Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước
Hoàng Hải - Bảo Giang - 01/05/2014 20:49
 
Nhân kỷ niệm 39 năm ngày thống nhất đất nước, TS. Lê Mạnh Hà, Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ về thành tựu kinh tế và định hướng vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM.
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại 39 năm thống nhất đất nước, TP.HCM đã vượt qua nhiều thách thức, khó khăn và đến nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Xin ông điểm qua những thành tựu nổi bật của Thành phố những năm gần đây?

  TS. Lê Mạnh Hà, Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM  
  TS. Lê Mạnh Hà, Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM  

Là một đô thị đặc biệt, trung tâm về nhiều mặt của cả nước, TP.HCM chịu tác động bởi tình hình chung của cả nước và thế giới, cả về thuận lợi lẫn khó khăn. Mặc dù vậy, TP.HCM những năm gần đây vẫn vươn lên với vai trò là địa phương đầu tàu của cả nước trong phát triển kinh tế, xã hội.

Thành tựu rõ nét nhất chính là TP.HCM đã phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển được kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, làm tốt vai trò đầu tàu của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Trong giai đoạn 3 năm gần đây (2011 – 2013), kinh tế TP.HCM tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, lạm phát được kiểm soát, các ngành, thị trường phát triển ổn định. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân giai đoạn này tăng 9,6%/năm. Trong đó, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 11,1%/năm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%/năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,7%/năm. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.513 USD/người vào thời điểm cuối năm 2013, cao hơn 1,4 lần so với thời điểm năm 2010 (3.199 USD/người).

Trong quá trình phát triển, không tránh khỏi những hạn chế. Theo ông, đâu là những hạn chế, khó khăn cần vượt qua để có sự phát triển đột phá, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế?

Có thể nói, bên cạnh những thành tựu rất đáng khích lệ mà TP.HCM đạt được thời gian qua, chúng ta cần nhìn lại những hạn chế, yếu kém để khắc phục, nhằm đưa TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế thời giai đoạn 3 năm gần đây chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm.

Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật và xã hội của TP.HCM tuy được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh. Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu thực tế rất lớn. Sự gia tăng dân số cơ học và phương tiện cá nhân quá nhanh, dẫn đến quá tải kết cấu hạ tầng đô thị vốn đã yếu kém, cùng với tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường… đã ảnh hưởng đến mục tiêu cải thiện chất lượng sống cho người dân Thành phố.

Trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, điều đáng lưu ý là trang thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp còn lạc hậu, năng suất lao động thấp. Năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế, vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh ít, chủ yếu vay vốn của ngân hàng, do đó dễ bị ảnh hưởng khi lạm phát, biến động lãi suất và biến động giá cả nguyên vật liệu đầu vào. Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài, đã làm giảm khả năng cạnh tranh và hiệu quả của các doanh nghiệp.

Để TP.HCM phát triển ngang tầm với các thành phố phát triển trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, cần phải ưu tiên tập trung khắc phục và phát triển mạnh lĩnh vực nào, thưa ông?

TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, truyền thống cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của toàn Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác vận động nhân dân, phát huy hiệu quả phong trào dân giúp dân, mọi chủ trương, chính sách phải làm cho “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

TP.HCM tiếp tục tạo sự phát triển mang tính liên kết, liên vùng, miền trong khu vực phát triển có sự liên kết các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và các địa phương trong và ngoài nước.

Xin ông cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP.HCM giai đoạn 2014 - 2015?

Giai đoạn 2014 - 2015, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường kinh doanh.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn TP.HCM bình quân hàng năm cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển, gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, phấn đấu GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 4.800 USD.

Trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh và đầu tư, góp phần hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tập trung phổ biến các nội dung Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thành phố khi Việt Nam gia nhập TPP.

Đặc biệt, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư