Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu dệt may ngắm đích 44 tỷ USD trong năm 2024
Thế Hoàng - 19/12/2023 11:49
 
Xuất khẩu dệt may được kỳ vọng phục hồi trong sự thận trọng, với dự báo về sự “ấm dần” của thị trường, để ngắm đích kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023.
Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024.
Theo Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024.

Chia sẻ tại hội nghị “Tổng kết Hiệp hội Dệt may Việt Nam 2023”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin, đến thời điểm này, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 40,3 tỷ USD.

Con số này thấp hơn gần 10% so với năm 2022, nhưng xét trong bối cảnh chung của thương mại toàn cầu. kết quả xuất khẩu trong năm nay đã là một cố gắng lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Vitas, nếu như năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021 thì  2023, ngành dệt may phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá,...

Trong bức tranh thị trường khá ảm đạm, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, vẫn xuất hiện một vài "điểm sáng", đó là xuất khẩu hàng dệt may sang một số thị trường vẫn tăng như: Nhật Bản, Austrailia, Nga, Ấn Độ... Cùng đó, các doanh nghiệp đã mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông.

Điều này góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may không bị giảm quá sâu.

Việt Nam hiện nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Nhìn về năm 2024, ông Giang nhận định: "Với sự suy giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần trong nửa cuối năm 2023, ngành dệt may hy vọng thị trường năm 2024 sẽ "ấm dần"".

Mục tiêu và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023.

Trước những yêu cầu ngày càng cao của thị trường, về sản phẩm xanh, cắt giảm phát thải, đề cao tính bền vững.., ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.

Giai đoạn từ 2031 – 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

"Giải pháp chính của ngành dệt may vẫn sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; trong đó thu hút các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may...", theo Vitas.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, thời gian tới, ngành dệt may thời gian tới cần cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá...; đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số (gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...).

Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Việc này không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.

Trong xu hướng cạnh tranh đơn hàng gay gắt với các quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là Bawngladesh, giải pháp đang được một bộ phận doanh nghiệp thực hiện hiệu quả nhằm kéo khách hàng là tập trung làm đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp,  thời gian giao hàng nhanh.

Về trung và dài hạn, chiến lược phát triển ngành dệt may vẫn phải tập trung đầu tư chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, có trách nhiệm xã hội, tăng năng lực tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư