Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Trên 200 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư cam kết rót vào tỉnh Sóc Trăng
Trúc Giang - 28/04/2022 21:09
 
Tại Hội nghị, Sóc Trăng đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án; ký 18 bản ghi nhớ khảo sát, nghiên cứu đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký trên 200 ngàn tỷ đồng.

Sáng ngày 28/4, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022 diễn ra với chủ đề “Đồng hành - Hợp tác - Phát triển”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Sóc Trăng năm 2022

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng với đặc điểm tự nhiên có 3 vùng sinh thái, là điều kiện thuận lợi cho đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi. Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã khai thác hiệu quả ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu và đã xây dựng được thương hiệu quốc gia một số mặt hàng nông, thuỷ sản của tỉnh.

Ông Mẫn thông tin, trong thời gian tới, để khắc phục điểm nghẽn trong phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Trung ương sẽ triển khai nhiều công trình hạ tầng liên vùng, như: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến quốc lộ, cầu Đại Ngãi, đặc biệt là Cảng biển Trần Đề đã được Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đã đặt nhiệm vụ đến năm 2030 “hoàn chỉnh hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và đóng vai trò cảng cửa ngõ của Vùng”. Qua đó, trong tương lai, Sóc Trăng sẽ có cơ hội là cửa ngõ giao thương, kết nối vùng ĐBSCL, các nước tiểu vùng sông Mêkong qua hành lang kinh tế Đông - Tây với tuyến hàng hải quốc tế; đồng thời, tỉnh Sóc Trăng sẽ khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển, để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, các dự án năng lượng, logistics… tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (ngồi giữa) ký bản ghi nhớ đầu tư với các nhà đầu tư

Ông Mẫn cho biết, Hội nghị hôm nay, tỉnh Sóc Trăng mong muốn giới thiệu những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đồng thời thông tin về định hướng phát triển và thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn tới. Tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực, như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và kinh tế biển…

“Với phương châm mến khách, thấu hiểu đối tác, mong muốn đồng hành, hợp tác, phát triển bền vững, tỉnh Sóc Trăng sẽ luôn thực hiện nhất quán thông điệp “Đồng hành - Hợp tác - Phát triển”. Tỉnh luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác và quyết định đầu tư tại tỉnh. Sóc Trăng cam kết sẽ luôn đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất”, ông Mẫn chia sẻ.

Đánh giá về lợi thế, tiềm năng của tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Sóc Trăng có điều kiện, tiềm năng, thế mạnh sắp tới vô cùng lớn khi trong vòng khoảng 5 năm tới, chậm nhất là 7 năm, Sóc Trăng sẽ có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ trong tổng thể khu vực ĐBSCL, cả về đường bộ, đường không, hàng hải, vận tải ven biển. Trong đó, cảng nước sâu Trần Đề sẽ là một điểm khác biệt chỉ có ở Sóc Trăng và khi cảng Trần Đề hình thành thì không cảng nào trong vùng so sánh được. Vị trí Trần Đề là vị trí xây dựng cảng nước sâu tốt nhất của vùng, đây cũng là điểm đột phá chung của Sóc Trăng và cả vùng.  Khoảng cách từ đây về Cần Thơ, trung tâm vùng, chỉ có 60 km.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện các nhà đầu tư

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các định hướng lớn mà tỉnh Sóc Trăng cần quán triệt, thực hiện hiệu quả đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 120 của Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Vì vậy, tại Hội nghị này, Thủ tướng chỉ chia sẻ suy nghĩ về 13 vấn đề để xây dựng và phát triển môi trường đầu tư, hệ sinh thái đầu tư hướng tới mục tiêu 12 chữ: Công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững.

Trong đó, theo Thủ tướng cần phải thực hiện các đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trước hết là đường bộ cao tốc, cảng biển trong bối cảnh lượng hàng xuất khẩu của vùng ĐBSCL rất lớn, đặc biệt là nông sản, thủy sản…Song song đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử.

Đồng thời, phải coi trọng công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Đổi mới để tạo ra không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, tạo ra những con người mới. Phải có tư duy đột phá thì mới mang lại nguồn lực đột phá, mới có thể "đi sau về trước". Muốn phát triển bền vững thì phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Quy hoạch phải tìm ra và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, khắc phục được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, hạn chế, bất cập. Cùng với việc phát huy những thành quả, tiềm năng đã có, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cần phải chủ động tạo ra những cơ hội phát triển mới, sức hút mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thủ tướng cho rằng, các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu những điều này, soi chiếu vào tầm nhìn của họ, nếu thấy đúng, trúng, hai bên gặp nhau thì sẽ tự tìm đến đầu tư.

Bên cạnh đó, cần giải quyết tốt các vấn đề chiến lược có tính toàn cầu, toàn dân như ứng phó dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu với các vấn đề như xâm nhập mặn, nước biển dâng, sụt lún, sạt lở, thay đổi dòng chảy... tại khu vực ĐBSCL. Giải quyết được vấn đề của tỉnh thì sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của cả nước, vấn đề toàn cầu. Phải xử lý được các vấn đề này thì các nhà đầu tư mới yên tâm tìm đến.

Về phía các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng mong các nhà đầu tư làm việc với các địa phương trên tinh thần “nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật", không "đánh bóng hình ảnh", tránh tình trạng "ký kết rầm rộ, hoành tráng, chỗ nào cũng xuất hiện" nhưng không triển khai được nhiều trong thực tế, gây mất niềm tin. Cùng với đó, phải chống tiêu cực, tham nhũng, chống "chạy chọt" dự án, đất đai, sai phạm về môi trường…

Tại Hội nghị, tỉnh Sóc Trăng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án và ký 18 bản ghi nhớ về khảo sát, nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký trên 200 ngàn tỷ đồng. Trong đó, riêng 4 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có tổng vốn đăng ký đầu tư gần 12.079 tỷ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng
Tối ngày 27/4, tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992-2022), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư