Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Thúc đẩy niềm tin của cộng đồng kinh doanh
Tuyết Ánh - 24/05/2016 08:10
 
Trao đổi nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, chuyến thăm này cùng với thông điệp quan trọng về thúc đẩy thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ củng cố niềm tin với việc làm ăn kinh doanh tại Việt Nam và đây là một sự kiện thúc đẩy niềm tin của cộng đồng kinh doanh vào triển vọng quan hệ hai bên trong thời gian tới.

Thưa ông, trong kế hoạch được công bố về chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam, một trong những nội dung sẽ được bàn tới là TPP… Đây cũng là vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt quan tâm và kỳ vọng sẽ có những thông tin mới từ chính Tổng thống Barack Obama.

Nói về TPP, có thể nói đó là thành công của Chính phủ Hoa Kỳ, của Tổng thống Obama trong việc thiết lập một luật chơi mới với sự đồng thuận của 12 nước thành viên có trình độ phát triển rất khác nhau.

Hơn thế, TPP đang được dự báo là tốt cho tất cả mọi người, kể cả Hoa Kỳ, Nhật Bản - những nền kinh tế phát triển nhất thế giới, hay Việt Nam - một nền kinh tế đang chuyển đổi. Tất nhiên, lợi ích từ TPP phụ thuộc vào nỗ lực của từng quốc gia, song điều này đang tạo nên sức hấp dẫn của TPP với các quốc gia khác. Dường như TPP đang thay đổi quan điểm lâu nay rằng, luật chơi mà Hoa Kỳ khởi xướng thường chỉ dành cho các nền kinh tế phát triển.

.
.

Trong mối tương quan này, sự thành công của Việt Nam trong tận dụng cơ hội từ TPP dường như không chỉ có ý nghĩa với riêng Việt Nam, mà là uy tín của một luật chơi mới. Đây là lý do cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang tính tới đề xuất TPP có những hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp trong các nước thành viên, nhất là từ các nền kinh tế chậm phát triển hơn, để nhanh chóng tiến kịp với các chuẩn mực cao mà TPP đã đặt ra.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Theo lý thuyết, khâu yếu nhất sẽ quyết định tốc độ của cả hệ thống. Trong TPP, Việt Nam là khâu yếu nhất. Sự thành công đến đâu của Việt Nam trong sân chơi này sẽ quyết định uy tín của TPP, hay nói cách khác là bằng chứng cho sự thành công của hiệp định tự do thế hệ mới trong thế giới hiện đại.

Chính vì vậy, một chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên như Việt Nam là nội dung chúng tôi sẽ kiến nghị trực tiếp với Tổng thống Obama trong cuộc gặp tới đây. Mục tiêu của chương trình này là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ.

VCCI đang làm việc với Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN về đề xuất thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp  nhỏ và vừa Hoa Kỳ - ASEAN. Chúng tôi đề nghị Trung tâm này sẽ được đặt tại Việt Nam, chương trình này sẽ được bắt đầu tại Việt Nam.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của TPP cũng có thể tương tự mô hình này, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể kết nối với chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn. Mà kết nối chính là bản chất của TPP.

Như vậy, bên cạnh nỗ lực của Việt Nam trong việc sẵn sàng vươn tới các chuẩn mực quốc tế, thì sự hỗ trợ kỹ thuật của các thành viên phát triển hơn, nhất là Chính phủ Hoa Kỳ, sẽ thúc đẩy năng lực và khả năng thích ứng cuộc chơi đẳng cấp thế giới của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vì suy cho cùng, với tỷ lệ 98% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thì việc doanh nghiệp Việt Nam có đạt được chuẩn quốc tế hay không sẽ quyết định nền kinh tế Việt Nam có tận dụng được các cơ hội từ TPP hay không.

Lâu nay, khi phân tích về thách thức và cơ hội của Việt Nam trong TPP, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn được coi là khu vực dễ bị tổn thương nhất, thưa ông?

Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam dù có nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, nhưng vẫn ở mức thấp so với chuẩn mực của thế giới nói chung, của TPP nói riêng.  

Bài toán đặt ra là không thể để TPP chỉ là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn, của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Như vậy, cùng với thông điệp với Chính phủ Hoa Kỳ, VCCI cũng đang làm việc với các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ tại Việt Nam và cả ASEAN để thành lập một liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN. Các tập đoàn lớn phải có trách nhiệm trong hỗ trợ khu vực doanh nghiệp yếu thế hơn tham gia các chuỗi giá trị của mình. Có như vậy thì cuộc chơi mới tốt cho tất cả như Tổng thống Obama vẫn hay nhắc tới khi nói về TPP.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chờ đợi thông điệp này từ người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới trong chuyến thăm Việt Nam. Cộng đồng kinh doanh quốc tế cũng đang nhìn vào thông điệp thúc đẩy TPP của Tổng thống Obama để có những lựa chọn đầu tư trong tương lai.

Có thể nói rằng, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng nhiều vào chuyến đi này, thưa ông?

Cộng đồng kinh doanh luôn quan tâm đến các cuộc gặp, đối thoại giữa lãnh đạo cao nhất của hai nước.

Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ vào tháng 7/2015 đã  gửi đi thông điệp cải cách quan trọng của nền kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập với các chuẩn mực cao, tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh Hoa Kỳ và quốc tế đối với môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam.

Lần này, Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam cùng với thông điệp quan trọng về thúc đẩy thực hiện TPP sẽ củng cố niềm tin với việc làm ăn kinh doanh tại Việt Nam.

Thời điểm này cũng rất đặc biệt khi Việt Nam vừa có Chính phủ nhiệm kỳ mới với quyết tâm cải cách thể chế, hội nhập mạnh mẽ.

Tôi tin đây là một sự kiện thúc đẩy niềm tin của cộng đồng kinh doanh vào triển vọng quan hệ hai bên trong thời gian tới.

Đặc biệt, tôi tin là sẽ có làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mới vào Việt Nam, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ.

(Bài viết được đăng trên Đặc san song ngữ Việt - Anh “Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội kinh doanh rộng mở" (Vietnam-US relations: Flourishing business opportunities) do Báo Đầu tư sản xuất, phát hành tháng 5/2016.

Ngày làm việc thứ 2 của Tổng thống Obama tại Việt Nam
Hôm nay (24/5), Tổng thống Mỹ Barack Obama bước vào ngày làm việc thứ 2 tại Việt Nam với khá nhiều hoạt động liên tiếp. Ông sẽ có một bài phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư