Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Trung Quốc kéo thêm giàn khoan Nam Hải số 4 vào vịnh Bắc bộ
Tầm Như - 12/07/2014 06:05
 
Trung Quốc vừa kéo giàn khoan Nam Hải số 4 xuống tác nghiệp tại vị trí mới nằm sát đường phân giới vịnh Bắc bộ trong thời gian gần 1 năm.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Biến cố Biển Đông và cơ hội cho nền kinh tế chủ động
Chưa ký Hiệp định Hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc
Hóa giải tác động từ tình hình Biển Đông
Biệt kích và đặc nhiệm Nhật Bản luôn sẵn sàng ứng phó Trung Quốc
Trung Quốc kéo giàn khoan Nam Hải số 4 vào vịnh Bắc bộ
Trung Quốc đang tăng cường giàn khoan xuống tác nghiệp ở biển Đông 

Theo tin thông báo trên trang mạng Cục hải sự quốc gia Trung Quốc ngày 10/7 tuyên bố, giàn khoan “Nam Hải số 4” của nước này sẽ tác nghiệp tại biển Đông trong vòng 1 năm tới.

Theo đó giàn khoan này bắt đầu hoạt động khoan khai thác dầu khí tại khu vực biển Đông kể từ ngày 9/7/2014 đến ngày 30/6/2015, tại vị trí có tọa độ 18°36′48.″47 N/107°40′28.″43 E.

Đồng thời nước này còn đưa ra thông báo cấm tất cả các loại tàu thuyền qua lại và tránh xa khu vực vòng tròn tác nghiệp của giàn khoan, có bán kính 2 km, lấy tâm là tọa độ trên.

Điểm hạ đặt giàn khoan Nam Hải 4 tuy nằm trong khu vực vịnh Bắc bộ nhưng không xâm phạm chủ quyền lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vị trí hạ đặt giàn khoan Nam Hải 4 cách điểm vuông góc gần nhất trên đường phân giới vịnh Bắc bộ khoảng 35km về phía Trung Quốc. Hiện Trung Quốc cũng đang có giàn khoan Nam Hải 9 hoạt động ở vị trí tương tự, sát đường phân giới vịnh Bắc bộ như Nam Hải 4.

Cần hết sức cảnh giác và theo dõi chặt chẽ các di biến động của các giàn khoan này, không để xâm phạm chủ quyền của nước ta trên biển.

Mỹ ra nghị quyết biển Đông, Trung Quốc im hơi lặng tiếng

Ngày 10/7, với toàn bộ phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết S.RES.412 về Biển Đông yêu cầu Trung Quốc quay lại nguyên trạng trước ngày 1/5.

Nghị quyết khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và không phận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải trả nguyên trạng như trước khi có

giàn khoan Hải Dương 981 

Nghị quyết cho rằng các yêu sách lãnh thổ và hành động trên đây của Trung Quốc là không thể biện minh theo luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong UNCLOS và là một hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.

Bên cạnh đó, nghị quyết nêu rõ mặc dù không phải là một bên có yêu sách ở Biển Đông nhưng Mỹ là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương, có lợi ích quốc gia trong việc khuyến khích và ủng hộ các quốc gia trong khu vực hợp tác với nhau để giải quyết các tranh chấp bằng con đường ngoại giao và hòa bình; phản đối việc cưỡng bức, hù dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, theo TTXVN.

Nghị quyết S.RES.412 được ban hành từ ngày 10/7, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại phía Trung Quốc vẫn im hơi lặng tiếng, chưa có phản ứng nào.

Tàu Trung Quốc treo biểu ngữ "chung sống hoà bình"

Trong ngày 10/7, các tàu của ta vẫn kiên trì bám trụ và phát loa tuyên truyền, yêu cầu tàu Trung Quốc sớm rút giàn khoan cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Khác với mọi ngày, ngày 10/7, tàu của Trung Quốc dồn sâu, co cụm sát 2 bên giàn khoan, các tàu này giữ nguyên vị trí và đợi đến khi đội hình tàu của CSB và kiểm ngư Việt Nam tiếp giáp ở cự ly gần mới tăng tốc lao ra ngăn cản, chèn ép, uy hiếp, bao 2 bên mạn và sẵn sàng đâm húc các tàu của Việt Nam.

Tàu Trung Quốc với băng rôn chung sống hoà bình đầy giả tạo

Điều đặc biệt, khi các tàu Trung Quốc ở khoảng cách rất gần với tàu CSB 4032, một tàu của Trung Quốc mang số hiệu 2506 bất ngờ tăng tốc, chạy song song cùng tàu CSB 4032. Dọc thân tàu này treo một băng rôn bằng tiếng Việt có dòng chữ: Trung Quốc – Việt Nam hữu nghị, chung sống hòa bình với nhau.

Trung Quốc giương ra biểu ngữ này, trong khi đó giàn khoan và các tàu hộ tống của Trung Quốc vẫn ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Theo quan sát của lực lượng kiểm ngư, giàn khoan ngày 10/7 không có dấu hiệu dịch chuyển, theo VTV.

Giàn khoan Hải Dương 981 ảnh hưởng gì đến Hà Nội?

Theo GDVN, theo ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong bối cảnh tình hình còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định (cả bên trong và bên ngoài); bên trong do tác động của suy thoái kinh tế, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm về kinh tế gia tăng; trong khi đó các đối tượng phản động, cực đoan, chống đối tăng cường các hoạt động gây phức tạp tình hình; bên ngoài Trung Quốc tiếp tục leo thang, gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

"Xuất phát từ vị trí hết sức đặc biệt của Thủ đô và dự báo tình hình thời gian tới tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường; thành phố tập trung cao độ huy động các lực lượng, các ngành, các cấp tham gia bảo vệ tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Từ thành phố đến cơ sở tăng cường nắm bắt tình hình, nhất là đối với học sinh, sinh viên, người nước ngoài, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch, chống đối", ông Thảo nhấn mạnh.

Chủ tịch TP Hà Nội - ông Nguyễn Thế Thảo cho biết, việc Trung Quốc gây căng thẳng trên biển Đông đã gây ảnh hưởng xấu tới kinh tế Thủ đô

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa, kiên quyết không để xảy ra tuần hành, biểu tình trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, xử lý nghiêm những người có hành vi lôi kéo, kích động. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; không để hình thành các băng, nhóm tội phạm, hoạt động theo kiểu xã hội đen, gây phức tạp về an ninh trật tự.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giải quyết vấn đề biển Đông hiện nay; kịp thời thông tin đúng tình hình; chấn chỉnh kỷ luật thông tin, không để các đối tượng phản động, phần tử xấu, cơ hội chính trị lợi dụng; thực hiện tốt việc định hướng dư luận nhân dân.

Lập trường chính thức của Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa Lập trường chính thức của Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa

Dưới đây là lập trường chính thức về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa do Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư