Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
TPP với ngành dệt may và da giày: Doanh nghiệp Việt còn thờ ơ, thiếu chủ động
Hồng Sơn - 25/03/2016 11:17
 
Theo các chuyên gia, diễn giả tại Hội thảo “TPP với ngành dệt may và da giầy: Làm gì để tận dụng cơ hội?” được tổ chức ngày 24/3 tại TP.HCM, để tận dụng những cơ hội từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải tăng tính liên kết trong chuỗi giá trị. Trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá chủ động thì nhiều chủ doanh nghiệp của Việt Nam còn khá thờ ơ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết, các tập đoàn lớn của nước ngoài khi đến tìm đối tác để hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, mối quan tâm hàng đầu là đối tác đó phải đạt các tiêu chuẩn mà họ đặt ra chứ không phân biệt việc doanh nghiệp đó là FDI hay doanh nghiệp Việt.

Là nhà tư vấn quốc tế chuyên nghiệp, đại diện của KPMG thông tin thêm, với những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, các doanh nghiệp  nước ngoài hiện đang rất quan tâm đến việc đầu tư, hợp tác triển khai các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, nhất là lĩnh vực dệt may và da giầy là những thế mạnh của Việt Nam khi tham gia TPP.

.
Hội thảo “TPP với ngành dệt may và da giầy: Làm gì để tận dụng cơ hội?”

Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlyeScope Việt Nam lại cho biết, là một tập đoàn hàng đầu của thế giới và đã có hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp này là chuyên gia về lĩnh vực tôn thép chứ không phải là chuyên gia về môi trường hay tư vấn công trình xanh. Tuy nhiên, do có rất nhiều khách hàng trong lĩnh vực dệt may nên bằng quan hệ và hợp tác lâu năm với các đối tác tư vấn thiết kế, công ty xây dưng và tư vấn công trình xanh uy tín tại Việt Nam, NS BlueScope đã tư vấn và cung cấp giải pháp góp phần để các nhà máy dệt may đạt chứng chỉ công trình xanh. Qua đó, các doanh nghiệp này đủ tiêu chuẩn để có thể xuất những đơn hàng lớn cho các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu…

Trong khi đó, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), nhiều doanh nghiệp Việt còn thờ ơ với TPP. Ông Giang dẫn câu chuyện, có nhiều chủ doanh nghiệp dệt may không biết đến Vitas, chỉ đến khi gặp chuyện khó mới tìm đến và sau khi được hỗ trợ thì doanh nghiệp này mới đăng ký tham gia Hiệp hội.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may ở Việt Nam lại rất cần sự tham gia của Vitas trong dự án của họ. Bằng chứng là, một dự án có quy mô khá lớn của doanh nghiệp FDI tại Nam Định, Vitas tham gia góp vốn 30%. Sau đó, Vitas muốn rút 50% vốn góp tại dự án này để có nguồn lực đầu tư cho dự án khác, chủ doanh nghiệp FDI này tìm mọi cách để thuyết phục Vitas giữ nguyên phần vốn để duy trì “tiếng nói” tại dự án này.

Cũng theo các chuyên gia, không chỉ thờ ơ với TPP, tính chủ động trong hội nhập của doanh nghiệp Việt cũng rất thấp; trong liên kết chuỗi giá trị chúng ta đã có vẫn tồn tại chuyện thiếu tiếng nói chung, vai trò người trụ cột trong tiếng nói chung cũng chưa rõ nét.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội da giầy và túi xách Việt Nam (Lesfaso) cho biết, trước đây, các doanh nghiệp của ngành da giầy Việt Nam hầu hết phải nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và một số nước khác. Thực tế hiện nay đã ít nhiều có thay đổi khi mà chúng ta đã xây dựng được chuỗi liên kết. Tuy nhiên, tính chủ động của doanh nghiệp Việt còn rất yếu. Trong khi đó, một doanh nghiệp của Hoa Kỳ, trước khi quyết định đầu tư một dự án lớn tại Huế hay Hưng Yên, họ đã chủ động xây dựng được chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để các nhà máy này hoạt động được ngay sau khi đi vào sản xuất.

“Tìm vốn cho doanh nghiệp bây giờ là vấn đề nhỏ, quan trọng là dự án của anh thế nào, thị trường ra sao, dòng sản phẩm đưa ra có phù hợp không”, ông Kiệt nói và cho rằng, nếu có khó thì chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa vì các doanh nghiệp này vừa thiếu tài sản để đảm bảo món vay, nguồn lực hạn chế, công nghệ, thiết bị lạc hậu…

Tuy nhiên, theo ông Kiệt, với việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì đây là một tin vui bởi sẽ hỗ trợ rất thiết thực, hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập, nhất là tham gia TPP.

Trong khi đó, ông Ái cho biết, KPMG chuẩn bị chương trình giới thiệu cơ hội đầu tư tại Việt Nam cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở nhiều quốc gia và sẵn lòng làm cầu nối để các doanh nghiệp hai bên hợp tác cả vốn, công nghệ và  các hình thức hợp tác khác…

TPP với ngành dệt may và da giày: Làm gì để tận dụng cơ hội?
Đó là chủ đề của hội thảo do Báo Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức sáng 24/3 tại TP.HCM. Hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư