Thứ Ba, Ngày 20 tháng 05 năm 2025,
TP.HCM chuẩn bị xây thêm “tổ” để đón “đại bàng”
Lê Quân - 20/05/2025 15:47
 
TP.HCM đang chuẩn bị đầu tư 14 khu công nghiệp mới để thu hút làn sóng đầu tư mới. Nhưng Thành phố cần chú trọng nhiều hơn đến hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, thay vì chỉ tập trung vào làm hạ tầng đơn thuần.

Đầu tư thêm 14 khu công nghiệp mới

Mới đây, TP.HCM công bố Quy hoạch các khu công nghiệp Thành phố thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giải pháp thu hút đầu tư năm 2025. Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, theo Quy hoạch, TP.HCM sẽ phát triển thêm 14 khu công nghiệp mới, với tổng diện tích 3.833 ha, nâng tổng số khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn lên 36 khu, với quy mô hơn 8.369 ha.

Việc đầu tư 14 khu công nghiệp mới sẽ được phân kỳ làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2025 - 2027, đầu tư các khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379 ha), Phạm Văn Hai II (289 ha), Vĩnh Lộc 3, Nhị Xuân; giai đoạn 2027 - 2030 sẽ phát triển các khu công nghiệp An Phú, Trung An, Lê Minh Xuân 4, Phạm Văn Hai III và Hiệp Phước giai đoạn III; giai đoạn 2030 - 2033 sẽ đầu tư các khu công nghiệp Tân Phú Trung 2, 3, 4 cùng Bình Khánh 1 và 2.

Ông Trực cho hay, bên cạnh việc đầu tư các khu công nghiệp mới, TP.HCM định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi theo chiều sâu, tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

“Hiện nay, Hepza phối hợp với các công ty phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp nghiên cứu lập đề án chuyển đổi thí điểm tại Khu chế xuất Tân Thuận và các khu công nghiệp Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu, với định hướng chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp công nghệ cao; khu công nghiệp sinh thái; khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; trung tâm logistics”, ông Trực thông tin.

Việc đầu tư các khu công nghiệp mới là cơ hội để các khu chế xuất, khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế của Thành phố là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp của cả nước.

Đầu tư hạ tầng là yếu tố then chốt

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thành công của các khu công nghiệp không nằm ở quy mô diện tích, mà ở chất lượng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đồng bộ đi kèm. Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (chủ đầu tư Khu chế xuất Tân Thuận), các nhà đầu tư công nghệ cao đặc biệt quan tâm đến tính ổn định và liên tục của nguồn điện.

Ông Phan Minh Toàn Thư, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cho biết, đơn vị này đang đàm phán nhiều dự án quy mô lớn, trong đó có trung tâm dữ liệu diện tích 20 ha với tổng vốn đầu tư 300 - 500 triệu USD. Tuy nhiên, nhà đầu tư yêu cầu khắt khe về nguồn điện lên đến 4.500 MW và nước sạch từ 15.000 đến 20.000 m3/ngày.

Cùng với hệ thống điện, giao thông kết nối cũng là điểm nghẽn mà các nhà đầu tư cho rằng cần được tháo gỡ. Theo ông Phong, hiện việc vận chuyển hàng hóa từ Khu chế xuất Tân Thuận ra cảng mất nhiều thời gian, làm tăng chi phí logistics. Hơn nữa, khi chuyển đổi mô hình Khu chế xuất Tân Thuận sang mô hình khu công nghiệp sinh thái hoặc công nghệ cao đòi hỏi nhiều diện tích cho cây xanh, tiện ích xã hội, chiếm 20 - 30% quỹ đất, khiến diện tích còn lại cho xây dựng nhà máy không còn nhiều, chi phí chuyển đổi đầu tư lại khá cao.

Trong khi đó, ông Phan Minh Toàn Thư đánh giá, kinh nghiệm đầu tư từ các khu công nghiệp đã thành công cho thấy, bên cạnh hạ tầng kỹ thuật, phải phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội xung quanh khu công nghiệp như khu dân cư, nhà ở cho công nhân và chuyên gia, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, thiết chế văn hóa… “Đây là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân nhà đầu tư lâu dài khi đầu tư vào các khu công nghiệp”, ông Thư đề xuất.

Phản hồi những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, ông Lê Văn Thinh, Trưởng ban Hepza khẳng định, Thành phố đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với ngành điện, cấp nước để đảm bảo năng lực hạ tầng cho các khu công nghiệp.

TP.HCM xử nghiêm chủ đầu tư cố tình làm chậm giải ngân vốn đầu tư công
Tính đến cuối tháng 4/2025, TP.HCM mới giải ngân khoảng 6.068 tỷ đồng, chỉ đạt 7,2% số vốn đầu tư công được giao năm 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư