Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Trở thành “ông trùm” công nghệ thẻ: Tham vọng lớn của MK Group
Anh Hoa - 23/05/2023 11:40
 
Dồn dập mua cổ phần của hàng loạt công ty trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ liên quan, MK Group muốn hoàn thiện hệ sinh thái, cộng hưởng sức mạnh và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Thách thức của ngành thẻ lúc này là sự phổ biến của các mobile app và QR code trong thanh toán và chia sẻ dữ liệu
Thách thức của ngành thẻ lúc này là sự phổ biến của các mobile app và QR code trong thanh toán và chia sẻ dữ liệu

 

Mảnh ghép chiến lược

Gần đây, MK Group - doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có nhà máy sản xuất thẻ thông minh - thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng công nghệ. Trong nửa năm qua, MK Group liên tục chốt 6 thương vụ đầu tư mua cổ phần vào công ty công nghệ, gồm VISSOFT, FaceNet, Tinhvan Software, Smart Cyber Security, GeneStory và CNCTech Group.

Trong các thương vụ này, MK Group đều nắm vai trò cổ đông chiến lược và ông Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch HĐQT MK Group trở thành thành viên Hội đồng Quản trị.

MK Group nắm giữ 85% thị phần thẻ ngân hàng và là đơn vị đồng hành với Bộ Công an triển khai 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip. Việc rốt ráo thực hiện đầu tư chiến lược, mua cổ phần hàng loạt công ty trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ liên quan của MK Group nhằm tạo ra liên minh chiến lược giữa các tên tuổi nội địa và phát triển bền vững, đặc biệt là gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Cụ thể, khoản đầu tư vào VISSOFT là phần mở rộng và triển khai các dự án thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục và tài chính công. MK Group sẽ tập trung phát triển công nghệ lõi về an toàn bảo mật trong giao dịch cho các mảng nói trên.

Trong khi đó, FaceNet là công ty áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn và công nghệ

Theo dự báo từ Juniper Research, số lượng thẻ thanh toán được phát hành thông qua các nền tảng phát hành thẻ kỹ thuật số trên toàn cầu sẽ tăng từ 500 triệu thẻ vào năm 2023 lên tới hơn 1,3 tỷ thẻ vào năm 2027.

Mức tăng trưởng 170% này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà phát hành, ngân hàng trực tuyến và các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ thẻ kiểu mới.

Internet vạn vật (IoT) vào các sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam. Một trong những sản phẩm nổi bật của FaceNet là phát triển và cung giải pháp quản lý f-CIM cho các doanh nghiệp sản xuất. f-CIM là bộ sản phẩm phần mềm xây dựng theo phương pháp CIM (sử dụng hệ thống máy tính để điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất) và tích hợp với ERP tạo ra hệ thống quản lý toàn trình quá trình sản xuất của các nhà máy, nhằm mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp.

Tinhvan Software (thành viên của Tinhvan Group) là một trong những công ty tiên phong ở Việt Nam trong lĩnh vực gia công, xuất khẩu phần mềm với thị trường chính tại Nhật Bản.

Tinhvan Software đang chuyển hướng thành công ty chuyên cung cấp sản phẩm, dịch vụ phần mềm chuyên nghiệp, khởi đầu với bộ giải pháp phần mềm Biz@DX phục vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đội ngũ nhân lực của Tinhvan Software là các chuyên gia đã thực hiện thành công hàng trăm dự án phần mềm và có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực tiên tiến như blockchain, big data, AI…

Với thương vụ này, MK Group sẽ sở hữu nguồn lực để sẵn sàng cung cấp và phát triển các giải pháp, nền tảng phần mềm tích hợp dịch vụ thẻ, camera thông minh.

Trong khi đó, Smart Cyber Security có đội ngũ sáng lập là các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực an toàn thông tin, cloud, big data, IoT và AI.

Smart Cyber Security đang khá nổi tiếng với thương hiệu SafeGate. Đây là bộ giải pháp giải quyết các bài toán an toàn, an ninh mạng cho gia đình, nhà trường và các doanh nghiệp, tổ chức vừa và nhỏ theo nguyên tắc đơn giản trong sử dụng, hợp lý trong chi phí nhờ mô hình Cloud-Native Security Platform (CNSP) hoàn toàn mới và đang là xu hướng trên thế giới .

Hai bên sẽ đồng hành nghiên cứu, phát triển các giải pháp hiện tại cũng như hoàn thiện hệ sinh thái xác thực bảo mật và an toàn cho mọi hoạt động trực tuyến.

Đặc biệt, cuối năm 2022, MK Group rót 4,5 triệu USD, sở hữu 10% cổ phần CNCTech Group. Thương vụ này thúc đẩy liên minh chiến lược tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường toàn cầu.

CNCTech Group hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng công nghiệp. Hệ thống 18 công ty thành viên và công ty liên kết của CNCTech Group đã đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp trọng điểm, như thiết bị khai thác dầu khí, tự động hóa, cơ khí chính xác, sản xuất - xuất khẩu điện tử, phát triển công nghệ.

Thành lập năm 2008, CNCTech Group đang trong lộ trình nhắm đến việc cung cấp giải pháp trọn gói một điểm dừng, đón đầu xu thế chuyển dịch sản xuất tới Việt Nam, trở thành đối tác chiến lược của những tập đoàn

logistics lớn tại Việt Nam và thế giới, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cơ hội đi trước và làm chủ công nghệ

Trong 2 năm nay, nhắc đến MK Group, người ta thường nghĩ đến sản xuất thẻ, nhưng thực ra MK Group cũng là một công ty cung cấp dịch vụ, máy móc thiết bị và giải pháp về xác thực (authentication), như giải pháp xác thực Internet banking (ngân hàng trực tuyến) mà khoảng 20 ngân hàng tại Việt Nam đang sử dụng. Doanh thu từ dịch vụ này có năm lên đến cả trăm tỷ đồng.

Trong nhiều năm, MK Group chiếm thị phần rất lớn (khoảng 80 - 85%) trên thị trường thẻ ngân hàng theo tiêu chuẩn của NAPAS. MK Group cũng cung cấp thẻ SIM card cho điện thoại di động, làm cả eSIM. Dựa trên các nền tảng sản phẩm đó, MK cung cấp giải pháp bảo mật như mã hóa chữ ký số trên thiết bị. Ngoài ra, MK Group còn thực hiện các giải pháp an ninh mạng khi đăng nhập vào các thiết bị.

Năm 2022, doanh thu của MK Group đạt khá cao, một phần nhờ dự án cung cấp thẻ căn cước công dân. Trong năm nay, Công ty dự kiến đạt doanh thu khoảng hơn 100 triệu USD.

“Chúng tôi tìm kiếm sự tăng trưởng ở những thị trường khác. Đã làm được cho 80 triệu người dân Việt Nam, chúng tôi cũng có thể thành công ở những nước khác, đồng thời đa dạng hóa các lĩnh vực khác để bù đắp vào. Năm 2023, lĩnh vực của MK Group sẽ phát triển một cách đột biến. Nhu cầu về thẻ thông minh, camera, an ninh, bảo mật cũng như các vấn đề cần giải quyết đều rất nhiều”, ông Nguyễn Trọng Khang chia sẻ.

Đầu năm 2023, MK Group đã xin được giấy phép mở nhà máy ở Ethiopia. Trước đó, doanh nghiệp này đã mua cổ phần nhà máy sản xuất thẻ tại Brasil và đang tiếp tục phát triển sang Indonesia, Myanmar… Đây là những thị trường có quy mô dân số đông giống như Việt Nam, nhưng có rất ít đơn vị cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực xác thực bảo mật cho thẻ căn cước, hộ chiếu.

Mục tiêu của MK Group trong chặng đường tới là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để đưa ra những sản phẩm, giải pháp mới, đồng thời mở rộng kinh doanh

tại khu vực châu Á và các châu lục khác như châu Mỹ, châu Phi với định hướng Smart Digital Security (Bảo mật số thông minh).

Trong đó, Smart có ý nghĩa là phương thức thanh toán, định danh và trao đổi dữ liệu thông minh; Digital là số hóa các hoạt động định danh và giao dịch; Security là bảo mật dữ liệu, danh tính và giao dịch.

Ông Khang cho rằng, trở thành người đi trước và làm chủ công nghệ chính là bước đi quan trọng hàng đầu. Hiện nay, mỗi năm MK Group dành khoảng 10% doanh thu cho hoạt động R&D. Tất cả hoạt động nghiên cứu và sản xuất của MK đều được thực hiện tại Việt Nam, với 2 nhà máy sản xuất thẻ và 2 trung tâm R&D ở Hà Nội và TP.HCM.

Ở Việt Nam có rất nhiều mảnh ghép chưa được kết nối lại với nhau. Đó là cơ hội cho MK Group. Theo ông Khang, hiện nay, mỗi bộ, ban, ngành lại có một cơ sở dữ liệu riêng. Theo Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ), Chính phủ muốn tích hợp các nguồn dữ liệu đó lại để có thể làm bài toán dữ liệu lớn. Yêu cầu này đang mở ra cơ hội cho MK Group.

Ngoài ra, MK Group đang đầu tư rất lớn vào công nghệ AI trong camera, sản xuất camera AI ở Việt Nam để  phục vụ trong ngành giao thông vận tải, hoặc camera cho ô tô, phục vụ lĩnh vực bảo hiểm ô tô. Ông Khang cũng kỳ vọng có thêm cơ hội trong lĩnh vực camera giao thông.

Chủ tịch HĐQT MK Group nhấn mạnh, thách thức của ngành thẻ lúc này là sự phổ biến của các ứng dụng trên điện thoại thông minh (mobile app) hay QR code trong thanh toán và chia sẻ dữ liệu, song ngành thẻ không biến mất.

Minh chứng, tại thị trường “khủng” như Trung Quốc, tuy thanh toán QR Code “càn quét”, với 2 ứng dụng phổ biến nhất là WeChat Pay (Tenpay) của Tencent và Alipay của Alibaba, nhưng lượng phát hành thẻ tại quốc gia này không những không giảm, mà còn tăng.

Lý do là, người ta vẫn phải dùng một chiếc thẻ để xác thực cho tài khoản trên app (tokenize). Bên cạnh đó, còn do thói quen người dùng và QR code chỉ mang tính địa phương, khi người dân đi ra nước ngoài thì vẫn phải dùng thẻ, vì chưa có tiêu chuẩn quốc tế cho sử dụng QR code.

Thêm một vấn đề nữa, đó là an ninh bảo mật. Khi có vấn đề về thanh toán, nếu không có thẻ, sẽ rất khó để truy vết giao dịch thanh toán, đặc biệt khi chuyển tiền xuyên biên giới.

“Tôi thấy cơ hội lớn cho Việt Nam lúc này là có nhiều người Việt có kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức lớn nước ngoài mong muốn trở về xây dựng quê hương, đồng thời lực lượng lao động trong nước, các công ty công nghệ ở Việt Nam cũng được đào tạo bài bản”, ông Khang chia sẻ.

Đó là lý do để doanh nhân này định hướng đưa MK Group trở thành “ông trùm” kết nối các doanh nghiệp thành hệ sinh thái trọn vẹn nhằm đủ sức mạnh cạnh tranh với các “ông lớn” trên thị trường thế giới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư