Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đọc tín hiệu phục hồi của nền kinh tế
Nguyên Đức - 11/02/2014 10:32
 
Theo một bản báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng HSBC vừa công bố, với chủ đề “Khởi đầu một năm mới thuận lợi hơn với sản lượng tăng”, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa đã tăng mạnh, từ mức 51,8 điểm trong tháng 12/2013, lên 52,2 điểm trong tháng 1/2014. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 4/2011 và nhiều khả năng, sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. >>> GDP bình quân đầu người và vị thế đất nước >>> Nền kinh tế đột phá sau năm 2014 >>> Chỉ có một con đường để Việt Nam đi lên >>> 2014, năm thách thức với doanh nghiệp nhà nước

PMI tăng và đó là hy vọng cho sự hồi phục của sản xuất - kinh doanh. Nghiên cứu của HSBC cũng chỉ ra rằng, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng nhanh tháng thứ tư liên tiếp trong vòng 5 tháng qua. Nhu cầu khách hàng tăng lên, đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng nhanh trong tháng 1/2014.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa đã tăng mạnh trong tháng 1/2014

Việc thực hiện nhiều đơn hàng lớn ngay từ đầu năm đã khiến tốc độ giảm hàng tồn kho ở mức nhanh nhất kể từ tháng 2/2013. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm ngày 1/1/2014 là 2,1%, thấp đáng kể so với con số 7,3% cùng kỳ năm trước.

Không chỉ HSBC, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước còn chung quan điểm rằng, “đáy” của nền kinh tế Việt Nam đã qua đi và năm 2014, kinh tế sẽ dần hồi phục. Kết quả của năm 2013, với tăng trưởng GDP 5,42%, lạm phát 6,04%, sự ổn định kinh tế vĩ mô, nợ xấu bước đầu được xử lý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục, xuất khẩu tăng nhanh, dự trữ ngoại hối được cải thiện... chính là bước chạy đà quan trọng cho nền kinh tế năm 2014.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, những khó khăn rất lớn còn đang ở phía trước. Chính HSBC, mặc dù khá lạc quan với việc Việt Nam “khởi đầu một năm mới thuận lợi hơn với sản lượng tăng” và “chào đón năm Giáp Ngọ tràn đầy hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn”, nhưng cũng cảnh báo: “Hy vọng thường cũng có thể trở thành tuyệt vọng khi không dựa trên một kế hoạch cụ thể”.

Báo cáo của HSBC chỉ thể hiện một góc nhìn. Trên thực tế, dù kinh tế tháng 1/2014 đã qua đi với những con số khá tích cực, như CPI chỉ tăng 0,69% so với tháng 12/2013 - là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ sau khi trừ yếu tố giá cả tăng 5,8%..., nhưng ở khía cạnh khác, những con số này cũng cho thấy khó khăn đối với nền kinh tế còn lớn.

CPI tăng chậm trong tháng Tết là dấu hiệu cho thấy sức mua của nền kinh tế còn thấp. Diễn biến giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua không có biến động lớn, càng khẳng định thêm điều này. Mức tăng 5,8% của sức mua cũng không phải là cao. Một khi sức mua tăng chậm sẽ tác động tới động lực cho sản xuất - kinh doanh. Sản xuất, vì vậy khó kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian tới. Kéo theo đó, tăng trưởng GDP, ít nhất trong quý I/2014, cũng chưa thể hồi phục mạnh.

Bởi thế, dù quyết tâm, dù khí thế ra quân đầu năm là quan trọng, song quan trọng hơn hết là việc tiếp tục thực thi một cách quyết liệt, triệt để và hiệu quả ngay từ bây giờ các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nói, là phải nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm để đưa nền kinh tế Việt Nam về đích trong năm 2014.

Nền kinh tế đột phá sau năm 2014
Sự tăng trưởng kinh tế khá đồng đều ở các nền kinh tế lớn trên thế giới cuối năm 2013 đã tạo cơ sở cho dự báo lạc quan hơn về tăng trưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư