Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Trump bàn sản xuất thiết bị y tế với GM, Ford
Phiên An (Vnexpress/Reuters) - 20/03/2020 18:08
 
GM và Ford đã thảo luận với Nhà Trắng về việc hỗ trợ sản xuất các thiết bị y tế như máy trợ thở để chống lại Covid-19.

Giám đốc điều hành GM Mary Barra đã nói chuyện với cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow về vấn đề sẽ hỗ trợ sản xuất thiết bị y tế, sau khi hãng xe tuyên bố đình chỉ sản xuất ở Bắc Mỹ cho đến ngày 30/3. Ông Kudlow cũng xác nhận với Fox News rằng đã trao đổi với một nhà sản xuất ôtô trong việc xem xét sản xuất máy trợ thở.

Người phát ngôn của GM Jeannine Ginivan cho biết công ty đang cùng tìm giải pháp hỗ trợ cho quốc gia trong thời gian khó khăn này. Do vậy, GM đã đề nghị được giúp đỡ và đang nghiên cứu cách để có thể hỗ trợ sản xuất các thiết bị y tế.

Tương tự, Ford tuyên bố "sẵn sàng giúp chính quyền bằng mọi cách có thể, bao gồm cả khả năng sản xuất máy trợ thở và các thiết bị khác. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận sơ bộ với chính phủ Mỹ và đang xem xét tính khả thi". Ông Kudlow ca ngợi thiện chí của hai nhà sản xuất ôtô trong bối cảnh họ cũng phải đang đóng cửa nhà máy vì Covid-19.

Máy trợ thở được sản xuất trong nhà máy của Hamilton Medical tại Thụy Sỹ hôm 18/3. Ảnh: Reuters

Máy trợ thở được sản xuất trong nhà máy của Hamilton Medical tại Thụy Sỹ hôm 18/3. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, GM và Ford có thể phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc chế tạo một thiết bị y tế phức tạp như máy trợ thở. Không rõ sẽ mất bao lâu để họ làm được điều đó.

Các quốc gia trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ thiếu hụt máy trợ thở để điều trị cho những bệnh nhân nặng của Covid-19. Mỗi máy trợ thở có giá trị hàng nghìn USD và được sử dụng để hỗ trợ hô hấp cho người bệnh. Đầu tuần này, Anh cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất bao gồm Ford, Honda và Rolls Royce hỗ trợ chế tạo các thiết bị y tế bao gồm máy trợ thở.

Trong Thế chiến thứ hai, GM, Ford và các nhà sản xuất ôtô khác đã điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất để chế tạo xe tăng, máy bay và các thiết bị quân sự, vũ khí khác. Thành phố Detroit, thủ phủ của ngành công nghiệp ôtô Mỹ, khi ấy được đặt biệt danh là "Arsenal of Democracy", theo khẩu hiệu của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt.

Trước đó, vào tháng 2, khi Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc, một số nhà sản xuất lớn của nước này bao gồm Foxconn và SAIC-GM-Wuling Automobile, một liên doanh của GM và với hai đối tác nội địa, cũng đã thiết lập dây chuyền để sản xuất khẩu trang và quần áo y tế.

Lệnh 'cấm cửa châu Âu' của Trump gây hỗn loạn
Hành khách giận dữ chờ đợi hàng giờ để kiểm tra y tế tại các sân bay Mỹ, sau khi Trump bất ngờ cấm người đến từ châu Âu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư