Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Triến lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản
Hải Hà - 05/09/2013 22:38
 
“Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 5 đang điễn ra tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE (Hà Nội) là một trong những sự kiện trong chuỗi các dự án hợp táctrong khuôn khổ hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật –Việt (JVEPA) được thực hiện với mục đích tăng cường hỗ trợ ngành công nhiệp chế tạo ở Việt Nam. Việt Nam tham gia triển lãm công nghiệp phụ trợ tại Mỹ

"Đặc biệt, Triển lãm là dịp để doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện của Việt Nam nâng cao năng lực, tiếp thu công nghệ mới của Nhật Bản ứng dụng cho sản xuất của mình”. Ông Daisuke Hiratsuka, Phó chủ tịch điều hành tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản khẳng định trong lễ khai mạc Triễn lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản sáng 4/9.

Triển lãm là dịp để các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện
của Việt Nam nâng cao năng lực, tiếp thu công nghệ mới của Nhật Bản

Theo đánh giá của một số chuyên gia thì giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp chủ yếu đến từ công nghiệp hỗ trợ.

Do đó, nếu công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu từ nước ngoài và từ đó làm giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, so sánh với một số nước khác trong khu vực, tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật Bản phải mua tại Việt Nam mới chỉ đạt 28%.

Trong khi đó, tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, Thái Lan là 53% và Trung Quốc là 61% (điều tra của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản – Jetro đầu tháng 3/2013).

Trong khi, số lượng các doanh nghiệp ngành chế tạo Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang tăng lên. Số dự án đầu tư mới tính đến hết tháng 3 năm nay tổng cộng là 1.900 dự án với số vốn đầu tư lên tới 31,8 tỷ USD. Trong đó, 55,7% số dự án và 83,4% số vốn đầu tư vào ngành sản xuất chế tạo. Năm 2012, số vốn đầu tư mới vào Việt Nam của Nhật Bản là 4,3 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư từ các nước trên thế giới vào Việt Nam.

Như vậy, để hướng tới mục tiêu thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 và công nghiệp hóa đất nước vào năm 2020, Việt Nam cần phải đẩy nhanh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành sản xuất này, từ năm 2004, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) đã phối hợp với Cục xúc tiến Thương mại Việt Nam (Vietrade) tổ chức thường niên Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản.

Năm 2013, đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, cũng là năm triển lãm này được thay đổi theo tiêu chí đáp ứng giữa cung và cầu về sản phẩm của doanh nghiệp 2 nước.

Theo đó, triển lãm đã thu hút sự tham gia của 107 doanh nghiệp hai nước trình bày sản phẩm miễn phí tại triển lãm. Đặc biệt, 57 nhà sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, điện-điện tử đang hoạt động tại Việt Nam đến từ Nhật Bản và các nước láng giềng sẽ trưng bày những linh kiện, phụ tùng mà họ muốn mua hoặc muốn được cung cấp tại Việt Nam.

Cùng với đó, 54 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng của Việt Nam sẽ trưng bày những sản phẩm, linh kiện mà họ sản xuất được với mong muốn cung cấp cho các đối tác Nhật Bản.

Ngoài ra, 32 công ty Nhật Bản sẽ mang tới Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao của Nhật Bản như ngời máy Honda Asimo và Mutara Boy để kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao 2 nước. Những doanh nghiệp này sẽ trưng bày sản phẩm tại khu “Triển lãm công nghệ cao Nhật Bản (JME) do Ủy ban Điều hành Năm hữu nghị Nhật –Việt tổ chức.

Song song với 2 triển lãm trên còn có Triển lãm Quốc tế về Công nghệ chế tạo Phụ tùng Công nghiệp tại Việt Nam do Công ty Reed Tradex tổ chức và Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam của Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Sở Công thương Hà Nội tổ chức.

Theo ban tổ chức, có khoảng hơn 200 doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, tìm kiếm đối tác ngay tại khu vực diễn ra các hoạt động của 4 triển lãm đồng này.

“Dự kiến, lượng khách tham gia triển lãm sẽ là hơn 10.000 lượt và các cuộc giao dịch thương mại, hợp đồng cung ứng giữa các doanh nghiệp tham gia trưng bày và các khách hàng tiềm năng sẽ là con số tiềm năng chứ không chỉ tính trong 3 ngày diễn ra triển lãm”, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) bày tỏ hy vọng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư