực, nên chủ yếu thu hút khách bằng phương thức quảng cáo truyền miệng, chưa thực sự bắt tay với những hãng lữ hành inbound lớn…

Theo thống kê, mỗi năm có gần 100.000 bệnh nhân nước ngoài sang Việt Nam để chữa răng, đem về gần 150 triệu USD. Số lượng bệnh nhân được dự đoán sẽ tăng 2,5 lần trong 3 năm tới. Do đó, Việt Nam cần tận dụng thời cơ, lợi thế, hợp sức để trở thành điểm đến mới trên bản đồ du lịch nha khoa thế giới.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu: Năm 2021, xoay trục đầu tư vào du lịch văn hóa
Năm 2021, Tổng cục Du lịch sẽ định hướng các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch sẽ xoáy sâu vào lợi thế văn hóa, di sản, ẩm thực của để khai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư