Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
TP.HCM tìm hướng “kích” dòng vốn FDI
Hồng Sơn - 22/10/2020 13:22
 
Dòng vốn FDI vào các dự án sản xuất tại TP.HCM có xu hướng sụt giảm từ vài năm nay và Thành phố đang thực thi nhiều giải pháp nhằm gỡ các rào cản đã được nhận diện.
.
9 tháng đầu năm, dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất tại TP.HCM sụt giảm mạnh.

Sụt giảm vốn FDI

Dự án của Công ty cổ phần SG Logistics (thuộc Tập đoàn BW, Hà Lan) được cấp phép trong tháng 9/2020 có vốn đầu tư đăng ký hơn 80 triệu USD, diện tích đất sử dụng hơn 20 ha. Đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đầu tư lớn nhất được cấp phép từ đầu năm đến nay ở các khu công nghiệp tại TP.HCM.

Đại diện Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, chỉ riêng dự án của SG Logistics đã chiếm gần 1/5 tổng vốn đầu tư thu hút từ đầu năm đến nay. Trước đó, phần lớn các dự án FDI được cấp phép có quy mô khoảng 1 triệu USD. Một số dự án tăng vốn, mở rộng sản xuất đáng chú ý như: dự án tăng vốn 21 triệu USD của Juki (Nhật Bản), dự án tăng vốn 3 triệu USD của Nikkiso (Nhật Bản)…

Theo tổng hợp của Hepza, từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư thu hút vào các khu chế xuất, khu công nghiệp của Thành phố là 493,11 triệu USD, đạt 98,62% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) chia sẻ, từ đầu năm đến nay, Ban đã tiếp xúc đầu tư tại chỗ với 34 nhà đầu tư (trong đó có 15 nhà đầu tư nước ngoài) đến tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư. Tuy vậy, trong 9 tháng, SHTP mới cấp phép mới một dự án FDI với vốn đăng ký 3 triệu USD, đạt 4,2% kế hoạch và dự án tăng vốn của Công ty TNHH G.N.I Vina với vốn tăng thêm hơn 2,6 triệu USD.

Sự sụt giảm mạnh dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất tại TP.HCM trong 9 tháng đầu năm cũng được thể hiện qua các con số do Cục Thống kê Thành phố mới công bố. Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố trong 9 tháng là 3,25 tỷ USD (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), giảm 28% tổng vốn so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, cấp mới có 719 dự án với 407,4 triệu USD, giảm 23,6% về số dự án và giảm 57,1% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh vốn đầu tư có 163 lượt dự án, với số vốn tăng thêm 283,8 triệu USD, giảm 41,2% về vốn so với năm trước. Góp vốn, mua cổ phần có 2.911 trường hợp với tổng vốn đạt 2.563 tỷ USD, giảm 17% so với năm trước.

Về lĩnh vực hoạt động, lĩnh vực sản xuất (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) xếp ở vị trí thứ tư, với tổng vốn đầu tư các dự án là 411,4 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư thu hút được.

Gỡ rào cản

Thực tế, vài năm gần đây, dòng vốn FDI vào các dự án sản xuất tại TP.HCM có xu hướng sụt giảm. Các dự án mới có quy mô vốn từ trăm triệu USD trở lên thiếu vắng, có thể tính trên đầu ngón tay. Các dự án đang hoạt động có tăng vốn cũng không nhiều. Trong khi đó, việc dịch chuyển các dự án từ TP.HCM đến các địa phương khác có xu hướng tăng lên…

Những rào cản về hạ tầng giao thông và thủ tục hành chính đã được nhìn nhận để giải thích cho thực trạng trên. Song theo các doanh nghiệp và nhà đầu tư, vấn đề chưa được cải thiện nhiều, khiến họ vẫn e ngại khi quyết định rót vốn đầu tư.

Từ các vấn đề đã được nhận diện, TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ nhằm tăng thu hút đầu tư, trong đó có dòng vốn FDI. Cụ thể, theo kế hoạch, trong năm 2020 và các năm tới, TP.HCM đẩy nhanh tiến độ các công trình như Metro số 1, cầu Thủ Thiêm 2, các dự án thành phần khép kín tuyến đường Vành đai 2; thi công các dự án thuộc tuyến đường Vành đai 3; triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Vanh đai 4…

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, Thành phố đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Hiện thời gian thực hiện những thủ tục này chỉ còn 7-10 ngày, giảm từ 3-5 ngày so với trước đây. Với nhiều thủ tục đầu tư, Sở đã thực hiện trả hồ sơ qua bưu điện và sắp tới sẽ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, nhằm cắt giảm thời gian và mở rộng dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, Hepza đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp hạ tầng và các ngành chức năng tìm giải pháp tháo gỡ. TP.HCM cũng đang đẩy mạnh tạo quỹ đất công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ triển khai thêm một số khu công nghiệp, nâng số khu công nghiệp của thành phố lên 23 khu. Được biết, Thành phố cũng đã đề xuất mở Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích 280 ha ở huyện Bình Chánh.

Vốn FDI vào TP.HCM mang đậm dấu ấn Hàn Quốc
Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư