Thứ Sáu, Ngày 25 tháng 04 năm 2025,
Cơ hội “độc nhất vô nhị” của Việt Nam trong thu hút vốn FDI
Nguyên Đức - 25/04/2025 09:53
 
Muốn tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới, Việt Nam cần “nâng tầm” dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đây chính là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.
Trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần đột phá cả về số vốn lẫn chất lượng dòng vốn. Ảnh: Đức Thanh

Định vị là điểm đến của công nghệ cao

Việt Nam vẫn đang tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam, do Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao, Khối Khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng UOB) khẳng định rằng, ông nhìn thấy cơ hội “độc nhất vô nhị” của Việt Nam trong thu hút dòng đầu tư chất lượng cao.

Sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi lớn như Samsung, LG, Foxconn, Amkor… tại Việt Nam trong thời gian gần đây chính là minh chứng cho nhận định này. “Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư, mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Lim Dyi Chang nói.

Con số 42.760 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký vượt 510 tỷ USD, xếp trong nhóm 15 quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất toàn cầu là một minh chứng. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, việc chỉ khoảng 5% tổng vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao là chưa tương xứng với kỳ vọng.

“Chúng ta không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp. Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định, ông Koen Soenens, Giám đốc kinh doanh và marketing tại Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, Việt Nam cần định vị là điểm đến của các ngành công nghệ cao như AI, bán dẫn.

Thực tế, đây là điều đã được nhắc tới lâu nay. Sau khi Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, với yêu cầu đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được thay đổi đáng kể về chất, làn sóng đầu tư vào các dự án công nghệ cao, điện tử, thậm chí cả bán dẫn, AI… ngày càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, mục tiêu “tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025” thì chưa thể đạt được.

“Đúng là gần đây, các dự án đầu tư nước ngoài hướng đến công nghệ cao gia tăng, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Chất lượng đầu tư chưa cao, số lượng dự án đầu tư ở các lĩnh vực thượng nguồn cũng chưa cao… Chúng ta cần nhiều hơn thế”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) nói

Cũng theo ông Tuấn, thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ cần chọn lọc, hiệu quả, mà phải gắn với khu vực trong nước, làm sao để có thể tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới”.

Cần nhiều đột phá

Dù đã đạt những kết quả tích cực, nhưng khi mục tiêu của Việt Nam là tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới, thì thu hút đầu tư nước ngoài cần nhiều đột phá hơn nữa. Đột phá về số vốn và đột phá cả về chất lượng dòng vốn.

“Chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp, ngoài vấn đề thể chế, nhân lực, hạ tầng, thì điều quan trọng là làm sao duy trì niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, làm sao để giữ chân họ ở lại”, ông Tuấn nói.

Để trở thành trung tâm đầu tư nước ngoài chiến lược, Việt Nam cần đầu tư vào nền tảng phát triển, thay vì chỉ cạnh tranh bằng chính sách ưu đãi.

Giải quyết vấn đề này, theo ông Tuấn, cần tập trung vào vấn đề “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đó chính là thể chế, đồng thời làm sao phải có chính sách đột phá để hỗ trợ các động lực tăng trưởng mới, như bán dẫn, AI.

“Để nhà đầu tư ở lại thì cũng cần sự phát triển của cả khu vực doanh nghiệp trong nước. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn hay nói ‘Việt Nam là ngôi nhà thứ hai’, nhưng quan trọng, đó là nhà thuê hay là nhà chung của chúng ta? Chúng tôi muốn nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai để có thể cùng doanh nghiệp Việt Nam phát triển vì sự thịnh vượng chung”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam lại chia các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thành những nhóm khác nhau, gồm nhóm doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu, nhóm doanh nghiệp hướng đến thị trường nội địa, để khẳng định rằng, mỗi nhóm cần có động lực và chính sách khác nhau.

Lấy ví vụ với nhóm doanh nghiệp hướng vào thị trường nội địa, ông Hùng nhấn mạnh rằng, nếu có thể thu hút được đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, như dự án điện khí LNG quy mô lớn, thì “lợi đơn, lợi kép”, nhưng thực tế thời gian qua,  thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa nhiều, mấy năm gần đây mới có các dự án năng lượng tái tạo.

“Muốn đưa họ vào thì mình phải chơi theo luật chơi quốc tế. Những lĩnh vực này, thời gian thu hồi vốn dài, nên quan trọng là chính sách phải đủ hấp dẫn và đủ độ tin cậy”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp hướng tới thị trường xuất khẩu, dù khẳng định Việt Nam đã làm rất tốt, nhưng theo ông Hùng, quan trọng là làm sao để doanh nghiệp Việt có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp nước ngoài đầu chuỗi.

“Cần có chương trình hỗ trợ để doanh nghiệp Việt tham gia được chuỗi cung ứng đó. Thường thì doanh nghiệp đầu chuỗi sẽ không có động lực để thay thế doanh nghiệp trong chuỗi mà họ sẵn có bằng doanh nghiệp trong nước”, ông Hùng nhấn mạnh.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham cho rằng, đặt tương quan với các nước xung quanh, Việt Nam luôn có lợi thế để thu hút đầu tư. Tuy vậy, để kết nối “nội - ngoại” thành công, phải tăng cường chất lượng doanh nghiệp Việt, bao gồm cả vấn đề quản trị, chứ không chỉ đơn thuần là cần có hàng hóa tốt, giá rẻ…

Ngoài các vấn đề này, để “nâng tầm dòng vốn đầu tư nước ngoài”, các chuyên gia cho rằng, còn nhiều vấn đề Việt Nam cần phải cải thiện. “Chất lượng nguồn nhân lực là rất quan trọng”, ông Scott Fritzen, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam nói.

Trong khi đó, ông Lim Dyi Chang đề cập 7 vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm ở Việt Nam trong dài hạn, nên Việt Nam phải làm sao để có được những điều đó. Đó là hạ tầng sẵn sàng; môi trường pháp lý ổn định, minh bạch; hợp tác công - tư trong phát triển nhân lực và đổi mới sáng tạo; hệ sinh thái tài chính và thị trường vốn hiệu quả; tầng lớp trung lưu tăng trưởng ổn định, tạo động lực cho cả tiêu dùng và sản xuất; cam kết rõ ràng với phát triển bền vững; khung pháp lý linh hoạt cho kinh tế số.

“Để trở thành trung tâm đầu tư nước ngoài chiến lược, Việt Nam cần đầu tư vào nền tảng phát triển, thay vì chỉ cạnh tranh bằng chính sách ưu đãi”, ông Lim Dyi Chang nhấn mạnh.

Khi Việt Nam là đích đến của các nhà đầu tư nước ngoài
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là “đích đến”. Nhưng quan trọng là làm sao để các kế hoạch đó được hiện thực hóa,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư