Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
TP.HCM: Thiếu nhân sự, một ban quản lý muốn chuyển 18 dự án cho quận, huyện thực hiện
Lê Quân - 02/08/2024 12:50
 
Do không thể bố trí đủ nhân sự để thực hiện dự án, Ban Dân dụng và công nghiệp TP.HCM đề xuất chuyển 18 dự án cho Ban quản lý các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (gọi tắt là Ban Dân dụng và công nghiệp), vừa có văn bản số 1692/ĐCN-KHĐT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chuyển 18 dự án cho Ban Quản lý các quận, huyện và TP. Thủ Đức thực hiện.

Nêu lý do đưa ra đề xuất này, Ban Dân dụng và công nghiệp cho biết, năm 2024, đơn vị được UBND TP.HCM bố trí vốn cho 91 dự án, với số vốn 3.791 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/7/2024, đơn vị đã giải ngân được 498 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,4 %.

Theo kế hoạch xây dựng từ đầu năm, Ban Dân dụng và công nghiệp cam kết giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao năm 2024 với 17 dự án chuyển tiếp.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức được UBND TP.HCM giao cho Ban Dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư với số vốn 1.915 tỷ đồng. Bệnh viện này dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào quý IV/2024.

Ngoài việc tập trung giải ngân 17 dự án chuyển tiếp, Ban Dân dụng và công nghiệp còn phải tập trung quyết toán 73 dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc danh mục các công trình chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025).

Trong khi một số dự án chuẩn bị đầu tư đang gặp khó khăn vướng mắc chủ yếu liên quan đến thủ tục cấp giấy phép môi trường và quy hoạch nên không thể đảm bảo khởi công trong năm nay dẫn đến không đạt tỷ lệ giải ngân 95%.

Vì vậy, để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đơn vị này đề xuất đối với các dự án đã thông qua chủ trương đầu tư và được bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu UBND Thành phố chuyển 18 dự án (chủ yếu là các dự án đầu tư trường học và bệnh viện) cho các Ban Quản lý các quận, huyện và TP. Thủ Đức thực hiện.

Bởi vì các Ban Quản lý dự án quận, huyện và TP.Thủ Đức có nhiều thuận lợi trong công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là công tác điều chỉnh quy hoạch.

Đối với Dự án mua sắm thiết bị y tế được giao Ban Dân dụng và công nghiệp thực hiện do không bố trí đủ nhân sự để thực hiện dự án nên đơn vị đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế xem xét giao lại 4 Dự án cho bệnh viện hoặc các đơn vị khác có đủ năng lực.

Ngoài ra, Dự án xây dựng Tượng đài Nam Bộ Kháng chiến, Ban Dân dụng và công nghiệp cũng không thể bố trí đủ nhân sự để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Do vậy, đơn vị này đề xuất chuyển Dự án này cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Quận 1 vì đơn vị này có thể chủ động phối hợp với UBND Quận 1 thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500 để đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án.

Do không đủ nhân sự thực hiện, Ban Dân dụng và Công nghiệp cũng kiến nghị, trong thời gian tới, khi có các dự án mới phát sinh thuộc dự án nhóm C thì không giao đơn vị làm chủ đầu tư để tập trung nguồn lực thực hiện các dự án cấp bách thuộc danh mục các công trình chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và các công trình phục vụ Đại hội thể thao lần X tổ chức tại TP.HCM vào năm 2026.

TP.HCM gấp rút giải ngân đầu tư công từ đầu năm
Năm 2024, TP.HCM được giao lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, nếu không chạy nước rút ngay từ đầu năm, thì rất khó đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư