Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Trong khủng hoảng, ưu tiên quản trị tài chính
Chi Mai - 19/02/2014 08:43
 
Bà Jo Iwasaki, Trưởng bộ phận Quản trị doanh nghiệp của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp Việt Nam rằng, việc cắt giảm chi phí lúc khó khăn có thể giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động, song cũng có thể làm tăng rủi ro ở những khía cạnh khác. Hầm đường bộ Đèo Cả: Bí quyết từ quản lý dòng tiền >Masan Group trên đà vượt doanh thu 1 tỷ USD

Theo bà, quản trị doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong giai đoạn khủng hoảng tài chính hiện nay?

Trong mỗi cuộc khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước lại chú ý nhiều hơn đến vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Nhưng để có thể trụ vững trước khó khăn, thử thách, doanh nghiệp cần phải có chiến lược phát triển tốt, xây dựng được mô hình kinh doanh bền vững từ trước đó, thì mới có khả năng thích ứng tốt với những diễn biến bất lợi của môi trường kinh doanh.

Bà Jo Iwasaki, Trưởng bộ phận Quản trị doanh nghiệp của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh và xứ Wales
Bà Jo Iwasaki, Trưởng bộ phận Quản trị doanh nghiệp của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh và xứ Wales

Sự đổ vỡ của những ngân hàng lớn trên thế giới cũng như nợ xấu trong hệ thống tín dụng Việt Nam tăng cao trong thời gian qua là hậu quả của sự yếu kém trong quản trị rủi ro, khiến ngân hàng trở tay không kịp khi khủng hoảng nhà đất diễn ra.

Bà có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm để giúp doanh nghiệp có thể quản trị tốt trong thời kỳ khủng hoảng?

Trong khủng hoảng, doanh nghiệp sẽ được chia làm hai nhóm: nhóm dễ bị tổn thương là những doanh nghiệp được thành lập để tận dụng những ưu đãi về chính sách và phản ứng của nhóm này trước khó khăn là co cụm lại; nhóm thứ hai là nhóm có chiến lược phát triển bền vững, ít bị ảnh hưởng, nhưng cũng cần phải đi đúng đường hướng phát triển.

Trong quản trị doanh nghiệp, thì trách nhiệm giải trình của ban giám đốc trước cổ đông rất quan trọng và minh bạch là chìa khóa để doanh nghiệp thành công. Chỉ khi minh bạch trước cổ đông, doanh nghiệp mới có thể nhận được sự chia sẻ, ủng hộ với những kế hoạch huy động vốn khi cánh cửa tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trở nên hẹp hơn.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chọn cách co cụm lại để duy trì qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Bà nghĩ thế nào về điều này?

Việc này phụ thuộc rất nhiều vào loại hình hoạt động doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có thể thu hẹp hoạt động trong giai đoạn nhất định, nhưng đó không phải là mẫu số chung cho tất cả các doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng. Việc cắt giảm chi phí có thể giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động, song cũng có thể làm tăng rủi ro ở những khía cạnh khác, như mất khách hàng, mất những nhân công có giá trị...

Quyết định của doanh nghiệp trong thời điểm này rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần ưu tiên các giải pháp về tái cơ cấu vốn, tài sản, về xử lý các vấn đề liên quan đến đầu tư và dòng tiền mặt bổ sung, cũng như các giải pháp kiểm soát và quản lý tiền mặt.

Doanh nghiệp cần đối thoại về quản trị doanh nghiệp, để từ đó xác định được cơ hội, tìm giải pháp thích ứng với môi trường hoạt động, đồng thời tìm những cơ hội mới. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần có những quyết định hợp lý để thúc đẩy việc phát triển doanh nghiệp thành công lâu dài, xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.

Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nhanh nhẹn và thích ứng với môi trường hoạt động của doanh nghiệp, xác định được cơ hội mới và xây dựng lại niềm tin cho công chúng.

Doanh nghiệp phải đặt ra các trách nhiệm cơ bản cần phải thực hiện, như cần xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng và phải quyết tâm đạt được mục đích đó, cần cư xử theo cách thức được xã hội chấp nhận, cần nghiên cứu xem các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đề ra có bảo vệ được hình ảnh của công ty hay không...

10 nguyên tắc vàng tạo cân bằng trong kinh doanh
Doanh nhân thành đạt là người biết điều hành doanh nghiệp một cách linh hoạt, tìm được sự cân bằng hợp lý trong nhiều khía cạnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư