Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
TP.HCM đẩy mạnh hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa dịp cuối năm
Hoài Sương - 21/12/2023 14:13
 
Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận hệ thống phân phối để tìm kiếm cơ hội bán hàng, Chương trình Kết nối cung cầu tập trung xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, bắt đầu từ tín hiệu thị trường.

Ngày 21/12, Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố năm 2023 do Sở Công thương TP.HCM tổ chức chính thức khai mạc. Hội nghị diễn ra tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ từ ngày 21 - 24/12.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, năm 2023 là năm cao điểm TP.HCM đẩy mạnh liên kết vùng khi tổ chức tổng kết và ký hợp tác phát triển kinh tế xã hội với 38 tỉnh, thành thuộc 5 vùng kinh tế trên cả nước.

Trong đó, Chương trình Kết nối cung cầu là một hoạt động cấp vùng, nhằm cụ thể hóa cam kết của Lãnh đạo TP.HCM. Đây là hoạt động kết nối 2 chiều, không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng TP.HCM, nhất là các dịp lễ, Tết.

Khai mạc Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2023.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công thương đã chủ trì phối hợp tổ chức 9 hội nghị kết nối cung cầu, 12 buổi kết nối B2B trực tiếp và nhiều sự kiện xúc tiến thương mại. Qua đó, hàng nghìn đặc sản, sản phẩm OCOP đã được tiếp cận, chào hàng người tiêu dùng TP.HCM.

Trong đó, nhiều hệ thống phân phối có khu vực riêng để trưng bày và bán sản phẩm OCOP như: Co.opmart với 70 sản phẩm; hệ thống GO!, BigC, Top Market với 145 sản phẩm; hệ thống Satra với 34 sản phẩm; MM Mega Market với 106 sản phẩm…

Năm nay, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận hệ thống phân phối để tìm kiếm cơ hội bán hàng, Chương trình Kết nối cung cầu tập trung xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, bắt đầu từ tín hiệu thị trường.

Vì vậy, Sở Công thương đã kết nối các hệ thống phân phối đồng hành, cùng hỗ trợ nhà cung cấp hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu… với mục tiêu đưa ra thị trường sản phẩm phù hợp thị hiếu. Hiện Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Tiki… đăng ký hỗ trợ cho toàn bộ sản phẩm OCOP của TP.HCM và dự kiến mở rộng các tỉnh, thành trong thời gian tới.

Ngoài ra, đã có 6 hệ thống phân phối gồm Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, AEON đăng ký tham gia Chương trình và thí điểm trước 4 nhóm hàng: Trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng, dưa lưới), rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường), thịt heo, thịt gà.

Qua các hoạt động kết nối, TP.HCM kỳ vọng định hướng hoạt động sản xuất theo tín hiệu thị trường, chuẩn hóa quy trình từ sản xuất đến lưu thông, phân phối hàng hóa.

Hội nghị không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường cho TP.HCM.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương thông tin, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay dự báo đạt trên 5-5,2%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đóng góp vào mức tăng trưởng khá ấn tượng nêu trên là hoạt động bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, lạm phát tăng dẫn đến cầu tiêu dùng thế giới giảm, đồng nghĩa giảm đơn đặt hàng trong nước và quốc tế, dẫn tới hoạt động sản xuất của Việt Nam bị thu hẹp, hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

“Do đó, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Đồng thời là giải pháp hữu hiệu bình ổn thị trường, đặc biệt trong dịp cao điểm như tết Nguyên Đán”, bà Phan Thị Thắng chia sẻ.

Xuất khẩu dệt may ngắm đích 44 tỷ USD trong năm 2024
Xuất khẩu dệt may được kỳ vọng phục hồi trong sự thận trọng, với dự báo về sự “ấm dần” của thị trường, để ngắm đích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư