Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Tổng thống Biden "đặt nền móng cho một liên minh duy trì nền dân chủ"
Lê Quân - 21/06/2021 08:10
 
Tham vọng đằng sau chuyến công du châu Âu tuần này của Tổng thống Mỹ Joe Biden là táo bạo khi nhìn nhận ông trong vai trò "người bác sĩ phụ trách" của nền dân chủ thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Shutterstock
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Shutterstock

Lật lại lịch sử 80 năm trước khi mà có rất ít nền dân chủ bị bao vây bởi các thế lực độc tài gia tăng, Tổng thống Mỹ thứ 32 Franklin Roosevelt với bài phát biểu nổi tiếng mang tên "Bốn tự do" trước Quốc hội vào năm 1941, đã tự xưng là "bác sĩ thắng trận" (Dr. Win-the-War). Giờ đây, khi nền dân chủ thế giới phải đối mặt với một cuộc tấn công mới, đến lượt Tổng thống Biden trở thành "bác sĩ cứu vớt nền dân chủ".

Bình luận trên đài CNBC, ông Frederick Kempe, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) - một trong những tổ chức tư vấn chính sách có sức ảnh hưởng nhất của Mỹ về các vấn đề toàn cầu - cho rằng sau nhiều lần chẩn đoán về những căn bệnh ung thư đang gây nguy hiểm cho nền dân chủ toàn cầu, Tổng thống Joe Biden tuần này đã đẩy nhanh quá trình điều trị. Giống như các thầy thuốc giỏi khác, ông Biden hiểu việc chữa lành và phục hồi là không chắc chắn, sau nhiều năm căn bệnh đã xâm lấn và di căn.

Chờ đợi thêm có lẽ sẽ dẫn đến thất bại mà ông Biden chẩn đoán là "điểm uốn" trong cuộc đấu tranh có tính hệ thống và lịch sử chống lại chủ nghĩa độc tài. Như đã khẳng định trong tuần này tại trụ sở NATO ở Brussels, ông Biden đã đặt ra một chủ đề làm nền tảng cho toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống của mình: "Chúng ta phải chứng minh cho thế giới và người dân của chúng ta thấy rằng nền dân chủ vẫn có thể thắng thế trước những thách thức của thời đại chúng ta và đáp ứng nhu cầu của người dân".

Mặc dù thông điệp của Tổng thống Mỹ 78 tuổi và sức chịu đựng đáng kể của ông trong chuyến công du châu Âu với 5 điểm dừng chân vừa qua là rất ấn tượng, nhưng bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Mỹ cũng có thể sắp xếp một loạt các cuộc họp tương tự. Các hoạt động nổi bật trong chuyến công du lần này của Tổng thống Biden là cuộc gặp song phương với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Hội nghị thượng đỉnh G7, cuộc gặp với các nhà lãnh đạo NATO, Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ, và sau cùng cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đáng chú ý hơn vẫn là những gì Tổng thống Biden đã trao đổi tại các cuộc họp. Thông qua việc lập kế hoạch và đàm phán miệt mài, nhóm công tác của ông Biden và các đối tác đã tạo ra hàng chục trang thỏa thuận, thông cáo, và cam kết trong tương lai. Tất cả đều được xây dựng nhằm đưa ra những bản tường thuật và kích thích mục tiêu chung giữa các nền dân chủ hàng đầu thế giới.

Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, ông Frederick Kempe nhận định, đằng sau những điều đó nằm ở việc chính quyền Biden quá tập trung vào Trung Quốc như một thách thức của thời đại. Không giống như chính quyền cựu Tổng thống Trump khi đặt Mỹ cùng lúc xung đột với cả châu Âu và Trung Quốc, chính quyền Biden đã cố gắng tập hợp châu Âu đứng về phía mình trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, ngay cả khi cần đến sự thỏa hiệp từ các quốc gia đơn lẻ và toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) - khu vực đang coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu.

Các thỏa thuận đạt được trong chuyến công du của Tổng thống Biden bao gồm Tuyên bố vịnh Carbis của các nước G7, trong đó có nhiều cam kết cung cấp cho thế giới thêm 1 tỷ liều vaccine Covid-19 trong năm nay, cùng kế hoạch phục hồi các nền kinh tế thành viên, và cam kết hướng tới mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%.

Tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ có lẽ là thỏa thuận được đánh giá thấp nhất trong số các thỏa thuận đạt được tuần qua. Tuyên bố này đã đề cập một số cuộc đối thoại có thể thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực, từ cứu trợ Covid-19, biến đổi khí hậu, đến hợp tác công nghệ và các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

"Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục phối hợp trong những mối quan tâm chung của chúng tôi, bao gồm những vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Tân Cương và Tây Tạng", tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ nêu. Hai bên cũng quan tâm đến đến nhiều vấn đề khác như "sự xói mòn của các quy trình tự trị và dân chủ ở Hong Kong, áp bức kinh tế, các chiến dịch thông tin sai lệch, và các vấn đề an ninh khu vực.

Nhân tố khác thúc đẩy quan hệ Mỹ và EU là việc hai bên có động thái chấm dứt tranh chấp thuế quan và thương mại kéo dài 17 năm giữa hai hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus trước sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Còn tuyên bố chung Tổng thống Mỹ và Nga về ổn định chiến lược mới đây cũng đã đưa Trung Quốc vào tầm ngắm, nhằm khởi động Đối thoại ổn định chiến lược song phương để thiết lập một môi trường dễ đoán định hơn với Moscow, đồng thời giúp Washington có thể được tập trung nhiều hơn vào Bắc Kinh.

Tuy vậy, các cuộc gặp của Tổng thống Biden trong chuyến công du vừa qua đối diện sự hoài nghi về độ bền vững của những cam kết mới mà Mỹ đưa ra cho các liên minh và đối tác dân chủ.

Fed: Lạm phát Mỹ gia tăng là "tạm thời", vẫn sẽ giữ mốc 2% trong dài hạn
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng dự báo lạm phát trong năm 2021 và đưa ra khung thời điểm tiếp theo sẽ tăng lãi suất.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư