Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tổng Thư ký LQH Ban Ki -moon: Cảm ơn những người lính Việt Nam đang đi vào nơi xa xôi, nguy hiểm
Như Chính - 23/05/2015 19:57
 
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều nay (23/5), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã đến dự và phát biểu tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội.
.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tới dự và phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII. Ảnh: VOVNews.

 

Mở đầu bài phát biểu, Tổng Thư ký Ban Ki -moon bày tỏ vinh dự đến dự được đứng trước đông đảo các đại biểu Quốc hội Việt Nam để nói về sự phát triển bền vững của thế giới. Ông Ban Ki -moon cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ quan quyền lực tối cao trong việc lãnh đạo xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh và phát triển.

Đây là lần thứ 2 ông Ban Ki -moon đến Việt Nam trên cương vị Tổng Thư ký LHQ. Ông bày tỏ ấn tượng trước một Việt Nam phát triển mạnh mẽ về kinh tế -xã hội và là nước đi đầu sớm đạt những Mục tiêu Thiên niên kỷ, là 1 trong 8 nước thực hiện Sáng kiến Một LHQ đầu tiên,…

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki -moon cũng cho biết trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông đã có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam, có những cuộc trao đổi hết sức bổ ích, tích cực về những vấn đề chung mà LHQ đang triển khai, trong đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định là một thành viên tham gia tích cực, đặc biệt là các chương trình, kế hoạch hành động vì sự phát triển bền vững của thế giới.

Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của Việt Nam tại diễn đàn LHQ, trong đó có việc tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 và các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ…

Ông Ban Ki-moon cho biết LHQ trông đợi những đóng góp ngày càng quan trọng của Việt Nam vào các vấn đề đang “nóng” hiện nay của toàn cầu, từ biến đổi khí hậu cũng như vấn đề gìn giữ hòa bình, bảo đảm an ninh và các vấn đề nhân đạo…

Tổng Thư ký LHQ vui mừng thông báo: “Sáng hôm nay, chúng tôi đã có vinh dự cắt băng khánh thành Ngôi nhà chung của LHQ tại Việt Nam và tổng kết sự tham gia của Việt Nam với công cuộc gìn giữ hòa bình thế giới. Đó đều là những biểu hiện sinh động thể hiện hoàn hảo tinh thần trách nhiệm và sự tham gia ngày càng tích cực của Việt Nam đối với LHQ. Tôi xin bày tỏ lòng cảm phục, sự kính trọng với những người lính Việt Nam đang phải xa gia đình, đi vào nơi xa xôi, nguy hiểm ở những khu vực đầy biến động của CH Trung Phi, Nam Sudan”.

Trong lời đáp từ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảm ơn những lời tốt đẹp của người đứng đầu LHQ về đất nước và con người Việt Nam, về những đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam vào công cuộc hợp tác và cùng phát triển của LHQ.

Chủ tịch Quốc hội cũng cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ của Tổng Thư ký LHQ cũng như các cơ quan thuộc tổ chức lớn nhất thế giới này đối với Việt Nam thời gian qua.

“Quốc hội và nhân dân Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để hoàn thành trách nhiệm của Việt Nam với Liên hợp quốc,” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Trước đó, Quốc hội đã nghe các báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam. Đây là một trong những dự án Luật mà quá trình xây dựng gắn liền với việc cụ thể hóa quyền con người trong Hiến pháp 2013. 

Thẩm tra dự án này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật tạm giữ, tạm giam sẽ nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở Nhà tạm giữ, Trại tạm giam trong thời gian qua, đồng thời phúc đáp yêu cầu cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo dự án luật lưu ý đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, bởi những người này chưa bị coi là có tội nên ngoài việc hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do đi lại, cư trú, quyền bầu cử, ứng cử.... thì các quyền khác của họ phải được bảo đảm, như quyền được sống, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân và một số quyền dân sự khác...

Cuối buổi làm việc chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thú y. Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến tán thành quy định về nhân viên thú y cấp xã như dự thảo Luật và đề nghị cần quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với thú y viên cấp xã. 

Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 22/5Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng chia sẻ quan điểm, sự quan ngại sâu sắc của Việt Nam, ASEAN, các nước G7 về việc tiếp tục có các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng quy mô lớn làm thay đổi nguyên trạng cấu trúc nhiều đảo, đá và bãi ngầm, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, DOC, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và khu vực. Ông Ban Ki-moon cũng chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam yêu cầu các bên cần bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn vẹn Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm xây dựng, duy trì và tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; thực hiện kiềm chế trong các hành động; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; các bên liên quan giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982; tiến hành đàm phán thực chất để bảo đảm nhanh chóng xây dựng được một Bộ quy tắc COC hiệu quả. Đồng thời dừng ngay những hành động đơn phương, áp đặt, sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun
Chiều 22/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đang ở thăm chính thức Việt...
Bình luận bài viết này
  • Lê văn dương 20:14 | 23-05-2015
    Hãy nói thẳng ai bồi đắp, cải tạo, xây dựng quy mô lớn? Ai phải dừng ngay những hành động đơn phương? Cứ nói thẳng là Trung Quốc đi, sao cứ phải tránh né?
Xem thêm trên Báo Đầu Tư