Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Trang trại làm điện mặt trời áp mái lo trắng tay vì không biết bán cho ai
Thanh Hương - 25/08/2020 18:58
 
Chỉ hệ thống lắp trên mái nhà của công trình xây dựng và không quá 1 MW, đấu nối vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống mới được coi là điện mặt trời mái nhà.

Tại cuộc họp giữa Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hôm qua, 24/8, nhằm xử lý các vướng mắc trong mua điện mặt trời áp mái, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã đề xuất, các hệ thống điện mặt trời lắp trên khung giá đỡ trên hồ, ao nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp công nghệ cao... mà không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng thì không được tính là hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác.
Khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014

+ Nhà, Kết cấu dạng nhà: Công trình xây dựng dạng hình khối, có phần nổi trên mặt đất, được cấu tạo từ kết cấu chịu lực, bao che (có thể có hoặc không) và mái (tại Phụ lục 2 Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ Xây dựng).

Theo đó, chỉ những hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống mới được coi là hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Như vậy, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã rất thống nhất và kiên quyết khi giải thích về hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng các quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Liên quan đến các trường hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà trên mái nhà của công trình trang trại nông nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho hay, trên cơ sở quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT (ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chủ trang trại có trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn; tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Về đất làm trang trại, theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, đất được xây dựng trang trại là loại đất nông nghiệp khác và do địa phương quản lý theo thẩm quyền. Mái nhà của trang trại cần phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của trang trại.

các Dự án nông nghiệp kết hợp điện mặt trời không được tính là điện mặt trời áp mái
Các dự án nông nghiệp kết hợp điện mặt trời không được tính là điện mặt trời áp mái

Bình luận về các quy định pháp luật hiện hành nay được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo dẫn giải để minh bạch hoá các vấn đề liên quan đến điện mặt trời áp mái nhà ở một số dự án nông nghiệp hiện nay, một số nhà đầu tư và các chuyên gia cũng cho rằng, thực ra quy định pháp luật đã có đầy đủ, nếu nhà đầu tư chỉ làm điện mặt trời mái nhà cho mình theo đúng tính chất tự dùng, còn thừa thì bán lại cho ngành điện thì đã không có chuyện ào ào đổ bộ như vừa qua.

“Đất trang trại là đất nông nghiệp, khi muốn làm điện mặt trời trên mái thì sẽ phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mà muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì không phải thể nhanh và không thể làm kiểu xôi đỗ, giữa toàn bộ khu đất nông nghiệp rộng lớn lại cho một số mảnh hay khoảnh đất được làm đất khác hay đất làm năng lượng để hình thành một khu nhà xưởng kiên cố đủ sức để đặt hệ thống điện mặt trời áp mái lên trên”, là ý kiến của nhiều nhà quan sát lẫn đầu tư vào điện mặt trời có kinh nghiệm.

Chưa kể nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng các khu đất bỏ hoang để dựng các mái che cho hệ thống cây non được ươm bên dưới và bán lại quyền khai thác mái cho làm điện mặt trời áp mái bên trên.

Nhiều lời mời hợp tác, cháo bán cơ hội làm điện áp mái
Nhiều lời mời hợp tác, cháo bán cơ hội làm điện áp mái

Hiện tại, giá điện mặt trời áp mái 8,38 UScent/kWh được áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 tới ngày 31/12/2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện.

Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã từng thông tin về việc xuất hiện ngày càng nhiều Dự án điện mặt trời trên mái “né” bổ sung Dự án vào quy hoạch để được hưởng giá bán điện cao.
Do có sự đổ bộ lớn vào lĩnh vực này, nên EVN phải lên tiếng cảnh báo về việc khu vực do Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tổng công ty Điện lực miền Nam quản lý đã có dấu hiệu vượt khả năng giải tỏa công suất lưới điện.
Cụ thể, tại 2 khu vực này, hiện có 4.090 dự án đã và đang thoả thuận đấu nối với công suất 2.218 MWp, dù chưa vận hành thương mại. Tuy nhiên, cũng có 759 dự án với công suất 643 MWp bị liệt kê vào nhóm vượt khả năng giải toả công suất lưới điện.
Các địa phương được điểm tên có nguy cơ quá tải cục bộ lưới điện trung áp là Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Bình Thuận, Ninh Thuận. Ba khu vực còn lại không bị tình trạng quá tải lưới điện là Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Hà Nội và TP.HCM.

Cũng theo quan điểm của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, các công trình điện mặt trời trên mái nhà có công suất trên 1 MW hoặc không lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng hoặc đấu nối vào cấp điện áp trên 35 kV thì không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà theo quy định tại Quyết định 13/2020/Đ-TTg.

Như vậy, sẽ có những nhà đầu tư đổ bộ vào làm điện mặt trời áp mái ở khu vực miền Trung Tây nguyên thời gian qua mà không đọc kỹ các quy định sẽ không biết bán điện cho ai.

Với các kiến nghị liên quan đến lắp đặt hệ thống điện mặt trời trong khu công nghiệp với mục đích tự dùng, kiến nghị không cần thực hiện bổ sung quy hoạch cần được nghiên cứu xem xét tại văn bản quy phạm pháp luật khác như: sửa Luật Điện lực, nghiên cứu đánh giá đầy đủ tác động đối với EVN khi các khu công nghiệp lắp điện tự dùng nhưng EVN vẫn phải chịu trách nhiệm đầu tư đường dây, trạm.... đầy đủ để đảm bảo cung cấp đủ điện khi không có nắng, khi không có điện mặt trời...

Có thể thấy, nếu các hướng dẫn này được chính thức hoá, thì hàng loạt dự án điện mặt trời áp mái đã và đang đầu tư có thể sẽ không được hưởng các chính sách ưu ái dành cho điện mặt trời áp mái nhà theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Điện mặt trời áp mái ào ào đổ bộ vì lãi đậm
Khu vực miền Trung và miền Nam tiếp tục đứng trước nguy cơ quá tải công suất lưới điện do sự đổ bộ của các dự án điện mặt trời áp mái.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư