Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam mở cửa trở lại nhưng chưa có giáo viên
Bạch Dương - 20/03/2024 17:49
 
Sau khi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đã mở cửa trở lại. Nhưng nhiều học sinh đến trường đã phải gọi điện thoại cho bố mẹ đón về do không có giáo viên.

Diễn biến mới nhất liên quan vụ việc Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn phản ánh, một số phụ huynh cho biết, trong email nhà trường gửi cho phụ huynh tối 18/3, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) thông báo: "Sau một ngày làm việc cùng với các cơ quan ban ngành cũng như các nhà đầu tư, những vấn đề về nhân sự, tài chính của nhà trường vẫn đang tiếp tục được quyết liệt giải quyết".

Trường sẽ hoạt động trở lại để đảm bảo lợi ích của toàn thể học sinh hiện tại, nhưng "việc dạy và học vẫn sẽ có sự gián đoạn không thể tránh khỏi trong tuần này". Nhà trường sẽ nhanh chóng giải quyết các vấn đề cấp bách để việc dạy và học trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể.

Tuy nhiên, nhiều học sinh đến trường đã phải ngồi ở căng-tin hoặc gọi điện thoại cho phụ huynh đón về do không có giáo viên.

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đã hoạt động trở lại, nhưng không có giáo viên.

Trước đó, gần 1.400 học sinh của AISVN phải nghỉ học ngày 18/3 .

Trường có hơn 400 giáo viên, nhân viên người Việt Nam và nước ngoài. Chủ trường cho biết, trường đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng dẫn đến không thể chi trả lương cho giáo viên, nhân viên và các khoản vận hành. Năm ngoái, trường kêu gọi phụ huynh đóng thêm tiền đưa đón, cơ sở vật chất, chuyển đổi chương trình IB (tú tài quốc tế). Chỉ một số phụ huynh đồng ý đóng tiền và hỗ trợ thêm giúp trường duy trì hoạt động đến nay. Chủ cơ sở đang tính phương án để các quỹ đầu tư tham gia tái cấu trúc trường.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP.HCM, tại thời điểm hết tháng 1/2024 AISVN là một trong các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trong suốt 9 tháng, với số tiền chậm đóng lên đến gần 202 triệu đồng.

AISVN được bắt đầu xây dựng từ năm 2009, với tổng vốn đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng. Chủ đầu tư ban đầu là Công ty TNHH Quản trị Tài nguyên Tri thức, được thành lập vào năm 2010, do bà Nguyễn Thị Út Em và các cổ đông Hồ Quang Tri, Hồ Quang Trung sở hữu, với tỷ lệ lần lượt là 80%, 0,1% và 19,9%.

Tháng 5/2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo với Công ty TNHH Quản trị Tài nguyên Tri thức và bà Nguyễn Thị Út Em về việc thu giữ 5.646 m2 đất và tài sản gắn liền với đất tại lô số 14, Công viên Phần mềm Quang Trung, quận 12, TP.HCM (trụ sở của công ty) để xử lý thu hồi nợ. Lô đất kể trên sau đó được SCB đưa ra đấu giá với giá khởi điểm là 191 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ (AIS) hiện là đơn vị điều hành của AISVN, doanh nghiệp được thành lập năm 2018, trụ sở tại TP.HCM. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục. Tại thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Út Em nắm 90% vốn, ông Hồ Quang Trung nắm 9,9% và ông Hồ Quang Tri nắm 0,1%.

Chỉ 2 tuần sau, vốn điều lệ Công ty đột ngột tăng vọt lên 1.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Út Em hiện là người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT công ty.

Trên website của trường, đơn vị này công khai mức học phí năm học 2023-2024. Mức học phí sẽ bao gồm phí hồ sơ đầu vào; phí ghi danh; phí chương trình phát triển Anh ngữ bổ sung và học phí.

Phí hồ sơ đầu vào được đóng ngay khi nộp đơn đăng ký nhập học, đồng thời với việc đặt lịch hẹn cho bài kiểm tra/phỏng vấn đầu vào. Phí này được đóng một lần (từ 1,5 - 2,5 triệu đồng tuỳ khối lớp) và không được hoàn lại bất kể học sinh được chấp nhận học hay không. 

Đối với phí ghi danh, phụ huynh học sinh đóng phí này trong vòng 7 ngày sau khi học sinh nhận được thư thông báo chấp nhận nhập học từ trường và trước ngày học đầu tiên của học sinh. Phí ghi danh đảm bảo việc giữ chỗ cho học sinh tại trường có mức từ 25 - 45 triệu đồng.

Với phí chương trình phát triển Anh ngữ bổ sung (EAL) là dành cho học sinh được nhà trường xác định cần hỗ trợ và phát triển khả năng Anh ngữ. Mức phí dành cho chương trình này là 40 triệu đồng với học sinh lớp 1-5; 50 triệu đồng với học sinh lớp 6-10.

Riêng đối với học phí, trường có mức phí tăng dần theo từng cấp học. Mức thu thấp nhất thuộc về các lớp khám phá, dự bị tiểu học với 280 - 350 triệu đồng/năm; cao nhất là lớp 11 và 12 với 725 triệu đồng/năm. Đây là các giá học phí đóng trọn năm, còn nếu đóng theo 2 học kỳ số tiền sẽ tăng thêm vài chục triệu đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư