Thứ Ba, Ngày 08 tháng 07 năm 2025,
TP.HCM áp dụng mô hình “lấy đất nuôi dự án”
- 08/07/2025 08:15
 
Tổng chi phí thực hiện di dời 39.600 căn nhà lụp xụp ven kênh, rạch tại TP.HCM lên đến hơn 220.000 tỷ đồng. Vậy Thành phố sẽ xoay xở ra sao để có được nguồn lực khổng lồ này?

Quyết tâm di dời 39.600 căn nhà lụp xụp ven kênh trong 5 năm

Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chỉnh trang đô thị khu vực nhà ở ven kênh, rạch, với mục tiêu di dời toàn bộ 39.600 căn nhà nằm ven các kênh, rạch trên địa bàn vào năm 2030. Để hoàn thành đúng tiến độ đề ra, Thành phố đã xây dựng lộ trình triển khai cụ thể.

Trong đó, năm 2025 là năm hoàn thiện đề án chỉnh trang tổng thể, lấy ý kiến các bên liên quan và trình phê duyệt. Đồng thời, tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại các khu vực dự kiến cải tạo. Tiếp theo, giai đoạn 2025 - 2026, sẽ tập trung vào việc lập và phê duyệt các dự án chi tiết liên quan đến công tác di dời, xây dựng nhà tái định cư, nhà ở xã hội và thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định.

Sang giai đoạn 2026 - 2027, Thành phố dự kiến khởi công xây dựng các dự án nhà ở tái định cư. Song song đó, sẽ tiến hành các công việc liên quan đến thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng. Đến giai đoạn 2028 - 2030, sẽ tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hệ thống thoát nước, kè bờ, công viên, không gian công cộng; đấu thầu, đấu giá quỹ đất hình thành sau giải tỏa.

Trong đợt khảo sát thực tế việc di dời nhà ven kênh rạch tại khu vực quận 8 (cũ) giữa tháng 4/2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, Đề án chỉnh trang nhà ven kênh rạch phải được xem là ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển đô thị của Thành phố. Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở Tài chính tham mưu, bố trí nguồn vốn thực hiện bằng nhiều hình thức như ngân sách nhà nước, huy động xã hội hóa, phát triển quỹ đất..., đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai đề án từ nay đến năm 2030…

Thực hiện mô hình “lấy đất nuôi dự án”

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM, trước đây, các chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị của Thành phố có phần thuận lợi hơn khi huy động được nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới, bao gồm cả khoản vốn không hoàn lại hoặc có lãi suất ưu đãi. Thành phố cũng từng áp dụng chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tạo nguồn vốn phục vụ việc xây dựng khu tái định cư và di dời. Thời điểm đó, quỹ đất trống trên địa bàn còn dồi dào, dễ dàng thu hút đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP).

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã có nhiều thay đổi. Quỹ đất trống gần như không còn, trong khi các quy định pháp luật liên quan đã được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn. Những yếu tố này khiến công tác di dời nhà ven kênh, rạch trở nên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều.

Theo Đề án Chỉnh trang đô thị khu vực nhà ở ven kênh, rạch, TP.HCM cần hơn 220.000 tỷ đồng thực hiện việc di dời 39.600 căn nhà lụp xụp ven sông, kênh, rạch còn lại. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 130.680 tỷ đồng; chi phí xây dựng nhà ở xã hội 10.692 tỷ đồng; còn lại là chi phí xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh rạch khoảng 80.000 tỷ đồng. Có thể nói, đây là con số khổng lồ, tương đương tổng vốn đầu tư công của TP.HCM (cũ) trong vòng 2 năm.

Để có được nguồn vốn khổng lồ trên, Thành phố dự kiến tổ chức đấu giá các quỹ đất sau giải phóng mặt bằng nhằm tạo nguồn thu cho dự án. Theo tính toán sơ bộ, sau khi giải tỏa, các khu đất này có thể mang lại nguồn thu lên tới 164.111 tỷ đồng. Mô hình “lấy đất nuôi dự án” được kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp tài chính khả thi và bền vững, giúp Thành phố đảm bảo cân đối nguồn vốn trong dài hạn.

Song song đó, TP.HCM tích cực rà soát lại danh mục quỹ đất do Nhà nước quản lý nhưng sử dụng không hiệu quả, từ đó đề xuất chuyển mục đích sử dụng, tiến hành đấu giá nhằm tạo thêm nguồn thu bổ sung cho các dự án di dời.

Bên cạnh nguồn vốn công, Thành phố còn chủ động kêu gọi đầu tư tư nhân tham gia các hạng mục xây dựng nhà ở xã hội, nhà tái định cư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Theo đó, nhà đầu tư có thể tham gia thiết kế, xây dựng, khai thác và cho thuê lại theo cơ chế chính sách ưu đãi do Nhà nước quy định. Cách làm này không chỉ giúp TP.HCM huy động được nguồn lực xã hội hóa, mà còn giảm áp lực lên ngân sách nhà nước.

TP.HCM kích hoạt cơ chế đặc thù chuẩn bị khởi công tuyến metro số 2
UBND TP.HCM giao các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục, để sớm khởi công metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư